Đạo Tin Lành xâm nhập vào tỉnh Gia Lai từ những năm 1930 - 1931[1] do giáo sĩ thuộc Hội truyền giáo Phúc âm Liên hiệp Mỹ (CMA), cho đến năm 1975 đạo Tin Lành có sự phát triển khá rộng và bám rễ khá sâu trong vùng dân tộc thiểu số. Sau năm 1975, do nhiều nguyên nhân, đạo Tin Lành ở Tây Nguyên nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng có sự suy giảm. Nhưng đến năm 1980, đạo Tin Lành ở đây bắt đầu phục hồi và phát triển cả bề rộng và bề sâu ở nhiều dân tộc và nhiều vùng khác nhau (tổng số có 1.732 tín đồ ở 8/9 huyện, thị). Toàn tỉnh có 226 cơ sở thờ tự của các tôn giáo. Đồng bào các tôn giáo có 367.363 người - chiếm khoảng 25% dân số trong tỉnh[2]. Đến năm 2000, Tin Lành đã phát triển 53.941 tín đồ ở 10/13 huyện, thị và trên 104/171 xã, phường và hiện nay ở tỉnh Gia Lai có 05 phái Tin Lành.
Trong những năm gần đây, các lực lượng đối lập trong và ngoài nước liên tục lợi dụng vấn đề dân tộc và tôn giáo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo Tin Lành ở tỉnh Gia Lai để phục vụ cho những mưu đồ của chúng. Lợi dụng vấn đề tôn giáo nói chung, đạo Tin Lành nói riêng để hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước về dân chủ, nhân quyền là âm mưu, phương thức hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và được chúng triển khai một cách ráo riết. Thời gian qua, các thế lực thù địch liên tục tố cáo chính quyền cấm đạo, đàn áp tôn giáo, vi phạm dân chủ, nhân quyền.
Thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác tôn giáo, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo... tỉnh Gia Lai, đặc biệt là lực lượng an ninh đã triển khai đồng bộ các biện pháp nắm, phân tích, dự báo tình hình về âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng đạo Tin Lành chống phá chính quyền, kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp về các chủ trương, giải pháp đảm bảo an ninh, trật tự trong các tôn giáo. Để phản bác lại luận điệu xuyên tạc, vu cáo của các thế lực thù địch, tỉnh Gia Lai đã mở cửa cho các đoàn, đối tượng nước ngoài vào tiếp xúc với hầu hết số mục sư, truyền đạo. Quá trình tiếp xúc, các mục sư, truyền đạo đã phản ánh đúng thực tế tình hình hoạt động của đạo Tin Lành ở địa phương theo chiều hướng tích cực, làm thay đổi nhận thức của những người được tiếp xúc về tình hình tôn giáo ở địa phương. Bên cạnh đó, thực hiện công tác ngoại giao nhân dân, Công an tỉnh Gia Lai đã đề xuất cho một số mục sư Tin Lành tại tỉnh Gia Lai được đi Hoa Kỳ và các nước. Trước đó, lực lượng Công an đã chủ động tiếp xúc giáo dục, hướng dẫn cho họ phản ánh đúng tình hình thực tế về việc thực hiện chính sách tôn giáo ở địa phương, bồi dưỡng tinh thần cảnh giác, phản bác đối với các luận điệu xuyên tạc sự thật của bọn phản động lưu vong, đối phó với các thủ đoạn lôi kéo, kích động, đe dọa của chúng, góp phần thành công trong công tác đấu tranh ngoại giao.
Từ năm 2018 đến nay, các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai, đặc biệt là lực lượng an ninh tôn giáo đã tiếp xúc cá biệt hàng nghìn mục sư, mục sư nhiệm chức và truyền đạo. Công tác giáo dục, thuyết phục thời gian qua cũng đã có những kết quả nhất định, phần lớn chức sắc các hệ phái đã nhận thức rõ được bản chất phản động của các gọi là “Nhà nước Đê Ga” và “Tin Lành Đê Ga”, các chức sắc đã vận động, giáo dục, tuyên truyền các tín đồ không tham gia biểu tình, bạo loạn; có chức sắc đã cung cấp cho lực lượng chức năng nhiều thông tin quan trọng. Nhiều chức sắc có vai trò trong công tác ngăn chặn, giải tán biểu tình, bạo loạn, xử lý các vụ gây rối, đấu tranh ngoại giao và trực tiếp giáo dục, quản lý đối tượng FULRO, “Tin Lành Đê Ga” tại cộng đồng đạt hiệu quả.
Hội nghị phổ biến pháp luật về tín ngưỡng-tôn giáo cho chức việc đạo Tin Lành được Ban Tôn giáo tỉnh Gia Lai tổ chức thường niên
(Nguồn: tinhuygialai.org.vn)
Để nâng cao hiệu quả trong đấu tranh chống hoạt động lợi dụng đạo Tin Lành ở tỉnh Gia Lai, cần chú trọng các nhiệm vụ sau:
Một là, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền góp phần đưa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy phạm của Chính phủ về tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo vào thực tiễn cuộc sống, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Hai là, nâng cao chất lượng công tác thực hiện chính sách, pháp luật về tôn giáo. Phát huy kết quả đạt được trong nhiều năm qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh vận động quần chúng nhân dân thực hiện tốt chính sách tôn giáo, tăng cường đầu tư phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, trong đó có các vùng đồng bào theo đạo; đẩy mạnh công tác xoá đói giảm nghèo, công tác kế hoạch hoá gia đình, giải quyết việc làm, chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông đi lại, điện nước, trường học, bệnh viện, trạm y tế và nhiều công trình phúc lợi xã hội khác đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào theo đạo.
Ba là, nâng cao trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức trong quản lý nhà nước về tôn giáo; tăng cường phối hợp trong công tác quản lý nhà nước, tránh chồng chéo trong triển khai nhiệm vụ.
Lãnh đạo tỉnh tặng quà các đại biểu chức sắc, chức việc đại diện các tôn giáo trên địa bàn tỉnh dự buổi gặp mặt thân mật nhân dịp Xuân Quý Mão năm 2023.
(Nguồn: baogialai.com.vn)
Bốn là, thực hiện tốt công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về tôn giáo; tập trung giải quyết, xử lý triệt để những khiếu kiện, khiếu nại, tố cáo về nhà đất, sai phạm trong chuyển nhượng, hiến tặng đất đai để mở rộng cơ sở thờ tự, xây dựng các công trình liên quan đến tôn giáo, vấn đề chia, tách, thành lập tổ chức tôn giáo...
[1] Đoàn Triệu Long (2015), Đạo Tin Lành ở Miền Trung Tây Nguyên, Nxb CTQG.
[2] Ban Tôn giáo tỉnh Gia Lai, Báo cáo tình hình công tác tôn giáo 6 tháng đầu năm 2019, trang 1.
Văn Nam Thắng