Trường Dục Thanh, tọa lạc tại làng Thành Đức, nay là số 39 đường Trưng Nhị, phường Đức Nghĩa, thành phố Phan Thiết, là nơi ghi dấu hình ảnh thầy giáo Nguyễn Tất Thành từng dạy học trước khi vào Sài Gòn và đi tìm đường cứu nước. Trường hiện là di tích cấp Quốc gia, nơi các thế hệ người Việt Nam luôn nhớ đến với lòng thành kính, yêu thương và biết ơn vô hạn đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Cổng vào ngôi trường Dục Thanh (Ảnh: Triều Nguyễn)
Lâu lắm rồi tôi mới có điều kiện trở lại địa chỉ đã từng làm xúc động bao trái tim Việt Nam: Trường Dục Thanh. Khu di tích Dục Thanh được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích cấp Quốc gia tại Quyết định số 235/QĐ/VH ngày 12 tháng 12 năm 1986. Trường Dục Thanh không chỉ là niềm tự hào của người dân Bình Thuận mà của cả người dân Việt Nam, bởi đây là nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy học năm 1910, trước khi ra nước ngoài tìm đường cứu nước.
Trường nằm cạnh dòng sông Cà Ty nổi tiếng ở thành phố Phan Thiết. Từ xa đã nhìn thấy chiếc cổng của ngôi trường, kiến trúc theo lối cổ, mái ngói thâm nâu. Qua bao thăng trầm lịch sử, kiến trúc cơ bản của ngôi trường vẫn còn gần như nguyên vẹn. Cánh cổng gỗ vẫn được gìn giữ, để khi bước chân vào, chúng ta như trở về quá khứ.
Trường Dục Thanh là Di sản Lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia từ năm 1986 (Ảnh: Triều Nguyễn)
Không rộng rãi, bề thế nhưng trường Dục Thanh có một bề dày lịch sử đầy tự hào. Tôi lần theo lối đi lát gạch xưa, lòng mường tượng ra khung cảnh dạy học của thầy giáo Nguyễn Tất Thành cùng học trò cách đây hơn một thế kỷ. Đúng là thời cuộc đã khiến những địa danh và con người lịch sử gặp nhau như một tất yếu. Trước khi thầy giáo Nguyễn Tất Thành ghé qua, với một khát khao tìm đường giải phóng dân tộc thì trường Dục Thanh đã là một địa chỉ của những sĩ phu yêu nước thời bấy giờ. Sách vở còn ghi lại rõ, trường Dục Thanh được thành lập từ năm 1907 và hoạt động cho đến năm 1912, trong phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh khởi xướng. Mục tiêu khai sinh ra ngôi trường là để mở mang dân trí, bước đầu tiên của con đường tiếp theo chấn dân khí, hậu dân sinh. Lớp thầy giáo đầu tiên ở trường Dục Thanh là ông Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn Quý Anh – hai người con của chí sĩ yêu nước, nhà văn, nhà thơ Nguyễn Thông (1827 -1884). Lịch sử trường Dục Thanh ghi nhận, lúc đông nhất có 4 lớp, sĩ số lên đến gần trăm học sinh, từ mạn phía nam ở Sài Gòn ra, từ Đà Nẵng, Hội An và các tỉnh lân cận ở miền Trung vào theo học.
Tháng 8 năm 1910, trường Dục Thanh đón một người thầy giáo đặc biệt, còn trẻ, chỉ mới 20 tuổi, là anh Nguyễn Tất Thành. Lúc nhập trường, thầy giáo Nguyễn Tất Thành được phân công dạy lớp Nhì, phụ trách môn Hán văn và chữ Quốc ngữ. Ngoài ra thầy Nguyễn Tất Thành còn kiêm thêm môn Thể dục. Sau này, nhiều học sinh được học giáo thầy Thành kể lại, trong giờ dạy trên lớp, thầy luôn lồng ghép, truyền bá, khơi gợi lòng yêu nước, thương dân. Những giờ ngoại khóa, thầy Nguyễn Tất Thành còn đưa học sinh đi thăm thú cảnh đẹp núi non, sông biển.
Nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành truyền dạy lòng yêu nước cho học trò (Ảnh: Triều Nguyễn)
Tôi chậm rãi một vòng quanh ngôi trường cổ. Tất cả như còn lưu dấu bóng thầy giáo Nguyễn Tất Thành cách đây hơn một thế kỷ. Phía sau của lớp học chính là ngôi nhà cổ nhỏ có tên Ngọa du sào. Ngọa du sào có nghĩa Ổ nằm chơi, trước là nơi nho sĩ, chí sĩ yêu nước Nguyễn Thông dùng làm chỗ trà đàm, bình thơ, ngâm thơ. Giai đoạn dạy học ở đây, thầy giáo Nguyễn Tất Thành cũng thường đến đây chấm bài, nghỉ trưa. Mảnh vườn phía sau lưng lớp học vẫn còn cây khế và giếng nước, cây khế do chính tay cụ Nguyễn Thông trồng, giờ vẫn xanh mát bóng cây. Lúc còn ở ngôi trường này, thầy giáo Nguyễn Tất Thành cũng thường xách nước ở giếng, tưới cho cây cỏ trong vườn… Di tích gắn bó với người thầy giáo trẻ mang khát vọng tìm đường cứu nước, ở ngôi trường cổ Dục Thanh không còn nhiều nhưng mỗi di vật đều gợi lại quá khứ đầy suy tưởng. Một bộ tràng kỷ, một chiếc án thư, một chiếc tủ nhỏ, một chiếc thang gỗ, tráp, nghiên mực…, tất cả đều là những vật phẩm mà thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã từng sử dụng. Đơn sơ và giản dị nhưng đó chính là những vật dụng nói lên phẩm chất, cốt cách của người thầy giáo trẻ. Về sau, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, giai đoạn dạy học ở trường Dục Thanh, thầy giáo trẻ Nguyễn Tất Thành đã nung nấu đến độ chín của tinh thần yêu nước, là bệ đỡ cho ý chí, quyết tâm tìm đường cứu nước. Điều này được khẳng định bởi chỉ 6 tháng sau đó, vào tháng 2 năm 1911, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã chia tay ngôi trường Dục Thanh, một mình đi về phương Nam, rời Tổ quốc, tìm cách vượt đại dương để thực hiện ước mơ giải phóng dân tộc.
Tượng đài Bác Hồ trong quần thể di tích gắn với trường Dục Thanh (Ảnh: Triều Nguyễn)
Bây giờ, khu di tích trường Dục Thanh đã được mở rộng diện tích nhiều lần. Phía bên kia đường, sát ven sông Cà Ty là Bảo tàng mang tên Người. Phía trước Bảo tàng là công viên với tượng đài Bác Hồ hướng mặt về phía đông. Buổi chiều tối, người dân Phan Thiết thường đến đây vui chơi, tản bộ theo con đường ven sông, dưới bóng cây xanh mát và mặn mòi gió biển.
Tạm biệt ngôi trường Dục Thanh, trong tôi vẫn vẹn nguyên những cảm xúc tưởng nhớ và kính trọng. Đầu mùa hạ nhưng vẫn còn hơi mát của mùa xuân gởi lại, gió từ biển thổi lên và sông Cà Ty vẫn lung linh bóng ngôi trường cổ Dục Thanh.
Triều Nguyễn