Kiên định nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác xây dựng Đảng hiện nay
Vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập lý luận Mác – Lênin, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh về tư tưởng, tháng 12/1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng chỉ rõ: Công tác tư tưởng phải “hướng vào việc bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức mới, nâng cao tinh thần yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội, tinh thần quốc tế vô sản và tinh thần quốc tế xã hội chủ nghĩa”[1].
Ngày 29/3/1989, Nghị quyết sô 06- NQ/HNTW, được thông qua tại Hội nghị lần thứ VI Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI), đề ra những nguyên tắc chỉ đạo công cuộc đôi mới và khẳng định: “Chủ nghĩa Mác - Lênin luôn là nền tảng tư tưởng của Đảng ta, chỉ đạo toàn bộ sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Đổi mới tư duy là nhằm khắc phục những quan niệm không đúng, làm phong phú những quan niệm về thời đại, về chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển chứ không phải xa rời những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin”[2].
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (6/1991) của Đảng khẳng định: “Đảng phải nắm vững, vận dụng sáng tạo và góp phần phát triển chủ nghĩa Mác -Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng làm giàu trí tuệ, bản lĩnh chính trị và năng lực tổ chức của mình để đủ sức giải quyết các vấn đề do thực tiễn cách mạng đặt ra”[3]. Đại hội nêu rõ, Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản.
Tháng 6/1996, Đại hội VIII của Đảng “khẳng định chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Ở những bước ngoặt của cách mạng, trước những diễn biến phức tạp của tình hình, Đảng kịp thời có định hướng tư tưởng chính trị đúng đắn, uốn nắn những nhận thức lệch lạc, chống những luận điệu thù địch, tạo cơ sở cho sự thống nhất tư tưởng trong toàn Đảng và trong nhân dân”[4].
Đồng thời, Đại hội cũng nêu rõ nhiệm vụ của Đảng trong nhiệm kỳ tới phải “Kiên định và vận dụng sáng tạo, góp phần phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, xuất phát đầy đủ từ thực tiễn Việt Nam, trên cơ sở đó xây dựng đường lối, chủ trương và các chính sách đúng đắn ”[5].
Đại hội IX (2001) của Đảng tiếp tục xác định mục tiêu quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh[6].
Đồng chí Phạm Minh Chính tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2019
Tháng 4/2006, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng diễn ra trong bối cảnh sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc có nhiều thuận lợi, cơ hội lớn, song cũng đứng trước nhiều khó khăn và thách thức. Về công tác tư tưởng, Đại hội chủ trương: “Kiên định chủ nghĩa nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động của Đảng ”[7].
Trước yêu cầu tăng cường công tác tư tưởng trong tình hình mới, Hội nghị Trung ương 12 khoá IX đã quyết định triển khai chỉ đạo điểm cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đúc rút kinh nghiệm để tiến hành cuộc vận động lớn trong toàn Đảng sau Đại hội X của Đảng.
Tháng 01/2011, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng khẳng định: “Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ của toàn Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, không dao động trong bất cứ tình huống nào. Kiên định đường lối đổi mới, chống giáo điều, bảo thủ, trì trệ, hoặc chủ quan nóng vội, đổi mới vô nguyên tắc”[8].
Ngày 16/01/2012, Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ra Nghị quyết số 12-NQ/TW “ Về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, nêu rõ nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng là phải “kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng”[9].
Tháng 01/2016, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng trên cơ sở nhận định những khó khăn của công tác xây dựng Đảng, khẳng định chủ trương của Đảng là: “Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới. Nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ, tính chiến đấu của toàn Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp; không dao động trong bất cứ tình huống nào. Giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng, vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên”[10].
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (2021) kế thừa và phát triển quan điểm của các kỳ đại hội trước, nhất là từ nhiệm kỳ Đại hội XII về nguyên tắc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, khẳng định “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”[11].
70 năm kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm Thường thức chính trị đến nay, những chỉ dẫn của Người trong xây dựng Đảng về tư tưởng, lý luận vẫn vẹn nguyên giá trị. Chủ nghĩa Mác – Lênin, cùng với tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành vũ khí lý luận sắc bén, nền tảng tư tưởng vững chắc của Đảng, dẫn dắt Đảng, dân tộc làm nên những thắng lợi vẻ vang trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, cách mạng xã hội chủ nghĩa, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay.
Huệ Dương
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1987, tr 128.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 49, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.591.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 51, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nọi, 2007, tr 135.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, t.55, tr 413.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.55, tr 415.
[6]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.20.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.131.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2011, tr.255.
[9]https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-xi/nghi-quyet-so-12-nqtw-ngay-16012012-hoi-nghi-lan-thu-4-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xi-ve-mot-so-van-de-cap,truy cập ngày 12-10-2022.
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016.
[11] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr 33.