Làng Phong Lệ, thành phố Đà Nẵng là nơi còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa của làng quê truyền thống, các cơ quan chức năng cùng nhân dân Thành phố đã có nhiều nỗ lực phát huy các nguồn lực văn hóa nơi đây. Đặc biệt, UBND Thành phố thi tuyển phương án quy hoạch, kiến trúc Bảo tàng điêu khắc Chăm cơ sở 2 để xây dựng tại Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ. Đây là dự án trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế xã - hội thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025.
Phong Lệ được ví như ngôi làng cổ trong lòng thành phố, lưu giữ nhiều di sản văn hóa độc đáo. Ảnh: Báo Đà Nẵng
Làng Phong Lệ thuộc xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Đây là một ngôi làng cổ xuất hiện từ thời Hồng Đức, cách nay hơn 500 năm. Ngày trước làng có tên Đà Ly, sau đổi tên thành Phong Lệ (tương truyền tên gọi mới đã được ghi là quê quán Ông Ích Khiêm khi ra làm quan, khoảng giữa thế kỷ XIX). Đây là ngôi làng còn lưu giữ nhiều giá trị của làng quê truyền thống nên nhiều người nhắc đến như một làng cổ trong lòng TP Đà Nẵng. Ngày nay, địa phận làng Phong Lệ không còn giữ nguyên phạm vi như xưa, mà đã có sự phân chia lại, ngoài khu vực thuộc xã Hòa Châu, còn có một phần thuộc phường Hòa Thọ Đông, Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ). Vì vậy, phạm vi các nguồn lực văn hóa được đề cập thuộc không gian làng Phong Lệ xưa, tức không chỉ là làng Phong Lệ thuộc xã Hòa Châu, mà còn bao gồm các địa phận thuộc phường Hòa Thọ Đông, Hòa Thọ Tây hiện nay.
Nói đến văn hóa Phong Lệ, đình Thần Nông là di tích hết sức tiêu biểu, tương truyền đình được xây dựng cách đây khoảng 4 thế kỷ (cũng có ý kiến rằng đình được xây dựng thời vua Minh Mạng). Năm 2001, đình Thần Nông được xếp hạng Công trình kiến trúc, nghệ thuật cấp thành phố; năm 2007, được công nhận là di tích lịch sử - văn hoá cấp thành phố. Đình Phong Lệ Bắc còn gọi là Dinh Ông vì đây vốn là ngôi miếu thờ Ông Hổ, được xây dựng từ thời Tự Đức, đã được công nhận di tích lịch sử cấp thành phố năm 2007. Nhà thờ Ông Ích Khiêm được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận là Di tích văn hoá lịch sử cấp quốc gia năm 2001. Ông Ích Khiêm xuất thân ở làng Phong Lệ, là một danh tướng giỏi giang, yêu nước dưới triều vua Tự Đức. Bên cạnh đó, còn có nhà thờ Ông Ích Đường, một danh nhân khác ở địa phương. Làng Phong Lệ còn có các nhà thờ tộc và các nhà cổ có niên đại trăm năm, nếu được xếp hạng, trùng tu, bảo tồn, đây cũng là những di sản văn hóa truyền thống đặc sắc, độc đáo.
Nơi đây còn có Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ (tại xóm Cấm, tổ 3, phường Hòa Thọ Đông) vừa được khai quật và quy hoạch bảo tồn. Di chỉ này có niên đại khoảng 1.000 năm nên có nhiều giá trị đặc biệt quan trọng. Qua các đợt khai quật từ năm 2011 đến năm 2018 cho thấy đây là di tích của 3 ngôi tháp Chăm xây dựng khoảng thế kỷ XI, trong đó có một ngôi tháp còn lại phần cấu trúc lòng tháp dưới mặt đất (gọi là hố thiêng), với hàng trăm hiện vật, lần đầu tiên được nghiên cứu. Hiện Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ được UBND thành phố Đà Nẵng công nhận là di tích cấp thành phố tháng 2/2021.
Trẻ em hào hứng tham gia Lễ rước mục đồng làng Phong Lệ. Ảnh: Báo Đà Nẵng
Làng Phong Lệ có Lễ hội rước Mục Đồng - một lễ hội nổi tiếng có một không hai ở Việt Nam. Những câu chuyện còn tồn tại trong dân gian kể về đám trẻ chăn trâu được thần linh thương mến, phù hộ, nên người dân nơi đây đã tổ chức lễ rước mục đồng nhằm đề cao các trẻ chăn trâu, lễ hội được tổ chức 3 năm một lần. Đây là lễ hội đặc sắc, riêng có bởi trong xã hội phong kiến, người chăn trâu thường là trẻ con, có vị trí “thấp cổ, bé họng”, nên không có những lễ hội tương tự ở các nơi khác. Ngoài ra, nơi đây còn nổi tiếng với nghề làm bánh khô mè thơm ngon, giòn xốp. Bánh khô mè đã trở thành đặc sản của cả vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng, năm 2012 đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận và lọt vào Top đặc sản bánh ngon, quà tặng nổi tiếng Việt Nam. Làng nghề truyền thống bánh khô Cẩm Lệ, nay vẫn được duy trì, phát triển. Ngoài ra, ở Phong Lệ còn có các phong tục, tập quán đặc sắc…
Thời gian qua, thành phố Đà Nẵng phát triển mạnh du lịch, song vẫn chưa phát huy được các nguồn lực văn hóa ở Phong Lệ. Vì vậy, lãnh đạo thành phố và các cơ quan chức năng đang có nhiều giải pháp để vừa bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa ở Phong Lệ. Đó là cơ sở để UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo triển khai thực hiện quy hoạch, đầu tư dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 tại Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ trong giai đoạn 2020-2025; HĐND thành phố phê duyệt danh mục dự án trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025.
Đầu năm 2024, Dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 tại Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ được UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức cuộc thi tuyển phương án quy hoạch, kiến trúc nhằm lựa chọn phương án quy hoạch, kiến trúc tối ưu, có tính khả thi cao, đáp ứng yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường, bảo tồn toàn bộ di tích Chăm được khảo cổ phát lộ có sự bền vững lâu dài và thẩm mỹ.
Khi hoàn thành, Dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 sẽ trở thành một sản phẩm quan trọng, tạo nên cú hích trong phát triển du lịch nơi đây. Nguồn lực văn hóa phong phú và đa dạng một mặt có thể góp phần bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa cho cộng đồng, mặt khác có thể khai thác, phát huy, tạo thành các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho thị trường. Bởi thực tế ngành du lịch Đà Nẵng chưa có nhiều sản phẩm văn hóa truyền thống giàu bản sắc.
Địa điểm làng Phong Lệ cách trung tâm thành phố chỉ chưa tới 10 km, hệ thống tài nguyên vô cùng đa dạng với các giá trị văn hóa vật thể cũng như phi vật thể độc đáo. Nếu phát huy tốt, nơi đây sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của ngành du lịch địa phương, sản phẩm mới về du lịch văn hóa. Các công ty du lịch lữ hành cũng khẳng định sẽ đồng hành cùng chính quyền và nhân dân để xây dựng các tour du lịch nhằm khai thác tốt các nguồn lực văn hóa ở làng Phong Lệ, đem lại những trải nghiệm mới cho du khách trong nước và quốc tế khi đến Đà Nẵng.
Anh Vũ