Những ngày qua, trên thị trường chứng kiến sự tung hoành của một “ngôi sao” tăng giá. Đó là vàng.
Nhìn trên biểu đồ, giá vàng đã tăng dần từ giữa tháng 8/2023. Đến đầu tháng 11, vàng có một đợt giảm giá sau khi chinh phục mốc 70 triệu đồng/lượng vàng SJC. Rồi sau đó, thứ kim loại quý này trong xu hướng tăng liên tục trong hơn 50 ngày qua, liên tục phá các mức giá kỷ lục. Đến ngày 26/12, giá vàng đã vượt 80 triệu đồng/lượng.
Nguyên nhân giá vàng tăng được giới phân tích quốc tế đánh giá do lãi suất ngân hàng ngày càng giảm. Lợi suất trái phiếu chính phủ cũng giảm. Hiện nay và tương lai gần, kinh tế thế giới tiếp tục gặp khó khăn. Khi kinh tế khó khăn thì lợi nhuận cổ phiếu không cao hoặc không có, việc tìm kiếm mã hàng đầu tư trên thị trường chứng khoán cũng gặp khó khăn.
Vàng cuối cùng đóng vai trò như một hàng rào chống lại rủi ro kinh tế và nỗi sợ hãi ở các kênh đầu tư trên toàn cầu.
Một số nhà phân tích còn cho rằng năm tới diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11, khả năng xảy ra một chiến dịch tranh cử gay gắt giữa Tổng thống Joe Biden và đối thủ Đảng Cộng hòa Donald Trump, sự hiện diện của những bất ổn chính trị có thể tạo thêm lực đẩy cho giá vàng.
Còn tại Việt Nam cũng đang xảy ra nhiều vấn đề tương tự. Lãi suất ngân hàng giảm mạnh trong thời gian qua và hiện đang ở vùng đáy, xuyên đáy. Thị trường bất động sản “đóng băng” kéo dài. Thị trường chứng khoán giằng co sau một đợt giảm sâu vào năm ngoái.
Dòng tiền hướng đến kim loại quý, nhất là vàng như một sự trú ẩn bởi vì với giới đầu tư tiền ở trong két không những không sinh lời mà còn mất giá. Giá vàng toàn cầu tăng ổn định có thể là chỉ dấu kinh tế thế giới tiếp tục gặp khó khăn, ít nhất là trong năm 2024 nữa. Khi kinh tế khó khăn các chính phủ buộc phải tìm cách đẩy tiền ra, đây là cơ sở để duy trì một lãi suất thấp và như thế việc hút tiền vào các ngân hàng không còn cần thiết. Kinh tế khó khăn cũng dẫn đến các dòng tiền đầu tư vào các dự án, doanh nghiệp, trái phiếu, cổ phiếu không nhiều. Những yếu tố nêu trên đều ủng hộ cho giá vàng tăng.
Nhưng phàm cái gì lên nhanh cũng dễ xuống nhanh, chỉ khác nhau là lâu hay chóng. Kinh nghiệm thị trường chứng khoán năm 2022 cho thấy điều đó. Sau khi vượt 1.400 điểm, VNindex đã tụt dốc không phanh. Kinh nghiệm trên thị trường bất động sản thời gian qua cũng cho thấy điều này. Đất lên “cơn sốt” đem đến cho nhà đầu tư bộn tiền và khi đạt đỉnh thì sụt giảm đến giờ vẫn chưa hồi.
Ở nước ta từng chứng kiến một nghịch lý là trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 lại chứng kiến sự tăng giá của cả chứng khoán và nhà đất. Khi đó, người ta lý giải rằng nhà đầu tư không biết để tiền vào đâu nên mang đi mua đất, cổ phiếu. “Bong bóng” vỡ là chu kỳ đi xuống của các thị trường này. Chỉ khi nền kinh tế thực sự hồi phục mới có cơ hội ổn định cho thị trường chứng khoán, bất động sản.
Nhiều năm qua, đất đai, chứng khoán và vàng giống như 3 ngọn tháp thay nhau ngự trị trên trị trường đầu tư. Thời điểm này có thể là vàng. Tất nhiên, sự vận động của các thị trường thỉnh thoảng vẫn nằm ngoài các phân tích và chỉ có thực tiễn mới kiểm nghiệm chính xác nhất. Nên nhà đầu tư chớ vội “bắt sóng”. Nhiều người khôn ngoan có thể lại không chọn vàng để đầu tư ở thời điểm này.
Theo Báo Hải Dương