Sinh thời, Marx có nhiều công trình khoa học mang tính tổng kết sâu sắc toàn bộ lịch sử loài người, cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, đặc biệt là nghiên cứu về hình thái kinh tế-xã hội (KT-XH)-một học thuyết có giá trị làm nên sức sống trường tồn của Chủ nghĩa Marx.
Lý luận về hình thái KT-XH được Marx luận giải cả trong triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học. Xuất phát từ thực tiễn lịch sử, Marx đã chỉ ra biện chứng của sự phát triển xã hội loài người là lịch sử phát sinh, phát triển, thay thế lẫn nhau của các hình thái KT-XH từ thấp đến cao, đó là: Cộng sản nguyên thủy; chiếm hữu nô lệ; phong kiến; tư bản chủ nghĩa; cộng sản chủ nghĩa.
C. Mác. Ảnh tư liệu |
Quan điểm của Marx nêu rõ: “Tôi coi sự phát triển của các hình thái KT-XH là một quá trình lịch sử-tự nhiên”(1). Marx cũng chỉ ra rằng, một dân tộc hay quốc gia nào đó trong những điều kiện cụ thể cho phép, không nhất thiết phải phát triển tuần tự mà có thể bỏ qua một nấc thang nào đó của lịch sử để lên một hình thái KT-XH cao hơn. Đó chính là quá trình lịch sử-tự nhiên đặc thù.
Marx cho rằng, quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất là quy luật bao trùm, chi phối mọi hình thái KT-XH. Trong tác phẩm “Sự khốn cùng của triết học” (1847), Marx khẳng định: “Những quan hệ xã hội đều gắn liền mật thiết với những lực lượng sản xuất. Do có được những lực lượng sản xuất mới, loài người thay đổi phương thức sản xuất của mình, và do thay đổi phương thức sản xuất, cách kiếm sống của mình, loài người thay đổi tất cả quan hệ xã hội của mình. Cái cối xay quay bằng tay đưa lại xã hội có lãnh chúa, cái cối xay chạy bằng hơi nước đưa lại xã hội có nhà tư bản công nghiệp”(2).
Khi hình thái KT-XH mới ra đời sẽ tạo ra khả năng giải phóng và phát triển lực lượng sản xuất lên một nấc thang mới so với hình thái KT-XH cũ, đồng thời xây dựng và ngày càng hoàn thiện các quan hệ sản xuất mới phù hợp.
Học thuyết Marx về hình thái KT-XH còn vạch ra mối quan hệ hữu cơ của cơ sở hạ tầng với các yếu tố thuộc kiến trúc thượng tầng; phân tích và chỉ rõ trong thời đại tư bản chủ nghĩa, “giai cấp tư sản không những đã rèn những vũ khí sẽ giết mình; nó còn tạo ra những người sử dụng vũ khí ấy chống lại nó, đó là những công nhân hiện đại, những người vô sản”(3).
Đến nay, những nguyên lý lý luận được Marx trình bày trong học thuyết về hình thái KT-XH tuy chưa được chứng minh đầy đủ trong thực tế, song cũng chưa có một cách lý giải nào khác khoa học hơn học thuyết này của Marx.
Hiện nay, một số lý luận gia và chính khách tư sản chỉ chủ yếu dựa vào những sự kiện đã diễn ra vào cuối thế kỷ 20 ở Liên Xô và các nước Đông Âu để từ đó phủ nhận học thuyết Marx về hình thái KT-XH. Họ tung ra các quan điểm cho rằng: Học thuyết Marx là “phiến diện, áp đặt”; “chỉ xem xét sự vật, hiện tượng theo cách nhìn lưỡng phân”; lấy mâu thuẫn các mặt đối lập làm động lực cho sự phát triển xã hội. Họ còn đưa ra luận điệu hết sức phản khoa học và phản động, cho là “mô hình chủ nghĩa xã hội đổ thì học thuyết cũng đổ theo”.
Trong các nước tư bản chủ nghĩa có những người cổ xúy cho luận thuyết của Alvin Toffler (nhà tương lai học người Mỹ) về sự phát triển xã hội trên cơ sở 3 nền văn minh: Nông nghiệp, công nghiệp và hậu công nghiệp. Lợi dụng sự khủng hoảng nghiêm trọng của chủ nghĩa xã hội hiện thực, các thế lực thù địch và phần tử cơ hội tập trung công kích, bài bác những luận điểm riêng lẻ của học thuyết Marx về hình thái KT-XH...
Cần phải khẳng định, tất cả quan điểm, luận điệu phản bác Marx đều có dụng ý xấu, hòng phủ bác học thuyết hình thái KT-XH của Marx. Khi xây dựng học thuyết của mình, Marx đã có những nghiên cứu, tổng kết khoa học cả lý luận và thực tiễn hết sức công phu, nghiêm túc. Ông đã vận dụng phép biện chứng duy vật vào nghiên cứu lịch sử phát triển nhân loại và khẳng định đó là một quá trình lịch sử-tự nhiên; chỉ ra thế giới là sự thống nhất của các mặt đối lập, luôn vận động, phát triển trong không gian và thời gian. Học thuyết Marx về hình thái KT-XH mới đưa ra những tiên đoán và định hướng phát triển đầu tiên của xã hội cộng sản tương lai, bởi trong thời đại của Marx, những tiền đề vật chất-kỹ thuật cho chủ nghĩa cộng sản chưa xuất hiện.
Song, nhiều đảng cộng sản và công nhân quốc tế đã mắc phải bệnh giáo điều, chủ quan, cứng nhắc, duy ý chí khi vận dụng học thuyết Marx vào thực tiễn của nước mình. Vì vậy, sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu là điều hoàn toàn có thể giải thích được trên cơ sở khoa học và cách mạng, chứ không thể coi là khủng hoảng tư tưởng xã hội chủ nghĩa, càng không thể coi đây là minh chứng cho sự sai lầm của học thuyết Marx về hình thái KT-XH.
Hiện nay, nhân loại đang ở trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới. Với tinh thần khoa học và khách quan, chúng ta cần nghiên cứu, trao đổi để tiếp tục phát triển, vận dụng sáng tạo học thuyết Marx về hình thái KT-XH vào xây dựng khát vọng và tầm nhìn phát triển của chủ nghĩa xã hội hiện thực trên đất nước ta.
Đại tá, Thạc sĩ NGUYỄN ĐỨC THẮNG
--------
(1). K.Marx và F.Engels: Toàn tập; NXB Chính trị Quốc gia; Hà Nội, 2002; t.23, tr.21
(2). K.Marx và F.Engels; sđd; t.4, tr.187
(3). K.Marx và F.Engels; sđd; t.4, tr.605
Nguồn QĐND