Các tác phẩm tham dự Giải Báo chí Quốc gia đã phản ánh kịp thời, đậm nét các sự kiện chính trị lớn của đất nước trong năm 2020. Nhiều vấn đề thời sự không lường trước được, như đại dịch Covid-19, lũ lụt thiên tai ở các tỉnh miền Trung, được đề cập sâu sắc, toàn diện, tác động xã hội lớn.
“Đại dịch Covid - 19 – thách thức và cơ hội"; “Cả hệ thống chính trị vào cuộc, toàn dân đồng lòng chống dịch Covid-19” hay “Dịch Covid-19 - Biến thách thức thành cơ hội”…. là những tác phẩm phản ánh nỗ lực của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong việc thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa phát triển kinh tế. Đó còn là sự “dấn thân” của nhà báo luôn có mặt ở những nơi tâm dịch để phản ánh những hi sinh, cố gắng của nhiều đồng bào, đồng chí, đội ngũ y, bác sỹ, lực lượng quân đội, công an cho công tác phòng chống dịch.
Nhà báo Lê Quốc Trung, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, thành viên Ban Giám khảo đánh giá: “Báo chí đã vào trận rất kịp thời, phản ánh tinh thần chống dịch của toàn dân khắp tất cả các nơi. Có những tác phẩm tôi cho rằng, phản ánh rất tốt, khá sâu, nêu được tình trạng dịch bệnh diễn ra, tinh thần quyết tâm của người dân để chống dịch bệnh. Có rất nhiều bài anh em phóng viên phải lăn lộn vào những khu vực nguy hiểm để phản ánh, đấy là điều rất tốt”.
Nhiều tác phẩm được đầu tư công phu, có tính phát hiện, đi sâu phản ánh các lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị, xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp, công cuộc giảm nghèo bền vững, an ninh năng lượng, kinh tế xanh... có hiệu quả xã hội tích cực, có sức ảnh hưởng lớn.
Là thành viên tham gia nhiều lần chấm giải báo chí Quốc gia, ông Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương, nguyên Tổng Giám đốc Đài TNVN cho rằng, các tác phẩm dự Giải năm 2020 giảm dần sự cách biệt lớn về chất lượng giữa các tác phẩm của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương. Nhiều bài có tính phát hiện tốt, phản ánh những vấn đề nóng bỏng, được dư luận quan tâm. Để báo chí tiếp tục đồng hành với sự phát triển của đất nước, theo ông Nguyễn Thế Kỷ những người làm báo cần tiếp tục đổi mới nội dung và cách thể hiện.
“Cách thức thể hiện trong báo chí, kể cả các loại hình cũng chưa có gì thật là nổi trội tạo ấn tượng cho Ban giám khảo. Đây là điều đặt ra cơ quan báo chí và những người làm báo vượt lên chính mình. Đề tài, chủ để cơ bản không khác nhau, nhưng cách thức thể hiện. Cách thể hiện đừng hiện đại quá, bám sát đặc trưng loại hình báo chí. Bây giờ thông tin dồn nén lại để trong thời lượng hợp lý đưa thông điệp, kiến nghị giải pháp thỏa đáng”, ông Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh.
Qua 15 mùa giải, đặc biệt là mùa Báo chí Quốc gia lần thứ 15 đã khẳng định tính chiến đấu và tính nhân văn của báo chí. Để luôn giữ được tính chiến đấu và tính nhân văn đòi hỏi mỗi nhà báo không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, nêu cao đạo đức nghề nghiệp, không ngừng trau dồi chuyên môn nghiệp vụ để khẳng định sức mạnh báo chí trong bối cảnh truyền thông kỹ thuật số.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi khẳng định: “Giải báo chí Quốc gia có ý nghĩa trước hết là khích lệ tinh thần làm nghề của nhà báo. Tôn vinh các nhà báo có những đóng góp xuất sắc và công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Từ đó khẳng định vai trò hết sức trọng của báo báo bằng tác phẩm, bằng tinh thần tác nghiệp của nhà báo, cho thấy đời sống báo chí rất sôi nổi và báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng đối với xã hội, đất nước. Trong thời đại truyền thông báo chí càng được khẳng định”.
Giải Báo chí Quốc gia năm 2020 đánh dấu một chặng đường 15 năm “đãi cát tìm vàng”, vinh danh những nhà báo, tờ báo xứng đáng của Báo chí Cách mạng Việt Nam. Đó không chỉ là niềm tự hào của mỗi tác giả, mỗi cơ quan báo chí có tác phẩm đoạt giải mà là niềm tự hào chung của những người làm báo Việt Nam./.
Lại Hoa/VOV1