Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được khắc ghi vào lịch sử dân tộc như một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người Việt Nam. Góp công vào thắng lợi vĩ đại ấy của dân tộc là tuyến đường chi viện Trường Sơn huyền thoại gắn với tên tuổi của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, một vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo đức độ và tài năng của cách mạng Việt Nam
Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên tên khai sinh là Nguyễn Hữu Vũ, bí danh Nguyễn Văn Đồng, sinh ngày 01/3/1923 tại xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn), tỉnh Quảng Bình.
Toàn bộ cuộc đời của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên gắn liền với sự nghiệp cách mạng của dân tộc và có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đặc biệt, đồng chí đã có công lớn đối với tuyến chi viện chiến lược mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh xuyên dãy Trường Sơn.
Năm 1959, thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị về mở con đường bí mật xuyên Trường Sơn để chi viện cách mạng miền Nam, Quân ủy và Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn công tác quân sự đặc biệt (mang mật danh Đoàn 559), làm nhiệm vụ mở đường vào miền Nam dọc theo dãy Trường Sơn, vận chuyển hàng quân sự, đưa đón cán bộ, chiến sĩ vào chiến trường miền Nam. Từ đây, tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn hình thành, mang tên gọi Đường Hồ Chí Minh và không ngừng phát triển, cùng sự phát triển của công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Đầu năm 1967, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được bổ nhiệm Tư lệnh Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn. Khi được bổ nhiệm Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, tình hình cách mạng miền Nam có những chuyển biến quan trọng, đòi hỏi sự chi viện ngày càng lớn và cấp bách.
Bằng kinh nghiệm và quan sát thực tiễn, Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên nhận thấy, muốn làm tốt nhiệm vụ chi viện thì trước hết, Đoàn 559 phải có đủ sức chống lại cuộc chiến tranh ngăn chặn do không quân và bộ binh Mỹ thực hiện. Theo đó, phải hiệp đồng binh chủng, bảo vệ tuyến vận tải cơ giới để vừa chi viện, vừa đẩy lui địch trên chiến trường.
Từ năm 1967, Đoàn 559 được bố trí trận địa pháo phòng không, tên lửa để đối phó với việc ném bom của địch, tạo thành lưới lửa bảo vệ trên đầu đội hình vận tải. Trên mặt đất, lực lượng công binh túc trực bên đường, khi địch đánh thì vào hầm trú ẩn, địch ngưng đánh ra sửa đường; còn bộ binh liên tục mở các chiến dịch đẩy địch ra xa.
Đường Trường Sơn- con đường lửa (Ảnh tư liệu)
Điều này đã tạo bước ngoặt trong việc đưa sức mạnh của hậu phương ra tiền tuyến. Nếu như trong 05 năm đầu (1959 - 1964), ta mới chỉ chuyển hàng vào tới Khu V được hơn 2.500 tấn, thì từ năm 1966 đã bắt đầu chuyển tới Tây Nguyên và Nam Bộ. “Để đáp ứng yêu cầu Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, trong 07 tháng mùa khô 1967 - 1968, toàn tuyến đã vận chuyển được 63.024 tấn hàng cho các chiến trường, bảo đảm vật chất cho bộ đội hành quân 31.054 tấn”[i]. Chuẩn bị cho cuộc Tiến công chiến lược 1972, mùa khô 1971 - 1972, quân và dân ta trên tuyến đường đã vận chuyển tổng cộng 64.785 tấn, đạt 145% kế hoạch. “Trong hơn 2 năm chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đã chuyển cho các chiến trường 413.450 tấn vũ khí và hàng hóa các loại”[ii], góp phần to lớn vào thắng lợi quan trọng trên chiến trường miền Nam giai đoạn này.
Một trong những cống hiến quan trọng của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên là đã phát triển tuyến giao thông chiến lược Trường Sơn từ những con đường đơn lẻ thành một mạng lưới giao thông vận tải lớn mà các chuyên gia quân sự và báo chí nước ngoiaf mệnh danh là “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”. Ông đã cùng Bộ Tư lệnh chỉ đạo tạo mạng lưới đường – cầu nhiều trục dọc Bắc – Nam; Đông – Tây Trường Sơn xuyên cả ba nước Đông Dương; nhiều trục ngang nối hai sườn Đông – Tây, nối tất cả các chiến trường. Đây là một hệ thống giao thông vận tải quân sự lớn nhất với nhiều trục dọc, trục ngang có độ dài 17.000 km, hệ thống đường ống dẫn xăng dầu dài 1.400 km, đường sông dài 600 km; có đường giao liên hành quân bộ và tải thương dài 1.200 km, mạng thông tin đường dây tải ba dài 1.350 km, bảo đảm tốt việc chi viện chiến trường miền Nam. Lúc cao điểm, trên toàn tuyến có tới 9 sư đoàn, trong đó 8 sư đoàn trực thuộc Bộ Tư lệnh quân khu Trường Sơn với 12 vạn binh sĩ, trong đó có hơn một vạn là thanh niên xung phong. Đội quân hùng hậu này không chỉ bảo đảm chi viện thông suốt mà còn là lực lượng dự bị chiến lược để tăng cường cho các chiến dịch.
“Sự chuyển mình của Binh đoàn Trường Sơn khiến Mỹ điên cuồng ném bom chặn phá. Chúng đã ném hơn 8 triệu tấn bom trên toàn lãnh thổ Việt Nam nhưng riêng Trường Sơn đã hứng chịu hơn 4 triệu tấn. Thế nhưng, bộ đội Trường Sơn cũng bắn rơi hơn 2.400 máy bay, bằng một nửa số máy bay Mỹ bị Việt Nam bắn rơi. Trường Sơn lúc này không chỉ đơn vị vận tải đơn thuần mà còn là chiến trường đánh địch trên cả 3 nước Đông Dương.
Trong 16 năm, toàn tuyến đường Trường Sơn đã vận chuyến hơn 1 triệu tấn vật chất, vũ khí vào chiến trường, vận chuyển cơ động 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn, 2 triệu lượt người vào chiến trường hoặc từ chiến trường ra Bắc, 90 đơn vị binh chủng kỹ thuật vào chiến trường”[iii].
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Đồng Sỹ Nguyên thăm bộ đội Trường Sơn (Ảnh tư liệu)
16 năm tuyến đường hoạt động, có 22.000 bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong đã ngã xuống, trên 30.000 người khác nhiễm chất độc da cam, hàng chục nghìn người khác bị thương. Ước tính, cứ 1.000 tấn hàng đưa vào chiến trường trót lọt qua đường Trường Sơn thì có 57 người bị thương, 21 người hy sinh, 25 xe ôtô và 143 tấn hàng bị phá hủy.
Con đường Trường Sơn huyền thoại không chỉ là tuyến vận tải quân sự, tuyến hậu cần chiến lược mà còn là một chiến trường quyết liệt giữa ta và địch, trở thành một biểu tượng độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam, biểu tượng sáng ngời về ý chí “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta.
Chiến công của Bộ đội Trường Sơn với những dấu ấn của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần to lớn vào công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, xin tri ân những cống hiến to lớn của đồng chí gắn với con đường Trường Sơn huyền thoại như Tổng Bí thư Lê Duẩn đã dành cho tuyến đường mang tên Bác và những con người tạo dựng tuyến đường đó những câu sau: “Đường Trường Sơn là một chiến công chói lọi của dân tộc ta... Đường Trường Sơn là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng. Đó là con đường nối liền Nam, Bắc, thống nhất nước nhà, là con đường của tương lai giàu có của Tổ quốc ta. Đó là con đường của đoàn kết của dân tộc, của ba nước Đông Dương. Đường Trường Sơn sẽ nhất định kéo dài và mở rộng. Chúng ta nhất quyết đi tiếp con đường đó đến thắng lợi hoàn toàn. Quang vinh thay Bộ đội Trường Sơn anh hùng đã chiến đấu và chiến thắng trên con đường mang tên Bác Hồ vĩ đại…” (Trích bút tích của đồng chí Lê Duẩn ghi Sổ vàng truyền thống của Bộ đội Trường Sơn, Xuân 1973)[iv].
[i] Lịch sử Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1999, tr. 287.
[ii] Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước -Thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 318
[iii] Dẫn theo https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/dau-an-cua-tuong-dong-sy-nguyen-tren-tuyen-duong-truong-son-huyen-thoai-518676.html
[iv] Vũ Phúc Hậu: Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên – vị tướng của Trường Sơn huyền thoại, báo Quân đội Nhân dân, https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/trung-tuong-dong-sy-nguyen-vi-tuong-cua-truong-son-huyen-thoai-571299