Đủ chiêu trò
Theo điều tra của Báo Người Lao Động, hoạt động kinh doanh bất động sản, đấu giá đất của Công ty Bất động sản Đường Dương do vợ chồng Đường "Nhuệ" làm chủ bắt đầu hoạt động từ năm 2015. Từ đó, đôi vợ chồng này "làm mưa, làm gió" trong lĩnh vực đấu giá đất ở Thái Bình.
Điển hình, trong 2 phiên đấu giá đất tại xã Lô Giang, huyện Đông Hưng, vào đầu năm 2019, có hơn 30 lô đất được bán ra thì vợ chồng Đường "Nhuệ" trúng tới 20 lô. Tiếp đó, tháng 9-2019, vợ chồng Đường "Nhuệ" đấu giá trúng 10 lô đất, trị giá mỗi lô đều 2 tỉ đồng tại khu tái định cư Đồng Lôi (TP Thái Bình). Trước đó, năm 2018, đôi vợ chồng này đấu giá trúng 24 lô đất khác tại xã Đông Phương, huyện Đông Hưng.
Một trong những khu đất trúng đấu giá của Đường “Nhuệ” ở Thái Bình
Theo nhiều nhà đầu tư, người dân, chính quyền địa phương, mỗi lần vợ chồng Đường "Nhuệ" góp mặt trong các cuộc đấu giá đất thường dẫn theo vài chục đàn em xăm trổ đến thị uy bằng nhiều cách thức như đe dọa người mua hồ sơ đấu giá, ngồi cùng người đấu giá ép họ bỏ giá thấp…
"Có lần, Nguyễn Thị Dương cùng đàn em mang theo băng-rôn, khẩu hiệu… tạo áp lực để hủy kết quả đấu giá. Lần khác, trúng 3 lô đất nhưng đến hơn nửa năm sau, bà Dương không đóng tiền lấy đất vì sau khi trúng thầu không bán được và xin hủy kết quả đấu giá " - lãnh đạo trung tâm phát triển quỹ đất của một huyện ở Thái Bình cho hay.
Cơ quan đấu giá ngán ngại
Ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đông Hưng, xác nhận việc vợ chồng Đường "Nhuệ" kéo theo đám đàn em xăm trổ đi đấu giá đất. "Việc chúng tác động với người mua ở ngoài phòng đấu giá chắc chắn là có nhưng tôi không nắm được cụ thể, chỉ thấy người dân và các đơn vị lo lắng trong khi bọn xăm trổ ra vào liên tục, cố va vào người. Dưới xã từng báo việc một người sau khi trúng đấu giá đất đã bị Đường đánh. Sau đó, huyện tăng cường thêm công an, máy quay phim để bảo vệ các cuộc đấu giá" - ông Tuấn thông tin.
Được biết, vợ chồng Đường "Nhuệ" không bỏ giá quá cao trong các cuộc đấu giá. Thậm chí, năm 2018, huyện Đông Hưng tổ chức đấu giá khu đất xã Đông Phương với giá khởi điểm 1,5 triệu đồng và Dương trúng 3 lô với giá bỏ thầu chỉ cao hơn giá khởi điểm 10.000 đồng… Thậm chí, nhiều lần Dương trúng đấu giá nhưng không nộp tiền mua đất, cơ quan tổ chức đấu giá phải năn nỉ để tránh trường hợp hủy kết quả đấu giá. "Từ hôm bắt vợ chồng Đường - Dương, anh em chúng tôi rất thoải mái, tổ chức đấu giá sẽ không phải lo nữa" - ông Tuấn bộc bạch.
Ông Nguyễn Văn T. cho hay năm 2018, ông tham gia đấu giá tại huyện Đông Hưng và mua được 1 lô đất nhưng khi vừa ra khỏi cửa thì bị Đường "Nhuệ" ép bán lại với giá cao hơn 20 triệu đồng. Khi ông không đồng ý thì bị đánh. Sau khi ông T. đồng ý bán, nhận tiền, ký giấy xong thì bị chính Đường "lấy lại" tiền.
Theo nhiều người dân, băng nhóm Đường "Nhuệ" thỏa thuận với người cùng đấu giá, thu tiền của họ, sau đó tìm mọi cách gây áp lực để những người tham gia khác phải dừng. "Ai đưa nhiều nó sẽ cầm, sau khi cầm nó sẽ bắt tất cả các bên khác dừng, cho mỗi người một ít tiền. Ai không nghe thì nó vào phòng đấu giá xốc bế ra ngoài, thậm chí đánh ngay tại chỗ" - một người dân kể.
"Nạn nhân" hay "đồng phạm"?
Lãnh đạo trung tâm phát triển quỹ đất một huyện ở tỉnh Thái Bình cho hay Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình đã làm việc với hàng loạt trung tâm phát triển quỹ đất các huyện; thu thập tài liệu, hồ sơ về hoạt động đấu giá đất trên địa bàn tỉnh từ năm 2017 đến nay để điều tra những vụ việc liên quan đến Đường "Nhuệ".
Liên quan đến việc khởi tố 4 cán bộ thuộc 2 sở Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, chiều 18-4, trao đổi với Báo Người Lao Động, một lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình cho biết theo điều tra ban đầu, các đối tượng có liên quan đến việc thay đổi biên bản nội dung đấu giá.
Một trong 4 người bị khởi tố có Phạm Văn Hiệp, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình. Theo tìm hiểu của phóng viên, trước khi bị khởi tố, ông Hiệp bị nhóm Đường "Nhuệ" lôi kéo, ép hợp tác trong việc đấu giá đất. Khi thấy hoạt động của băng nhóm này không ổn, ông Hiệp rút lui thì bị đe dọa.
"Thực ra tôi không quan tâm đến việc đấu giá. Tôi không phải người địa phương. Tôi dính vào là tôi chết. Phải cực kỳ sạch sẽ mới khống chế được chúng (vợ chồng Đường "Nhuệ" - PV). Chúng rất cay tôi. Chúng đe dọa, bắt cóc vợ con, gây sức ép" - ông Hiệp tâm sự.
Nhân viên bị bắt, lãnh đạo Sở Tư pháp bất ngờ Liên quan đến việc 2 cấp dưới bị khởi tố, ông Phạm Cao Quân, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình, cho biết "rất bất ngờ". Khi được hỏi về trách nhiệm của Sở Tư pháp trong việc này, ông Quân cho rằng: "Các mối quan hệ cá nhân hoặc quan hệ ngoài xã hội sở không nắm được, trừ khi pháp luật có yêu cầu cán bộ kê khai. Đối với 2 cán bộ nêu trên sở chỉ biết khi cơ quan công an có thông báo chính thức". |