Binh sĩ Ukraine gương cờ giải phóng ngôi làng Storozheve,
vùng Dontesk ngày 12/6/2023. Ảnh: Internet.
Những thay đổi trong thời gian gần đây
Cuộc chiến đấu tại thành phố Bakhmut ở miền Đông Ukraine diễn ra trong nhiều tháng đã cho thấy sự giằng co của cuộc xung đột. Không bên nào áp đảo bên còn lại. Tuy nhiên, trước khi Nga tuyên bố kiểm soát hoàn toàn thành phố Bakhmut vào ngày 20/5/2023, thì Nga là bên chủ động tấn công, chủ động về chiến lược.
Ngược lại, từ đầu tháng 6/2023, Ukraine đã bắt đầu phản công để chiếm lại các phần lãnh thể đang bị Nga kiểm soát. Ngày 4/6, Moscow thông báo về “một chiến dịch tấn công quy mô lớn” của Kiev tại Donetsk, miền Đông Nam Ukraine. Đụng độ nổ ra tại Bakhmut, Vuhledar (thuộc Donetsk) và Zaporizhia(1).
Ở những ngày đầu Ukraine không tuyên bố là đã bắt đầu phản công, hoặc đưa ra thông tin một cách rất mập mờ. Điều này hoàn toàn có thể hiểu được trong nghệ thuật dùng binh. Việc giữ kín thông tin thời gian và kế hoạch tác chiến là cần thiết để tạo yếu tố bất ngờ trên thực địa. Bên cạnh đó, nếu kết quả phản công của Ukraine không như mong muốn thì họ cũng không làm mất tinh thần của binh lính.
Dựa trên thông tin tình báo về việc Kiev sử dụng lực lượng dự bị chiến lược, ngày 9/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Ukraine đã phát động chiến dịch phản công(2). Những hành động thực tế trên chiến trường từng bước làm sáng tỏ cuộc phản công của Kiev.
Ukraine đã điều xe tăng Leopard 2 của Đức và xe chiến đấu bộ binh Bradley của Mỹ cũng như thiết giáp kháng mình ra chiến trường. Nhiều vũ khí chiến đấu khác do NATO viện trợ cũng được Ukraine sử dụng trong cuộc phản công.
Ngày 11/6, Ukraine cho biết họ đã giành lại ba ngôi làng ở phía Đông Nam đất nước. Đến này 15/6, họ tuyên bố rằng đã giành lại 7 ngôi làng với tổng diện tích hơn 100 km2 từ khi phát động chiến dịch phản công(3).
Kết quả cuộc phản công cho thấy thành công của Ukraine đến nay chỉ mang tính chiến thuật. Ukraine mới chỉ dành được một phần lãnh thổ nhỏ hẹp, chưa xuyên thủng các tuyến phòng thủ kiên cố của Nga.
Các tuyến phòng thủ kiên cố của Nga đang bào mòn nguồn lực của Ukraine. Nga đã xây dựng hàng nghìn vị trí phòng thủ từ rìa phía Tây đất nước cho đến tận bán đảo Crimea trên Biển Đen, bao gồm nhiều bãi mình, hào chống tăng, rào chắn “răng rồng” bằng bê tông và chiến hào.
Cuộc phản công của Kiev chưa mang tính tổng lực, phản ánh sự thận trọng cao. Ukraine chưa sử dụng nhiều vũ khí hạng nặng mà NATO đã cấp cho. Lý do có thể là đây mới là bước thăm dò, mang tích chất chiến thuật, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại cho các đợt tấn công lớn sau đó.
Các khu vực chính trong cuộc phản công của Ukraine. Ảnh: Internet
Mặc dù vậy, có đủ cơ sở để khẳng định rằng, cuộc xung đột giữa hai bên đã bước vào giai đoạn mới - giai đoạn Ukraine là bên nắm thế chủ động.
Việc nắm thế chủ động là một lợi thế lớn. Lợi thế này không dễ gì đạt được. Nó là kết quả của việc thay đổi tương quan lực lượng sau những trận chiến lớn.
Có được thế chủ động, Ukraine sẽ “tự do” hành động theo ý muốn, đẩy lực lượng Nga vào thế bị động. Vì vậy, cuộc chiến đấu của lực lượng vũ trang Nga dễ rơi vào tình thế thụ động, phải ứng phó với sự tấn công của Ukraine.
Ở khía cạnh khác, lực lượng tham gia chiến đấu của hai bên cũng có ít nhiều thay đổi. Về phía Ukraine ngày càng có nhiều binh lính được phương Tây huấn luyện ra chiến trường. Với tri thức và kỹ năng học được, điều này sẽ giúp tăng cường sức chiến đấu của Ukraine.
Về phía Nga, lực lượng Chechnya (thuộc Nga) đến Bakhmut để thay thế cho Tập đoàn quân sự tư nhân Wagner. Ngày 12/6, Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã ký hợp đồng với lực lượng Akhmat của Chechnya, sau khi ông chủ tập đoàn Wagner từ chối(4). Điều này ít nhiều phản ánh sự rạn nứt giữa Bộ quốc phòng Nga với tập đoàn Wagner trong thời gian qua. Sự thay đổi này có làm tăng cường sức chiến đấu của Nga hay không chỉ có thể trả lời bằng thực tiễn chiến trường thời gian tới.
Tương lai cục diện xung đột Nga- Ukraine
Thời gian tới, cục diện xung đột Nga - Ukraine phụ thuộc vào 2 yếu tố chính.
Một là, sự viện trợ vũ khí của Mỹ và phương Tây cho Ukraine. Cuộc chiến của lực lượng Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào nguồn viện trợ vũ khí của NATO. Vũ khí của Mỹ và các nước phương Tây không chỉ giúp Ukraine ngăn chặn và đẩy lùi nhiều đợt tấn công của Nga mà còn là cơ sở để Ukraine tiến hành phản công. Tuy nhiên, vũ khí tầm xa và vũ khí hạng nặng NATO cấp cho Ukraine so với yêu cầu của Kiev vẫn còn hạn chế. Nếu được cấp thêm cơ hội thành công của Ukraine sẽ gia tăng.
Hai là, sức kháng cự của Nga. Nga là một cường quốc quân sự hàng đầu thế giới, có ngành công nghiệp quốc phòng phát triển, năng lực sản xuất vũ khí cao. Hiện tại, Nga đã xây dựng được một hệ thống phòng tuyến kiên cố, vững trãi, nhiều vòng, vì vậy sức kháng cự của Nga là rất lớn. Nga còn có thể đảo ngược tình thế nếu Mỹ và phương Tây cắt bớt nguồn viện trợ cho Ukraine. Tuy nhiên, gần đây, Tổng thống Nga Putin tuyên bố là không có ý định mở rộng chiến tuyến ở Ukraine.
Dựa vào các yếu tố tác động chính đã nêu trên, có thể đưa ra một số dự báo về cục diện xung đột Nga - Ukraine thời gian tới như sau:
Một là, cuộc chiến đấu của hai bên sẽ ở thế giằng co, khó có thể xảy ra bước ngoặt lớn. Trong suốt thời gian vừa qua, hai bên đã thể hiện lập trường cứng rắn, không nhân nhượng, thỏa hiệp; những điều kiện của mỗi bên đưa ra đều không nhận được bên còn lại chấp nhận; hai bên chưa sẵn sàng đàm phán để đi đến ký hòa ước lập lại hòa bình. Thời gian qua, Ukraine tuyên bố nhất quán mục tiêu của họ là giành lại toàn bộ quyền kiểm soát lãnh thổ từ tay Nga bao gồm cả bán đảo Crimea”. Ngược lại, Nga quyết tâm bảo vệ các vùng đất đã sáp nhập vào Nga. Mỗi bên đều có những lợi thế và bất lợi của mình, do đó chiến sự sẽ ở thế giằng co, kéo dài.
Hai là, trong ngắn hạn, Ukraine tiếp tục nắm thế chủ động trên chiến trường. Đây là một lợi thế của Ukraine, nhưng lợi thế này không đồng nghĩa đem lại sự thắng thế, thắng lợi. Bởi vì cuộc tấn công của Ukraine vào một phòng tuyến kiên cố của Nga sẽ khiến Ukraine thiệt hại rất lớn về người và phương tiện. Trong bối cảnh lực lượng không chênh lệch quá lớn (do Ukraine được NATO ủng hộ mạnh mẽ), phương tiện và phương thức chiến đấu cũng không quá khác biệt, cuộc tấn công giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ của Ukraine đối mặt với thực tế hao người tốn của hơn so với bên phòng thủ của Nga. Nga cũng có thể chủ động tấn công từ xa để phòng ngự.
Cả hai khả năng trên đều cho thấy cuộc xung đột vũ trang Nga - Ukraine sẽ tiếp diễn và chưa thể giải quyết trong ngắn hạn. Xung đột sẽ làm cho hai bên tiêu hao rất nhiều binh lực. Cuộc phản công của Ukraine có thể phải trải qua nhiều giai đoạn khác nhau.
-----------------------------------------------
(1) “Chiến dịch phản công của Ukraine: Bước ngoặt là đây?”, https://baoquocte.vn, ngày 16/6/2023
(2) “Tổng thống Nga Putin nói Ukraine chịu tổn thất nặng nề trong cuộc phản công”, https://vov.vn, ngày 10/6/2023.
(3) “Ukraine tuyên bố giành lại 100 km2 lãnh thổ”, https://vnexpress.net, ngày 15/6/2023.
(4) “Wagner từ chối, lực lượng Akhmat ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng Nga”, https://tienphong.vn, ngày 12/6/2023.
TS Nguyễn Văn Chuyên