Đến tận ngày 29/4/1975. Hoa Kỳ mới thực hiện một chiến dịch di tản ồ ạt người Mỹ, người nước ngoài và những người Việt Nam làm việc cho Mỹ. Vậy tại sao Hoa Kỳ không thực hiện việc di tản sớm hơn ? Một kế hoạch di tản đầy mạo hiểm đã được xây dựng nhưng cuối cùng đã không được thực hiện, nếu không, hậu quả sẽ chưa biết ra sao
Kế hoạch di tản người Mỹ từ khá sớm
Trước tình hình không mấy khả quan tại Nam Việt Nam, trong tháng 4/1975, Hoa Kỳ đã chủ trương di tản người Mỹ khỏi Nam Việt Nam trước khi quân giải phóng tiến công và chính quyền Sài Gòn sụp đổ.
Vào thời điểm tháng 4/1975, 4 hàng không mẫu hạm là Hancock, Coral Sea, Midway, Enterprise đã tập hợp thành một hạm đội ở ngoài khơi miền Nam Việt Nam để sẵn sàng ứng chiến trong trường hợp Quân đội Việt Nam Cộng hòa quay súng bắn vào những địa điểm di tản của người Mỹ. Sở dĩ có điều này vì Hoa Kỳ đã lên kế hoạch di tản người Mỹ khỏi Sài Gòn, trong đó có phòng trừ các trường hợp rủi ro.
Thời báo Time ngày 21/4/1975 có bài viết Kế hoạch cho việc di tản cuối cùng (Planning for the Last Exodus) viết rằng: “Có một khả năng ác liệt khác là quân đội miền Nam Việt Nam sẽ quay súng bắn vào phi trường Tân Sơn Nhất, vào phía Tân Cảng (Newport) hay bắn vào chính cả bãi đáp trực thăng trên nóc Tòa đại sứ Mỹ nữa nếu những người Mỹ rục rịch di tản... Một đơn vị 2.200 lính thủy quân lục chiến đã được huy động tới bốn mẫu hạm này và những tàu hộ tống khác. Nếu cần, quân đội Mỹ có thể được không vận vào Sài Gòn, bắn pháo mở đường đến một địa điểm an toàn, rồi chở đoàn người di tản bằng trực thăng tới các chiến hạm ngoài khơi”.
Như vậy là trong hai tuần cuối cùng của tháng 04 năm 1975 Hoa Kỳ đã tính đến việc chạm súng với quân đội Việt Nam Cộng hòa khi triển khai kế hoạch di tản người Mỹ một cách ồ ạt và quá lộ liễu.
Ngày 17/4/1975, Ngoại trưởng Henry Kissinger đã ra lệnh cho Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn là Graham Martin ngay lập tức tổ chức di tản người Mỹ khỏi Sài Gòn. Tuy nhiên, là một người hiểu rõ hơn ai hết tình hình Sài Gòn vào lúc đó, Đại sứ Graham Martin đã không thi hành lệnh này.
Trong mật điện trả lời Kissinger đêm 17/4/1975, ông Martin đã cố gắng thuyết phục Nhà Trắng rằng: “Lệnh di tản người Mỹ đột ngột có thể gây ra bạo động ở Sài Gòn. Nếu không giữ bình tĩnh mà lại đưa thủy quân lục chiến vào đây thì có thể gây ra sự nổi giận không thể lường được. Sẽ có náo động lớn nếu điều quân đội Mỹ vào Sài Gòn, ngoại trừ một số ít và không quá lộ liễu”.
Năm 1985, Đại sứ Graham Martin kể lại: “Lúc đó đã có biết bao nhiêu kế hoạch điên rồ được mang ra. Tôi phải cố gắng ngăn chặn lại. Suýt nữa thì hoàn toàn đổ vỡ, chẳng ai đi được mà còn có thể gây ra thảm họa lớn”.
Kế hoạch di tản có mật hiệu là Talon Vise được Tạp chí Time và Newseewk tiết lộ. Theo đó Hoa Kỳ sẽ di tản khoảng 6.000 người Mỹ và một số nhỏ người Việt Nam được cho là “có rủi ro cao” khi Sài Gòn thất thủ, bằng máy bay lớn cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhất, cuộc di tản được yểm trợ bằng quân đội Mỹ.
Quân đội Việt Nam Cộng hòa được cho là sẽ nổ súng nếu Hoa Kỳ di tản sớm và ồ ạt khỏi miền Nam (Ảnh tư liệu)
Kế hoạch di tản gồm nhiều bước:
-Tập hợp một số chiến hạm trong đó có 4 hàng không mẫu hạm cỡ lớn và một mẫu hạm chở trực thăng ở sát hải phận Việt Nam.
- Huy động từ 3 đến 6 sư đoàn thủy quân lục chiến Mỹ để thiết lập một hành lang an toàn di tản.
- Trực thăng chở 6.000 người Mỹ và một số người Việt làm việc cho Mỹ từ trung tâm Sài Gòn ra sân bay Tân Sơn Nhất.
- Thủy quân lục chiến bay vào bao vây phi trường Tân Sơn Nhất để bảo đảm an toàn cho cuộc di tản.
- Máy bay phản lực của Mỹ thiết lập một vùng bảo vệ bao phủ vùng trời từ Sài Gòn ra Vũng Tàu.
- Thủy quân lục chiến Mỹ bảo vệ Vũng Tàu.
- Từ Vũng Tàu, máy bay chở người di tản tới căn cứ không quân Clark ở Philippines.
Lý do Hoa Kỳ cần tới 6 sư đoàn thủy quân lục chiến Mỹ cho việc di tản bởi vì phải chiếm giữ phi trường Tân Sơn Nhất để máy bay và trực thăng đáp xuống, việc này phải cần đến 3 sư đoàn. Ngoài ra, việc giữ gìn an ninh ngoài cảng cho tàu cập bến đưa người di tản ra khơi cần thêm 3 sư đoàn nữa.
Nỗi lo lắng chạm súng với quân lực Việt Cam Cộng hòa
Trong lịch sử, quân đội Mỹ đã từng chạm súng vài lần với quân lực Việt Nam Cộng hòa. Các vụ việc cuối cùng được kết luận là sự phối hợp không tốt giữa Quân đội Sài Gòn và đồng minh.
Hiệp định Paris được ký kết với việc Hoa Kỳ rút khỏi miền Nam Việt Nam, chính quyền Sài Gòn cũng đã cho rằng Hoa Kỳ đã “bỏ rơi”, thậm chí là “phản bội” đồng minh.
Nỗi lo lắng này càng có sơ sở khi trong quá trình rút chạy khỏi Huế, Đà Nẵng, các sắc lính quân lực Việt Nam Cộng hòa đã bắn giết lẫn nhau để chen chân lên các con tàu di tản về phía Nam.
Ngày 27/01/1976, trong một cuộc điều trần tại Hạ viện Mỹ về cuộc di tản, Đại sứ Graham Martin đã nói tới nỗi lo lắng của ông về “sự phản bội trắng trợn của Mỹ” và hậu quả của nó là số người Mỹ còn lại và một số nhỏ người Việt Nam được chọn không thể di sản khỏi Sài Gòn. Trong trường hợp đó, quân đội Mỹ sẽ phải bay vào can thiệp và sẽ dẫn tới khả năng đụng độ giữa quân đội Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Đại sứ Martin cho rằng: đưa quân đội Mỹ vào là một sai lầm lớn, nhất là đưa quân đội Mỹ vào chỉ để di tản người Mỹ, chính quyền Sài Gòn sẽ thấy rằng họ bị phản bội, bị bỏ rơi một cách trắng trợn và sợ rằng họ sẽ phản ứng gay gắt, dẫn đến đụng độ quân sự.
Khi bị chất vấn là tại sao không thực hiện kế hoạch di tản sớm hơn, ông Martin cho rằng nếu Hoa Kỳ thực hiện cuộc di tản ồ ạt sớm hơn sẽ có nguy cơ xảy ra một tình trạng hỗn loạn với kết quả là một số rất đông người Mỹ sẽ chết. Nó sẽ đưa tới hậu quả là phải đưa quá nhiều quân lực Mỹ vào, và quân đội Mỹ sẽ phải chiến đấu với quân đội Sài Gòn để mở đường tháo chạy.
Ở thời điểm đó, ít người thông cảm với Đại sứ Martin, tuy nhiên sau này nghĩ lại, người ta lại thấy ông Martin có vẻ đúng. Nếu Mỹ đưa từ 3 đến 6 sư đoàn vào Sài Gòn chỉ để di tản người Mỹ, điều này có thể tạo ra những phản ứng rất xấu của quân đội Việt Nam Cộng hòa và có thể dẫn đến những cuộc chạm súng khốc liệt.
Ông Martin cho rằng, lệnh di tản người Mỹ đột ngột có thể gây ra bạo động ở Sài Gòn. Nếu không giữ bình tĩnh mà lại đưa thủy quân lục chiến vào thì có thể gây ra sự nổi giận không thể lường được. Những tin tức tòa đại sứ Hoa Kỳ thu thập được về phản ứng của Việt Nam Cộng hòa đều xác nhận việc đưa lính Mỹ vào Sài Gòn để di tản người Mỹ là điều không nên làm.
Trong một bức điện gửi tới giới chức Mỹ, ông Martin cho rằng người Việt Nam sẽ cho rằng Hoa Kỳ mang thủy quân lục chiến vào chỉ để di tản người Mỹ và mặc kệ số phận người Việt ở đây. Đó là một “hành động phản bội trắng trợn” của Hoa Kỳ. Họ sẽ tin rằng Mỹ chẳng còn cần để ý tới những điều gì sẽ xảy ra cho họ nữa. Và từ cái cảm nhận sâu đậm đó, nếu chỉ có một việc gì bất ngờ xảy ra, dù là nhỏ nhoi tới đâu, cũng có thể gây ra tình trạng vô cùng hỗn loạn. Cứ để như tình tình hiện tại, Hoa Kỳ sẽ gây được cảm tình với người Việt Nam vì họ cho rằng người Mỹ còn ở lại đây để cùng chịu chung số phận với họ. Ông Martin khẳng định: nếu Hoa Kỳ đưa các sư đoàn thủy quân lục chiến Mỹ để bảo đảm cho việc di tản thì họ sẽ phải chiến đấu với chính quân đội miền Nam chứ không phải với quân đội miền Bắc để tìm đường tháo chạy.
Martin cho rằng nếu hành động một cách bình tĩnh, thì Hoa Kỳ có thể rút khỏi miền Nam một cách êm đẹp, tránh mắc phải những sai lầm không đáng có trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến.
Cảnh hỗn loạn ngoài Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn ngày 29/4/1975 (Ảnh tư liệu)
Đại sứ Martin đã nhận cảnh báo gì từ phía quân đội Việt Nam Cộng hòa
Những lời cảnh báo về việc người Mỹ không nên rút chạy một cách ồ ạt quá sớm được gửi đến đại sứ Martin từ phía Việt Nam Cộng hòa gồm Trung tướng Đặng Văn Quang, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan, Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ.
Trong số này, viên tướng cảnh sát Nguyễn Ngọc Loan hẳn vẫn nhớ như in vụ ông ta và thuộc hạ bị trực thăng Mỹ “bắn nhầm” đến thương tật trong năm Mậu Thân 1968 và vụ “bắn nhầm” đó vẫn để lại “ấn tượng không thể quên” đối với viên tướng này.
Ngày 16/4/1975, Martin đã báo cáo về Tòa Bạch Ốc rằng Nguyễn Cao Kỳ e ngại cho mạng sống của những người Mỹ. Nguyễn Cao Kỳ nói rằng việc Tổng thống Ford tuyên bố là sẽ chỉ cho những gia đình người Việt làm việc cho Mỹ được di tản đã làm cho những sĩ quan tác chiến của Quân lực Việt Nam cộng hòa phẫn nộ. Những người này là những người đã trung thành phục vụ và đặc biệt là do họ mà ông Kỳ lo lắng cho sự an toàn của người Mỹ.
Cảnh báo này của Nguyễn Cao Kỳ còn được thực tế chứng minh. Tờ báo Newsweek ngày 28/4/1975 đăng lại một câu chuyện, một cảnh sát Sài Gòn, khi thấy một nhóm người Mỹ và thân nhân Việt của họ kéo đến trước Tòa đại sứ Mỹ, đã quát lên: “Các anh không thể bỏ nơi đây để ra đi, tôi sẽ nhốt hết các anh lại”. Thủy quân lục chiến canh gác Tòa đại sứ Mỹ phải vội vàng can thiệp và đưa những người Mỹ này vào Tòa đại sứ.
Cuối cùng, để việc di tản được tiến hành êm đẹp mà không gây ra những sự phẫn nộ của người Nam Việt Nam cho rằng họ bị bỏ rơi, Đại sứ Graham Martin phải hứa với giới chức quân sự Sài Gòn rằng, ông sẽ cố gắng tranh đấu hết sức để di tản số người Việt đông nhất có thể khỏi miền Nam Việt Nam.
Trước những tin tức rằng có thể có những vụ bắt cóc người Mỹ làm con tin, Đại sứ Martin đe dọa giới cảnh sát Sài Gòn rằng dù chỉ xảy ra một vụ bắt cóc hay lộn xộn, Hoa Kỳ sẽ không đưa một người Việt Nam nào bước lên máy bay hay tàu Mỹ để di tản. Đại sứ Martin cũng phải hứa rằng, ông sẽ là người Mỹ cuối cùng bước lên máy bay để rời khỏi Nam Việt Nam.
Có thể nói, trong cuộc di tản khỏi miền Nam Việt Nam cuối tháng 4/1975, Đại sứ Martin đã cố gắng thực hiện một số hành động để cuộc di tản được tiến hành êm đẹp. Thứ nhất là bảo đảm mọi sinh hoạt hết sức bình thường để không gây xáo trộn, không làm xôn xao thêm dư luận là Mỹ đang bỏ mặc người Việt Nam để bỏ chạy; Thứ hai là cố kéo dài cuộc di tản người Mỹ để giúp một số người Việt có thể ra đi trước; Thứ ba là cho di sản sớm một số phi công Việt Nam Cộng hòa để tránh trường hợp những người này nổi giận bắn rơi máy bay Mỹ trong quá trình di tản. Có một sự thật là Đại sứ Martin sợ rằng sự hoảng hốt, hỗn loạn diễn ra sớm tại Sài Gòn còn đáng lo ngại hơn những cuộc tấn công vào thành phố của quân giải phóng.
Đại sứ Martin đã sắp xếp đưa một số khá nhiều phi công Việt Nam Cộng hòa và gia đình được ưu tiên ra đi trước, tất cả khoảng 2.000 người tới sân bay Utapao ở Thái Lan. Ông cho rằng mục đích của việc này là để giảm thiểu khả năng trả thù và đụng độ với lực lượng Mỹ. Những phi công là những người có thể gây ảnh hưởng lớn đến việc di tản của người Mỹ. Ông Martin cho rằng, nếu cảm thấy bị bỏ rơi một cách tàn nhẫn quân đội Nam Việt Nam sẽ trút sự giận dữ lên đầu những người Mỹ còn lại.
Ông nói: “Tình báo của chúng tôi đã có rất nhiều báo cáo chính xác là nếu chúng ta mang số đông thủy quân lục chiến vào để di tản người Mỹ, chúng ta sẽ phải chiến đấu để mở đường tháo chạy. Trong trường hợp như vậy, không quân Nam Việt Nam sẽ bắn rơi các máy bay vận tải của Mỹ, khi chúng ta bỏ rơi chiến hữu, phó mặc họ cho quân giải phóng”.
Ông Martin cho rằng, chỉ cần phi công Việt Nam Cộng hòa bắn rơi ba, bốn chiếc máy bay vận tải Mỹ, thì chắc chắn sẽ có hàng trăm người Mỹ phải chết và nếu xung đột xảy ra thì thương vong của hai bên không thể kiểm soát được. Khi lực lượng Mỹ từ các hàng không mẫu hạm vào can thiệp thì tình hình sẽ càng trở nên hỗn loạn.
Trước sự phản đối liên tục và mạnh mẽ của Đại sứ Martin, cuối cùng, Tổng thống Ford đã được thuyết phục và hủy bỏ kế hoạch di tản Talon Wise. Mỹ đã cố gắng không di tản sớm người Mỹ để tránh xảy ra một sự hỗn loạn tại Sài Gòn trong chừng nào có thể.
Vào sáng ngày thứ Ba, ngày 29/4/1975, khi những quả đạn pháo đầu tiên của Quân giải phóng bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất, Tổng thống Ford ra lệnh khởi động kế hoạch di tản bằng trực thăng mang tên Hành Quân Gió Lốc (Frequent Wind). Ông Martin miễn cưỡng đồng ý nhưng vẫn vẫn tiếp tục gửi điện văn từng giờ xin thêm trực thăng để di tản người Việt cho đến 4 giờ 45 mờ sáng ngày 30/4/1975, khi có lệnh của Tổng thống là phải bước lên chiếc trực thăng cuối cùng mang bảng số Lady Ace 09 để di tản.
Cuối cùng, cuộc di tản của Hoa Kỳ khỏi miền Nam Việt Nam được thực hiện cấp tốc trong vòng hơn 24 giờ đã diễn khá suôn sẻ. Đến tận bây giờ, không ai biết điều gì có thể xảy ra nếu Hoa Kỳ đổ quân vào để đưa người Mỹ di tản sớm hơn. Đồng minh có lẽ đã choảng nhau "sứt đầu mẻ trán" nếu Kế hoạch Talon Wise được thực hiện.
Bình Nguyễn
_________________________
Tài liệu Tham khảo: