Các công nghệ được giới thiệu tại hội thảo kết nối cung-cầu công nghệ do Trung tâm Ứng dụng KHCN và Khởi nghiệp (Costas), Hội Nữ trí thức Việt Nam tổ chức sáng 13/7 tại Hà Nội. Đây là những sản phẩm công nghệ của các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển từ kết quả nghiên cứu khoa học đã sẵn sàng chuyển giao, đưa vào ứng dụng. Hoạt động nhằm triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc Đề án: "Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tới đến năm 2025".
Tại sự kiện, ThS Bá Thị Châm, Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, giới thiệu về công nghệ bào chế thảo dược tích hợp trong phát triển sản phẩm hỗ trợ điều trị Covid-19 và hậu Covid-19. Công nghệ này được chuyển giao cho doanh nghiệp để bào chế viên uống nano xuyên tâm liên hành đen.
Tiếp đến là sản phẩm đèn tảo Aloxy dùng để lọc không khí, hấp thu CO2, sinh oxy tươi, sử dụng IoT tích hợp cảm biến để tự động điều chỉnh tối ưu. Sản phẩm này sử dụng vi tảo - giống tảo lục có trong môi trường tự nhiên ở Việt Nam, được PGS. TS Đoàn Thái Yên, Viện Khoa Học và Công Nghệ Môi Trường, Đại học Bách khoa Hà Nội, thuần hóa từ tự nhiên. Bằng cơ chế sinh dược tự nhiên, đây là đèn tảo đầu tiên ở Việt Nam có khả năng hấp thụ CO2 và sinh oxy tươi.
Tại hội thảo, các doanh nghiệp, viện trường cũng giới thiệu nhiều công nghệ về chế biến nước trái cây công nghệ làm đẹp, chăm sóc sức khỏe... để tìm kiếm đối tác chuyển giao.
Theo bà Lê Thị Khánh Vân, Giám đốc Costas, các doanh nghiệp khởi nghiệp luôn cần được hỗ trợ để kết nối đưa sản phẩm ra thị trường. Thông qua các kết nối, doanh nghiệp và nhà khoa học hiểu được nhu cầu của nhau, cùng kết hợp để kết quả nghiên cứu được thương mại hóa nhanh hơn.
Bà Vân cho biết, việc đẩy các sản phẩm Việt Nam sang các thị trường nước ngoài cũng là một mục tiêu Trung tâm hướng tới. Thông qua việc kết nối cung cầu, doanh nghiệp khởi nghiệp có cơ hội tiếp cận các kênh tài chính, tìm công nghệ mới, xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm ra nước ngoài.
Đánh giá về mức độ quan tâm đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, ông Trần Thanh Quyết, Giám đốc điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Italy tại Việt Nam (ICHAM) cho biết, nhu cầu phát triển công nghệ, sản phẩm của các doanh nghiệp Italy về sản phẩm Việt là rất lớn. Dẫn minh chứng về con số kim ngạch trao đổi giữa hai nước đạt 5,6 tỷ USD (năm 2021), ông cho rằng đây là thị trường tiềm năng, trong đó có các công nghệ đồ may mặc, nông sản cafe, thủy hải sản... Ông cho biết việc kết nối cung-cầu thực tế là cơ hội hỗ trợ kết nối, đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại Italy.
Còn với thị trường Nga, bà Nguyễn Mai Hồng,Tổng giám đốc Công ty TNHH Giải pháp V-EXIM cho biết, các startup có thể tận dụng cơ hội đối với các sản phẩm hoa quả tươi, hoa quả sấy, thủy hải sản, cà phê... và các mặt hàng gia dụng.
Theo Khoa học và Đời sống