1. Có thể nói, vấn đề dân vận được Hồ Chí Minh rất quan tâm và thấu hiểu. Lôgic xuyên suốt, nhất quán trong tư duy và hành động của Người là: “Nước ta là nước dân chủ… Mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Để làm tròn trách nhiệm làm chủ, nhân dân phải được giác ngộ, tổ chức và lãnh đạo đúng đắn, mới phát huy được lực lượng, sức mạnh vô tận của mình. Vì vậy, công tác dân vận là một công việc trọng yếu của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân. Phải coi trọng và làm cho tốt, cho thiết thực, có hiệu quả công tác dân vận. Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”[1].
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và tham gia tát nước chống hạn cùng nông dân xã Đại Thanh, Hà Đông (nay là Hà Nội), ngày 12/1/1958. Ảnh: Tư liệu TTXVN.
Thực chất của công tác dân vận là xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và cán bộ, đảng viên với nhân dân. Trong mối quan hệ này, Hồ Chí Minh chỉ rõ: Đảng và cán bộ, đảng viên phải vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Cần nhận thức sâu sắc và thực hiện tốt mối quan hệ này thì Đảng và cán bộ, đảng viên của Đảng mới làm tròn vai trò, bổn phận của mình, nếu không thì sẽ tha hóa, trở nên quan liêu, xa dân.
Hồ Chí Minh cho rằng, cách lãnh đạo cực kỳ tốt đó là giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng. Phương pháp lãnh đạo bao trùm nhất là phải đi đúng đường lối quần chúng. Tức là, phải đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết, việc gì cũng vì lợi ích của dân mà làm; cán bộ, đảng viên trước hết phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, “sao cho được lòng dân”, “ý Đảng, lòng dân” hòa làm một.
Trên tinh thần vì dân, có trách nhiệm với dân để xây dựng phong cách làm việc, cách tổ chức, cách đặt kế hoạch phù hợp với nhân dân, Hồ Chí Minh yêu cầu phải xây dựng tác phong điều tra, nghiên cứu trong mọi công tác cũng như khi định ra mọi chính sách của Đảng và Nhà nước; thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc với dân để học, hỏi và hiểu dân; nói, viết và giải quyết những vấn đề thiết thực có liên quan trực tiếp tới đời sống của người dân.
Một cán bộ, đảng viên được đánh giá là tốt phải có phong cách “Dân vận khéo”, tức là phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm… phải thật thà nhúng tay vào việc”; đó là sự gần gũi, sâu sát, liên hệ mật thiết với nhân dân, có tinh thần trách nhiệm trước nhân dân; biết lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân; khéo tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Xây dựng và thực hiện phong cách quần chúng phải đi đôi với phòng, chống bệnh quan liêu. Hồ Chí Minh nêu rõ: Quan liêu là sự xa rời thực tế, xa rời quần chúng, không điều tra, nghiên cứu đến nơi đến chốn, việc gì cũng nắm không vững, chỉ đạo một cách chung chung, đại khái. Tác phong của những “ông quan liêu” là thiếu dân chủ, hống hách, cửa quyền, coi thường nhân dân; làm việc một cách chủ quan, tùy tiện, phô trương hình thức, hoặc theo kiểu bàn giấy, ra lệnh, “chỉ tay năm ngón”. Không giữ đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, phân công phụ trách”[2]. Để chống quan liêu thì “phải dùng cách “từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”[3].
2. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vị lãnh tụ luôn tin dân, trọng dân và vì dân. Điều này làm cho Người có một sức hút đặc biệt, tạo nên sự đồng tâm nhất trí, mối giao cảm vĩ đại, trở thành niềm tin, hy vọng của mọi người. Hình ảnh vị lãnh tụ giản dị hòa đồng với mọi tầng lớp nhân dân trong bộ quần áo nâu sồng, chân đi dép cao su thăm công xưởng, nhà máy, thăm ruộng vườn, đạp guồng nước, tát gầu dai chống hạn cùng nông dân ngoài đồng ruộng; sâu sát cùng chiến sĩ trên trận địa… còn mãi khắc ghi. Với phong cách gần dân, vì dân, Hồ Chí Minh đến với nhân dân và mọi người một cách rất tự nhiên, thiết thực và bình dị. Điều đó đã làm cho vị lãnh tụ và quần chúng dễ dàng hòa nhập với nhau trong sự đồng cảm sâu sắc, tạo nên sức mạnh vĩ đại để hoàn thành mọi nhiệm vụ của cách mạng.
Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội và đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Liên (phường Tân Hòa, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) - Ảnh: Internet.
Trong điều kiện Đảng cầm quyền, một nguy cơ mà Hồ Chí Minh đã cảnh báo là Đảng tự cắt đứt liên hệ với quần chúng. Đó chính là độ chênh giữa quyền lực và ý thức phục vụ nhân dân, nếu không tôn trọng, không quan tâm đáp ứng nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân sẽ làm cho khoảng cách giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân ngày một xa; làm cho người lãnh đạo và người dân cách biệt, xa rời nhau và nó sẽ gây nên những hệ lụy khôn lường. Đây chính là một điều đáng sợ, đáng quan tâm hàng đầu.
Học tập và làm theo tư tưởng, phong cách dân vận Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức sâu sắc mối liên hệ mật thiết, có ý nghĩa sống còn giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, từ đó không ngừng phấn đấu làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình, đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống và mong muốn của người dân; phải đi sâu đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, sống gần gũi với nhân dân, không xa lạ cách biệt; luôn tin ở dân và dựa vào dân; động viên, tổ chức, phát huy mọi tiềm lực và sức sáng tạo của nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nâng cao tinh thần, thái độ làm việc tôn trọng, tận tụy phục vụ nhân dân; có ý thức, thái độ đúng đắn khi tiếp xúc với nhân dân; không được gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh, kéo dài thời gian xử lý công việc đối với người dân và doanh nghiệp; không thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân. Trong giao tiếp, ứng xử với người dân, phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân.
Thuỳ Dung