Theo BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, với Molnupiravir một số nghiên cứu ban đầu cho thấy loại thuốc này giúp giảm 50% nguy cơ diễn biến nặng. Tức là với một người bình thường, nguy cơ diễn biến nặng sau khi đã tiêm đủ liều vaccine là khoảng 6 - 7% thì khi sử dụng Molnupiravir giảm xuống khoảng 3 - 4%. Tuy nhiên các nghiên cứu về sau cho thấy thực ra nó chỉ giảm khoảng 30% số ca diễn biến nặng.
Do đó, với người bệnh mà thầy thuốc cân nhắc rằng, họ có nguy cơ diễn biến nặng cao thì việc sử dụng thuốc Molnupiravir có lợi ích lớn. Nếu thầy thuốc tiên lượng nguy cơ diễn biến nặng thấp thì rõ ràng ích lợi rất thấp trong khi các tác dụng phụ của nó thì có thể có, vì đây là một loại thuốc rất mới cho nên không thể biết được các tác dụng phụ kéo dài của nó.
"Trong công tác điều trị, chúng tôi luôn luôn xuất phát từ tư duy đem lại ích lợi cao nhất cho bệnh nhân cho nên bất cứ một loại thuốc hay phương pháp điều trị nào cũng phải tính toán đem lại ích lợi gì cho bệnh nhân và tác hại gì cho bệnh nhân. Nếu ích lợi rất lớn và tác hại rất nhỏ thì chúng tôi sẽ chỉ định. Còn nếu ích lợi chưa rõ ràng hoặc rất nhỏ còn tác hại rất lớn hoặc chắc chắn thì chúng tôi sẽ không sử dụng", BS Cấp cho hay.
Nguồn VnExpress