Thông tin từ Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân đạt hơn 30% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn giải ngân tăng 92.000 tỷ đồng.
Hiện đã có 9 bộ, cơ quan trung ương và 32 địa phương tỷ lệ giải ngân đạt trên 30% kế hoạch, trong khi 39 bộ, cơ quan trung ương và 12 địa phương tỷ lệ giải ngân vốn đạt dưới 20% kế hoạch, đặc biệt có 5 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân số kế hoạch vốn được giao.
Quý I, tình hình giải ngân đầu tư công của nhiều tỉnh thành chưa tốt như mong đợi. Đáng chú ý, TP Hồ Chí Minh giải ngân vốn đầu tư công thấp nhất cả nước chỉ đạt 4% trong khi số vốn đầu tư công được giao của thành phố năm nay tăng gần 2 lần so với năm trước.
Tuy nhiên với sự nỗ lực mạnh mẽ, tính đến ngày 30/6, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP Hồ Chí Minh đạt 23%. Dù tỷ lệ thấp hơn kế hoạch đặt ra, nhưng tổng vốn đã giải ngân đạt hơn 14.000 tỷ đồng, cao gần gấp 3 lần cùng kỳ năm 2022. TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tăng tốc độ giải ngân đầu tư công.
TP Hồ Chí Minh tăng tốc giải ngân đầu tư công
Cầu Nhơn Trạch dài 2,6 km nối TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) sang huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) là cầu lớn nhất dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng. (Ảnh: Dân trí)
Tại hẻm 694 Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận, 50 hộ dân đồng thuận giao mặt bằng mở rộng hẻm đã 6 tháng, nhưng vẫn chưa thể triển khai được, bởi quận không có thẩm quyền duyệt ngân sách, phải chờ tổng hợp, sau đó trình UBND thành phố.
Tháo gỡ điểm nghẽn cho hàng loạt dự án mở rộng hẻm như câu chuyện trên, TP Hồ Chí Minh đã ủy quyền cho 16 quận được duyệt dự án nhóm C có vốn đầu tư công từ dưới 45 tỷ đồng đến dưới 120 tỷ đồng.
Vướng mắc trong câu chuyện trên là một trong nhiều vấn đề khác đã được chỉ ra sau nhiều buổi giám sát về công tác đầu tư công. Ngoài ra, thành phố tiếp tục tổ chức hiệu quả 3 tổ công tác gồm tổ mặt bằng, tổ ODA và tổ dự án lớn.
"Đặt ra quy định là các sở, ngành trong khi thực hiện thủ tục liên quan đến các dự án đầu tư công thì phải giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết, bên cạnh đó phải có sự phối hợp với nhau, nhất là công tác giải phóng mặt bằng...", bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, cho biết.
Việc tăng tốc giải phóng mặt bằng, khởi công nhiều dự án lớn như Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh đã góp phần đáng kể cho kết quả giải ngân vốn đầu tư công của thành phố.
"Chúng tôi nhóm lại những nhà đầu tư quản lý nhiều vốn, cũng như các dự án lớn, những công trình trọng điểm. Nhóm này chiếm 70% tổng vốn đầu tư công. Chúng tôi tập trung làm việc với các chủ đầu tư xây dựng lộ trình cho từng dự án", ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, thông tin.
Giữa tháng 7 tới đây, thành phố sẽ trình Hội đồng nhân dân danh mục các dự án có khối lượng giải ngân tốt để được bổ sung vốn sớm.
Giải ngân đầu tư công có nhiều chuyển biến
Tình hình giải ngân đầu tư công tại các bộ, ngành đến tháng 6 cũng đã có nhiều bứt phá rõ nét hơn. Nhiều đơn vị đã bắt nhịp và tăng tốc giải ngân nguồn vốn quan trọng này. Mục tiêu không chỉ sớm đưa những dự án, công trình vào khai thác, mà còn hình thành bệ đỡ cho hạ tầng tăng trưởng tương lai, đồng thời thu hút thêm các nguồn lực ngoài ngân sách, hình thành lượng vốn đầu tư đủ mạnh cho phát triển kinh tế.
39 mũi thi công trên hiện trường. Hơn 1.000 nhân sự và hơn 440 thiết bị. 3 hầm xuyên núi thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đang được tập trung thi công tối đa. Trong đó, hầm số 3 là công trình cấp đặc biệt, có chiều dài lớn nhất trong toàn bộ dự án cao tốc Bắc - Nam với hơn 3,2 km đường hầm chính.
"Từ khi có dự án, chúng tôi đã chuẩn bị đủ nhân lực, thiết bị để triển khai", ông Dương Hoài Thanh, Chỉ huy công trường, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, cho biết.
Với hơn 95.000 tỷ đồng vốn đầu tư công cần được giải ngân trong năm nay. Tính đến hết quý II, Bộ Giao thông Vận tải đã giải ngân được gần 36.000 tỷ đồng, đạt hơn 37% kế hoạch năm, cao hơn mức trung bình chung của cả nước và gấp 2 lần về số tiền so với cùng kỳ năm 2022.
"Ngay từ đầu nhiệm kỳ, chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng vừa về chất lượng, vừa rút ngắn thời gian. Do đó, đầu năm 2023, những dự án trọng điểm đã được khởi công. Như vậy vừa tạo ra dư địa về thời gian cũng như khối lượng công việc để giải ngân với giá trị lớn", ông Bùi Quang Thái, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, cho hay.
Thi công cao tốc Bắc - Nam, đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. (Ảnh: Báo Đầu tư)
"Ở Việt Nam, theo nghiên cứu của chúng tôi, cứ 1 đồng vốn đầu tư công sẽ thu hút được 1,62 đồng vốn ngoài nhà nước. Cơ cấu vốn đầu tư công chiếm hơn 27% trong 6 tháng qua, đã góp phần thúc đẩy đầu tư ngoài nhà nước, cũng như FDI", ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận định.
Với mục tiêu giải ngân ít nhất 95% tổng số gần 810.000 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công trong năm nay, khối lượng vốn cần giải ngân trong niên hạn vẫn còn khoảng 67%, tương đương với hơn 540.000 tỷ đồng. Chính vì vậy, ngoài việc tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về thể chế, chính phủ cũng sẽ có những giải pháp cứng rắn hơn trong điều hành, phân rõ trách nhiệm các chủ đầu tư. Đặc biệt nhóm các bộ ngành, địa phương, hiện tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp hơn nhiều so với mức bình quân chung của cả nước.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng trong năm nay. Ngay từ các tháng đầu năm Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt với nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình. Từ nguồn vốn này sẽ tạo động lực đóng góp tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế, chính trị toàn cầu nhiều biến động, bất ổn; đồng thời góp phần thúc đẩy tổng cầu và lan tỏa tới các khu vực kinh tế khác, tạo động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý III và của cả năm nay.
Nguồn VTV