1. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức
Để vực dậy đà tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam sau thảm họa dịch Covid-19 cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng. Trước mắt cần cập nhật thường xuyên, cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình dịch bệnh ở trong và ngoài nước, tạo sự yên tâm, an toàn cho người dân trong lao động, sinh hoạt, sản xuất, vui chơi.
Những tháng qua với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của người dân với tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm cộng đồng, chúng ta đã từng bước khống chế, khoanh vùng và dập tắt nhiều ổ dịch mới xuất hiện, ổn định tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, tạo động lực, niềm tin để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tiếp tục thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đã đề ra.
Mặc dù tình hình dịch bệnh trên thế giới còn có những diễn biến phức tạp, khó lường nhưng với sự ứng phó nhanh, quyết liệt, kịp thời của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự ủng hộ của nhân dân, tình hình phòng chống dịch Covid-19 ở trong nước đã có những tín hiệu khả quan, tích cực. Ở mỗi địa phương, chính quyền và nhân dân đều có phương án, kịch bản chi tiết cho những tình huống mới phát sinh. Từ đó tạo tâm lí chủ động, không hoang mang, lo lắng nhưng cũng không lơ là, mất cảnh giác mà sẵn sàng tâm thế sống chung với dịch bệnh.
Quảng bá du lịch là giải pháp căn cơ nhằm thúc đẩy du lịch phát triển sau đại dịch Covid-19. Ảnh: Internet
Những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ở nước ta thời gian qua, tạo niềm tin, sức mạnh trong nhân dân; khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của người Việt. Dịch bệnh là một thảm họa nhưng đồng thời nó cũng mở ra nhiều cơ hội để mỗi ngành, mỗi người tự nhìn nhận, đánh giá năng lực của chính mình, trở về với những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc để trân trọng, gìn giữ, nâng niu và phát huy.
Đây cũng là cơ hội lớn để ngành du lịch, dịch vụ có những điều chỉnh về cơ chế, chính sách nhằm khai thác và phục vụ tốt hơn thị trường nội địa với gần 100 triệu dân.
Song song với công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về phòng chống dịch bệnh Covid-19 thì việc tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch trong nước trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội là việc làm cần thiết trong điều kiện ngành hàng không và du lịch quốc tế gặp nhiều khó khăn. Việc khai thác thị trường du lịch nội địa được xem là hướng đi khả quan trong bối cảnh hậu Covid-19.
Việc tuyên truyền cần tập trung nhấn mạnh vào quảng bá, giới thiệu về những vẻ đẹp bất tận của đất nước, con người Việt Nam. Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về phát triển du lịch, dịch vụ với trữ lượng nguồn tài nguyên du lịch dồi dào, hiện diện ở trên khắp các địa phương, vùng miền.
Về hệ thống di sản văn hóa, theo thống kê đến tháng 11/2018, “Việt Nam có 27 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh; cả nước có trên 4 vạn di tích được kiểm kê, trong đó xếp hạng 105 di tích quốc gia đặc biệt, 3.491 di tích quốc gia, gần 1 vạn di tích cấp tỉnh; 62.283 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, trong đó 288 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Hệ thống bảo tàng tiếp tục được mở rộng với 166 bảo tàng (127 bảo tàng công lập, 39 bảo tàng ngoài công lập) lưu giữ trên 3 triệu tài liệu, hiện vật”.
Bên cạnh đó là những ưu thế về cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, nguyên sơ; bờ biển dài với nhiều bãi tắm; nhiều vũng, vịnh đẹp; các sản vật thiên nhiên và nhân tạo phong phú, đa dạng gắn liền với nghề nông trồng lúa nước. Chứa đựng trong đó là những nét độc đáo trong phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa bản địa của 54 tộc người, nhất là với đồng bào ở những vùng rẻo cao Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Con người Việt Nam thân thiện, giàu lòng mến khách,… Đây là những điều kiện thuận lợi để ngành du lịch tận dụng, khai thác, phát huy mạnh mẽ trong giai đoạn hiện nay.
Cùng với đó, trong những năm qua, bằng những chủ trương, chính sách phát triển đồng bộ, toàn diện các lĩnh vực, Đảng, Nhà nước đã dành sự quan tâm đầu tư, ưu tiên nhiều nguồn lực để thúc đẩy ngành du lịch phát triển. Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, một thành tố quan trọng của ngành công nghiệp văn hóa, đi đầu trong việc phát huy sức mạnh mềm dân tộc.
Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16-01-2017 của Ban Chấp hành Trung ương về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã nhấn mạnh: “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác… Phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; tập trung nguồn lực quốc gia cho phát triển du lịch”.
Trên cơ sở quan điểm phát triển trên, Nghị quyết đặt ra mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á”3.
Điều đó thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước trong việc đẩy nhanh sự phát triển của du lịch, tạo đột phát trong phát triển kinh tế-xã hội, góp phần giải quyết công ăn việc làm, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tạo thế và lực để cùng các nguồn lực khác sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại.
2. Đổi mới nội dung, phương thức làm du lịch
Hậu đại dịch Covid-19, du lịch quốc tế cần một thời gian dài mới có thể khởi động lại bình thường khi có sự phối hợp của ngành hàng không và sự kết nối giao thông giữa các quốc gia.
Ở nước ta những năm gần đây, nguồn thu chủ yếu của ngành du lịch là từ du khách nước ngoài với những con số tăng trưởng ấn tượng qua hàng năm (năm 2014, thu hút gần 8 triệu lượt khách quốc tế, đến năm 2018 là gần 15.5 triệu lượt). Tuy nhiên ảnh hưởng của dịch bệnh khiến ngành du lịch, dịch vụ, lữ hành bắt buộc phải đổi mới phương thức tiếp cận và chuyển đổi linh hoạt, kịp thời mô hình tăng trưởng, phát triển, hướng đến khai thác và phát huy tốt nhất thị trường nội địa.
Để làm tốt công tác này, trước hết cần thay đổi phương thức tiếp cận thị trường trong nước, trong đó đánh giá được nhu cầu tâm lí, thị hiếu và sở thích du lịch của từng đối tượng, ngành nghề, lúa tuổi.
Sau đại dịch Covid-19, ngành du lịch hướng trọng tâm khai thác khách du lịch nội địa theo tinh thần “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Ảnh: Internet.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, hiện nay Việt Nam đang bước vào giai đoạn dân số vàng (lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý I năm 2019 khoảng 55,4 triệu người); tuổi thọ, thu nhập bình quân của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao, nhu cầu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng, du lịch là rất lớn, là thị trường du lịch đầy tiềm năng. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều công ty du lịch lữ hành chủ yếu khai thác thị trường du khách quốc tế, người dân trong nước thì lại có xu hướng đi du lịch nước ngoài, gây sự mất cân đối trong điều tiết, cân bằng lượng khách trong và ngoài nước.
Khi dịch bệnh xảy ra, lượng du khách quốc tế sụt giảm, nhiều nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng rơi vào khủng hoảng, đặt ra nhiều vấn đề cần phải chú trọng, trong đó phái quan tâm đến thị trường trong nước - vốn là nguồn thị trường dồi dào, mang tính ổn định, bền vững nhưng lại chưa được quan tâm, đánh giá đúng mức.
Mặt khác, cần hệ thống hóa, sơ đồ hóa bức tranh du lịch quốc gia với những điểm nhấn về các di sản, danh lam, những địa điểm hấp dẫn, kích thích niềm say mê khám phá, du lịch của người dân trong nước. Để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch, ngành du lịch cần phối hợp tốt với các địa phương, vùng miền trong việc xây dựng kế hoạch, chương trình du lịch phù hợp, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào du lịch văn hóa sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng. Các địa phương có thế mạnh về du lịch cần có sự phối hợp, liên kết chặt chẽ với ngành du lịch, công ty lữ hành, tạo điểm kết nối với những tour du lịch ngắn hoặc nhiều ngày, phù hợp với nhu cầu của du khách.
Việc tiếp cận, khai thác thị trường du lịch trong nước có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức từ thói quen của người nông dân làm nông nghiệp, ngại xê dịch; tâm lí tiết kiệm, dành dụm, ít có thời gian để nghĩ đến nghỉ ngơi, thư giãn, du lịch,… Vì thế, việc tiếp cận thị trường này đòi hỏi sự am hiểu văn hóa, tâm lí người dân vùng miền; có cách tiếp cận phù hợp, khéo léo để từng bước thay đổi suy nghĩ của người dân, mở ra những cơ hội mới để người dân được trải nghiệm, khám phá, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần với cuộc sống ngày càng hạnh phúc.
Với các công ty lữ hành, ban quản lý các địa điểm du lịch không được làm du lịch bằng mọi giá, lợi dụng những chiêu trò, mánh khóe, phương thức quảng cáo rẻ tiền để chèo kéo, dụ dỗ du khách. Không vì đề cao lợi ích kinh doanh, lợi nhuận mà lãng quên nâng cao chất lượng, sản phẩm, dịch vụ du lịch. Cần phải loại trừ tâm lí “ăn xổi”, “đánh trống bỏ dùi”, “treo đầu dê, bán thịt chó”, hủy hoại môi trường, không gian du lịch lành mạnh, nhân văn.
Người làm du lịch, dịch vụ cần phải tạo dựng niềm tin, tạo sự thân thiện, hấp dẫn với những hành trình an toàn, vui vẻ, ý nghĩa, qua đó góp phần nâng cao việc giáo dục, hình thành nhân cách, lối sống đẹp và tình yêu quê hương, đất nước cho mỗi người.
3. Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp
Trong điều kiện hiện nay, để kích cầu du lịch phát triển, cần sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, ban ngành, nhất là những ngành, những cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa, du lịch các cấp, có những tham mưu, tư vấn về chính sách với tầm nhìn, kế sách và bước đi ngắn hạn cũng như dài hạn, tạo động lực mạnh mẽ để du lịch cất cánh.
Cơ chế, chính sách là những yếu tố đặc biệt quan trọng, tạo hành lang, cơ chế pháp lý để người làm du lịch căn cứ thực hiện.
Trong bối cảnh hậu Covid-19, Chính phủ cần dành những ưu tiên cần thiết về hỗ trợ nguồn kinh phí trong tôn tạo, tu bổ di tích và đảm bảo hoạt động của các trung tâm, khu du lịch diễn ra bình thường; có chính sách ưu đãi về thuế, thuê mặt bằng đối với các công ty, doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, khách sạn, dịch vụ du lịch; hỗ trợ thu nhập, điều kiện sinh hoạt cho cán bộ trực tiếp làm du lịch bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch.
Ngành du lịch cần phối hợp tốt với ngành hàng không nói riêng và giao thông kết nối nói chung trong việc xây dựng các tour du lịch với giá ưu đãi, hấp dẫn, tiện lợi. Các trung tâm, khu di tích, địa điểm du lịch cần phối hợp với các ban ngành, cơ quan chủ quản xây dựng chương trình văn hóa, văn nghệ, du lịch hấp dẫn với những chính sách về giảm giá vé, giá phòng, giá tour tham quan cùng những gói sản phẩm độc đáo, thu hút mạnh mẽ du khách trong nước với cuộc vận động “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”.
Thời gian qua, ngành văn hóa, nghệ thuật đã bắt đầu khởi động lại các chương trình nghệ thuật biểu diễn với những vở kịch, trích đoạn chèo, tuồng, cải lương hấp dẫn do các Nhà hát dàn dựng, thu hút được đông đảo công chúng đón nhận. Đối với lĩnh vực du lịch, dịch vụ cũng cần tăng tốc, chuyển đổi mạnh mẽ mô hình, phương thức phát triển mới với những cách làm hay, sáng tạo bằng những gói sản phẩm có chất lượng, thu hút được đông đảo du khách trong nước tham gia.
Với sự vào cuộc tích cực của các ban ngành, chính quyền địa phương, các công ty, doanh nghiệp lữ hành du lịch, những chính sách ưu đãi, giảm sâu giá vé, giá tour đã đánh trúng vào tâm lí người Việt khi được du lịch, tham quan, trải nghiệm, khám phá những vẻ đẹp kỳ thú của thiên nhiên, đất nước mình với giá cả, chi phí phải chăng.
Tháng 6, tháng 7 hàng năm là dịp cao điểm của ngành du lịch với những địa điểm vui chơi, giải trí, tham quan, nghỉ dưỡng hấp dẫn đang mời gọi du khách. Đây là “thời điểm vàng” để ngành du lịch nắm bắt, tận dụng thời cơ, không ngừng đổi mới, sáng tạo để có những đột phá giúp ngành du lịch tăng tốc, phát triển nhanh, bền vững trong tình hình hiện nay.
Có thể nói, trong khi trữ lượng nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản không còn nhiều, ngày càng cạn kiệt thì việc phát huy sức mạnh mềm từ lĩnh vực văn hóa, trong đó ngành du lịch, dịch vụ là một xu hướng phát triển mang tính tất yếu.
Việc dành những ưu tiên về nguồn nhân lực, tài lực cũng như đổi mới nội dung, phương thức làm du lịch là yêu cầu cấp thiết, nhất là sau đại dịch Covid-19 để ngành du lịch trong nước tăng tốc, phát triển, xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn, không chỉ đem lại nguồn doanh thu lớn mà còn khơi dậy và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa và con người Việt Nam, cùng với các nguồn lực khác sớm hiện thực hóa khát vọng xây dựng nước Việt Nam thịnh vượng và hùng cường.
N.H.P