1. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta nhiều lần khẳng định mối quan hệ mật thiết, “máu thịt” giữa Đảng với Nhân dân. Theo Người, nếu không có Nhân dân thì Đảng không đủ lực lượng; nếu không có Đảng, thì Nhân dân không ai dẫn đường. Vì vậy Đảng và Dân phải đoàn kết với nhau thành một khối. Không chỉ nước lấy Dân làm gốc mà Đảng cũng lấy Dân làm gốc. Đảng phải luôn “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi. Vì vậy, cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”[1].
Quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo quan điểm của Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn chú trọng, đề cao và xây dựng mối quan hệ giữa Đảng và Dân. Cương lĩnh năm 1991 của Đảng đã khẳng định: “Toàn bộ tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị nước ta trong giai đoạn mới là nhằm xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân”[2].Văn kiện Đại hội XII tiếp tục nhấn mạnh: Củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân; tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo thành phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, phải tăng cường giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ có chức có quyền ở các cấp, các ngành sống gương mẫu, có trách nhiệm với chức trách, nhiệm vụ; có trách nhiệm với dân, nói đi đôi với làm để nhân dân tin tưởng noi theo.
Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp Nhân dân.
2. Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng có nhiều điểm mới về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng như: xây dựng Đảng và hệ hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh - bổ sung cả “Hệ thống chính trị”; xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với xây dựng Nhà nước; xây dựng Đảng trên cả 5 thành tố: chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, cán bộ;... Trong những điểm mới đó, xây dựng Đảng dựa vào Nhân dân là điểm mới nổi bật của dự thảo Văn kiện Đại hội XIII, thể hiện ở mấy khía cạnh sau:
Thứ nhất, trong quá trình xây dựng văn kiện, lần đầu tiên công bố toàn văn dự thảo để lấy ý kiến đóng góp từ các tầng lớp nhân dân. Theo Giáo sư Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương: “quá trình xây dựng nghị quyết của Đại hội, các văn kiện Đại hội XIII từ đầu đến cuối đều tôn trọng nguyên tắc lắng nghe, tiếp thu, xin ý kiến, sáng kiến, nguyện vọng của nhân dân. Suy cho cùng, đường lối của Đảng chỉ có ý nghĩa khi được quần chúng nhân dân ủng hộ, biến đường lối thành hiện thực”[3].
Thứ hai, trong phần tổng kết, đánh giá công tác xây dựng Đảng, Dự thảo văn kiện khẳng định “niềm tin của nhân dân đối với Đảng được củng cố, tăng cường hơn, tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong những năm tới”. Một trong năm nguyên nhân thành công của công tác xây dựng Đảng, là do “Phát huy có hiệu quả vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị".
Thứ ba, trong các bài học kinh nghiệm được đúc rút về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Dự thảo Văn kiện nêu lên bài học: “Thường xuyên tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân, phát huy vai trò của nhân dân và thật sự dựa vào dân để xây dựng Đảng”.
Thứ tư, trong định hướng, giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng của nhiệm kỳ mới phải “Tăng cường hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, củng cố và không ngừng nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng”. Trong tổ chức thực hiện mọi nhiệm vụ phải lấy dân làm gốc, nhân dân làm trung tâm; mọi việc dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng. Đây là sự kế thừa nhưng chứa đựng điểm mới “dân thụ hưởng” rất căn bản.
Thứ năm, xây dựng đội ngũ cán bộ được coi là “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”, có liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ, sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước[4]. Dự thảo văn kiện chỉ rõ: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ… trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, luôn đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết”. Trong đó, nhấn mạnh đến việc nhân dân tham gia giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị, phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên. Đây là một trong những điểm mới rõ nét trong dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Có thể thấy rằng, dự thảo Văn kiện Đại hội XIII có nhiều điểm mới về công tác xây dựng Đảng, trong đó dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng là một điểm mới nổi bật. Đó là thể hiện sự đoàn kết, thống nhất giữa ý Đảng với lòng Dân, yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới - thời kỳ đưa đất nước ta đến hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc!
[1]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc giá - Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 5, tr.326.
[2]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, HN, 2007, t.51, tr.145.
[3]https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/gop-y-du-thao-cac-van-kien-dai-hoi-xiii-cua-dang-y-dang-long-dan-la-mot-566335.html.
[4]https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/chuan-bi-va-tien-hanh-that-tot-dai-hoi-xiii-cua-dang-dua-dat-nuoc-buoc-vao-mot-giai-doan-phat-trien-moi-615015/.
Hoà Phạm