Những quan điểm sai trái phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đến từ nhiều nguồn khác nhau, tập trung chủ yếu ở các nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, nghi ngờ, phủ nhận sự tồn tại của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.
Sự nghi ngờ, phủ nhận này đã tồn tại ở nhiều nơi nhưng rộ lên khi một số cá nhân có ảnh hưởng phát biểu và được truyền thông trong và ngoài nước truyền tải, được nhiều cá nhân bất đồng chính kiến cổ vũ, tung hô như những tư tưởng “tiến bộ”, “cách tân”. Họ cho rằng chúng ta đang tìm kiếm mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng mãi không tìm ra được bởi vì "làm gì có cái thứ đó mà tìm". Một số cá nhân khác cho rằng chưa thể hình dung ra nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa như thế nào do đó chưa thể khẳng định nó là tích cực hay tiêu cực. Quan điểm này về bản chất là sự nghi ngờ và không thừa nhận chủ trương và sự lãnh đạo của Đảng đối với mô hình kinh tế này.
Trong lịch sử nhân loại, không có mô hình kinh tế nào là có sẵn và loài người cũng không thể nhìn trước được bất kỳ mô hình kinh tế nào. Một mô hình kinh tế dù có hoàn thiện đến mấy đều là kết quả của quá trình hoạt động của con người. Con người vừa tạo ra nó, vừa nhận thức về nó và điều chỉnh nó theo hướng hoàn thiện hơn. Thực tiễn đã chứng minh, một quốc gia với mô hình kinh tế được cho là hoàn thiện đều là kết quả của một quá trình xây dựng lâu dài, thường xuyên điều chỉnh, cập nhật và bổ sung. Trong giai đoạn đầu của quá trình xây dựng thì một nhà kinh tế dù có tài giỏi nhất cũng khó có thể hình dung đầy đủ hình hài của nó khi hoàn thiện.
Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam cũng vậy. Chúng ta đang trong giai đoạn đầu xây dựng nên hình hài của nó chưa đầy đủ cũng là điều dễ hiểu. Trách nhiệm của mỗi người dân là dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng chung sức xây dựng để hoàn thiện nó, tạo cho nó có một hình hài đầy đủ hơn, hoàn thiện hơn trong tương lai.
Thứ hai, phủ nhận vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và sự quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế thị trường.
Những quan điểm này viện lý do về sự yếu kém của một số đơn vị kinh tế nhà nước trong thời gian vừa qua nên muốn loại bỏ vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước. Họ cho rằng sự can thiệp của Đảng và Nhà nước đối với nền kinh tế thị trường là vô nghĩa, làm lệch lạc thị trường, là lực cản của nền kinh tế Việt nam. Một số quan điểm khác thì cho rằng nền kinh tế thị trường ở nước ta là duy nhất trên thế giới khi lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo, gia tăng vai trò can thiệp hành chính của Nhà nước, làm kinh tế thị trường bị biến dạng.
Những quan điểm trên đây chưa nhìn thấy hết bản chất sâu xa trong sự vận hành của một nền kinh tế; chưa hiểu hết mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế và chính trị, giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng. Xét đến cùng, vấn đề kinh tế quyết định tới vấn đề chính trị, nhưng chính trị cũng có tính độc lập tương đối và luôn tìm cách tác động tới kinh tế nhằm đạt được những lợi ích cho những lực lượng chính trị khác nhau. Đó là lợi ích của từng giai cấp, tầng lớp, lợi ích của mỗi quốc gia, dân tộc. Do vậy, khi xã hội xuất hiện giai cấp và nhà nước thì không có một mô hình kinh tế nào mà không có sự tác động của các lực lượng chính trị. Chính sự can thiệp này cũng đã dẫn đến các cuộc chiến tranh thương mại, chiến tranh tiền tệ, các cuộc bao vây cấm vận kinh tế và cả các cuộc chiến tranh xâm lược ở các quy mô khác nhau giữa các quốc gia nhằm giành giật lợi ích trên thị trường.
Đối với Việt Nam, là quốc gia đi sau nên trình độ phát triển và năng lực cạnh tranh của các đơn vị kinh tế còn nhiều hạn chế, nền kinh tế thị trường còn nhiều khiếm khuyết. Do vậy, vai trò quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế thị trường là đặc biệt quan trọng nhằm khắc phục các khuyết tật của thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh, sự phát triển của nền kinh tế, đảm bảo lợi ích của nhân dân và toàn dân tộc.
Trong quản lý nền kinh tế, những hạn chế là không thể tránh khỏi và nó không phải là mong muốn của Đảng và Nhà nước ta. Trái lại, Đảng và Nhà nước luôn biết nhìn thẳng vào sự thật, thừa nhận những hạn chế khi mắc phải đồng thời cầu thị học tập, tiếp thu những giá trị tiến bộ trong mô hình kinh tế thị trường mà nhân loại đã đạt được nhằm xây dựng mô hình kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa với những giá trị tiến bộ, phù hợp nhất với Việt Nam.
Thứ ba, coi kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là lực cản cho sự phát triển ở Việt Nam và cần phải “đổi mới lần thứ hai”.
Quan điểm này xuất phát từ sự mơ hồ về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Những người có quan điểm này chưa hiểu hết bản chất của mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Họ đổ lỗi cho những yếu kém, những tiêu cực nảy sinh trong nền kinh tế nước ta trong thời gian qua là do nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, coi đây là lực cản cho sự phát triển ở Việt Nam và hô hào cần phải có một cuộc “đổi mới lần thứ hai”, đưa nền kinh tế thị trường Việt Nam phát triển đầy đủ, hiện đại như kinh tế thị trường của các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Trước hết, cần phải khẳng định rằng những tiêu cực nảy sinh trong quá trình vận hành của nền kinh tế nước ta thời gian qua là có thực. Tuy nhiên, đây không phải là bản chất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực chất, nó là những khuyết tật mà Đảng và Nhà nước ta muốn loại bỏ nhằm "xây dựng thành công và vận hành đồng bộ, thông suốt nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa"[1].
Chính vì vậy, không thể đổ lỗi cho những yếu kém, hạn chế hiện nay là do mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trái lại, như Đảng ta đã nhìn nhận: "những hạn chế, yếu kém nêu trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan, đặc biệt là do: Nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa đủ rõ"[2]. Do vậy, thay vì đổ lỗi cho mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì cần phải khắc phục những sai lầm mang tính chủ quan trong quản lý nền kinh tế, loại bỏ những hạn chế còn tồn tại, tiếp thu những giá trị tích cực từ mô hình kinh tế thị trường của các nước tiên tiến trên thế giới, trong đó có các quốc gia trong OECD.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Việt Nam sẽ xây dựng mô hình kinh tế thị trường giống bất cứ quốc gia nào. Bởi lẽ đặc điểm của nước ta không hoàn toàn giống với họ. Hơn nữa, bản thân mô hình kinh tế ở các quốc gia trong Tổ chức này cũng không hoàn toàn giống nhau. Ngay cả với mô hình kinh tế thị trường tự do nhất như Mỹ thì vẫn luôn có sự thay đổi. Sự khác biệt đó đã chứng minh cho tính đặc thù của mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam không phải là ngoại lệ.
Mặc dù đang trong giai đoạn xây dựng và từng bước hoàn thiện, những hạn chế, yếu kém vẫn tồn tại, những giá trị tích cực chưa được thể hiện đầy đủ, nhưng với bản chất cách mạng và khoa học từ đường lối lãnh đạo của Đảng, với quyết tâm chính trị to lớn của toàn Đảng và toàn dân thì những hạn chế sẽ dần được loại bỏ, những giá trị tích cực sẽ được nhân lên, tạo dựng mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vừa có tính đặc thù của Việt Nam, vừa mang những giá trị tiến bộ của nhân loại, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng một nước Việt Nam phát triển thịnh vượng.
Nguyễn Kim