FinTech là thuật ngữ đề cập đến sự kết hợp của các dịch vụ tài chính và lĩnh vực công nghệ nhằm mục đích giúp các doanh nghiệp, người dân tiết kiệm tiền bạc, tiếp cận nguồn vốn vay và đầu tư trực tuyến dễ dàng và hiệu quả hơn. Theo hãng nghiên cứu Business Research Group, giá trị thị trường của lĩnh vực FinTech đang được định giá khoảng 127,66 tỷ USD vào năm 2018 và dự kiến sẽ đạt 309,98 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 24,8% đến năm 2022.
Giống như hầu hết các lĩnh vực khác, FinTech đã chịu tác động tiêu cực của Covid-19. Tuy nhiên, các doanh nghiệp FinTech đều đã và đang chứng tỏ khả năng phục hồi cũng như kỹ năng xử lý các khó khăn tài chính, từ đó mang lại kỳ vọng về một “tương lai tươi sáng” sau khủng hoảng.
Một bài viết đăng tải trên trang The Conversation cho biết tại Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đang đóng góp vào khoảng 60% nền kinh tế quốc gia, song chỉ 12% trong tổng số 60 triệu SME của Indonesia có thể tiếp cận được với nguồn vốn vay ngân hàng hiện nay do kinh tế Indonesia đã chính thức bước vào giai đoạn suy thoái. Trong bối cảnh đó, các dịch vụ cho vay do các công ty FinTech như Investree và Tunaikita của Indonesia cung cấp có thể giúp các SME nhận được khoản vay với chi phí thấp hơn so với các dịch vụ truyền thống bằng các ứng dụng kỹ thuật thông minh, thuận tiện và nhanh chóng. Một dịch vụ cho vay do các công ty FinTech cung cấp được gọi là dịch vụ cho vay ngang hàng (P2P). Theo cơ chế cho vay này, một cá nhân hoặc một công ty có thể cho người khác vay tiền để đổi lại một khoản lãi suất. Trong đó, ít nhất 54% trong số 12,8 triệu đối tượng vay theo hình thức P2P là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khoản cho vay này chiếm 55% trong tổng số 54.710 tỷ rupiah cho vay mà lĩnh vực FinTech đã giải ngân vào năm 2020. Cho vay theo hình thức P2P giúp các SME mở rộng quy mô kinh doanh và từ đó giúp họ đủ điều kiện để tiếp cận với các nguồn vốn vay lớn hơn phục vụ cho mục đích không ngừng phát triển hoạt động kinh doanh, sản xuất, tạo việc làm cho người dân.
Hiện nay, Chính phủ Indonesia đang hướng tới việc hỗ trợ mở rộng lĩnh vực FinTech để giúp thêm nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận các khoản vay và mở rộng quy mô kinh doanh do đây là lực lượng chính đóng góp vào nền kinh tế của Indonesia. Với các sản phẩm cho vay đa dạng hơn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được hưởng lợi khi tìm ra sản phẩm phù hợp nhất với điều kiện doanh nghiệp của mình./.