Thứ nhất, đổi mới tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ cấu tổ chức của Chính phủ, các bộ, ngành theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở tổ chức hợp lý các bộ đa ngành, đa lĩnh vực. Nghiên cứu đưa ra mô hình về bộ máy chính quyền địa phương các cấp, đáp ứng được với những vấn đề về lý luận và thực tiễn, hướng tới sự ổn định và phát triển kinh tế trong môi trường hội nhập quốc tế. Kiện toàn tổ chức bộ máy tham mưu, chuyên trách về chuyển đổi số. Rà soát, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số ở trung ương và địa phương theo quy định tại Luật Công nghệ thông tin, Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng, Luật Giao dịch điện tử và các văn bản pháp luật khác có liên quan theo hướng tập trung, thống nhất một đầu mối, có phân công, phân cấp phù hợp, cụ thể giữa các cơ quan trung ương và giữa trung ương với địa phương.
Thứ hai, hoàn thiện hệ thống thể chế cho Chính phủ số và quản trị quốc gia hiện đại, hiệu lực, hiệu quả. Nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Chính phủ điện tử và các văn bản hướng dẫn bảo đảm hành lang pháp lý phát triển Chính phủ điện tử dựa trên dữ liệu mở, ứng dụng các công nghệ mới hướng tới nền kinh tế số, xã hội số. Đẩy mạnh xây dựng, ban hành các chiến lược, chương trình tạo dựng hạ tầng, nền tảng số để hỗ trợ phát triển như: Chiến lược Chính phủ số; Chiến lược phát triển hạ tầng số quốc gia; Chiến lược phát triển bưu chính; Chiến lược an toàn không gian mạng quốc gia. Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực chuyên ngành để đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các mối quan hệ mới phát sinh trong tiến trình chuyển đổi số, khuyến khích đổi mới, sáng tạo; rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, thương mại, đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số, Internet và không gian mạng.
Thứ ba, phát triển hạ tầng số và nền tảng số. Phát triển và vận hành hạ tầng mạng chuyên dùng ổn định, an toàn, thông suốt, kết nối 04 cấp hành chính từ trung ương đến cấp xã; triển khai các hệ thống kỹ thuật bảo đảm năng lực, an toàn thông tin cho mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước làm hạ tầng truyền dẫn căn bản trong kết nối các hệ thống thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu phục vụ Chính phủ số. Xây dựng Nền tảng điện toán đám mây Chính phủ thống nhất trên cơ sở quy hoạch, kết nối đám mây của các cơ quan nhà nước tại các bộ, ngành, địa phương nhằm tạo môi trường để lưu trữ, chia sẻ tài nguyên, phát triển dịch vụ dùng chung cho Chính phủ số trên quy mô toàn quốc được linh hoạt, hiệu quả, nhanh chóng; kết nối, khai thác hiệu quả các hệ thống đám mây của doanh nghiệp để cung cấp hạ tầng điện toán đám mây cho Chính phủ số. Phát triển dữ liệu số quốc gia tạo nền tảng cho triển khai Chính phủ số, bảo đảm cung cấp dữ liệu số cho các dịch vụ công trực tuyến, chia sẻ dữ liệu thông suốt giữa các cơ quan nhà nước, cung cấp các bộ dữ liệu mở có chất lượng và giá trị khai thác cao, mở dữ liệu theo quy định của pháp luật để phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Phát triển, hoàn thiện Cổng dịch vụ công quốc gia để người dân và doanh nghiệp có thể truy cập đến các dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương qua một địa chỉ duy nhất trên mạng, tích hợp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của các bộ, ngành, địa phương.
Thứ tư, huy động sự tham gia của người dân vào xây dựng Chính phủ số và quản trị quốc gia. Bảo đảm về mặt pháp luật quyền của nhân dân khi tham gia vào công việc của địa phương, nhà nước trên nền tảng số. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, có cơ chế huy động người dân tham gia vào quá trình quản lý nhà nước và xây dựng Chính phủ số thiết thực, hiệu quả, phản ánh được ý chí nguyện vọng của người dân, đảm bảo quyền của nhân dân được biết, được bàn, được kiểm tra, giám sát những công việc, những vấn đề của địa phương và đất nước. Tăng cường tuyên truyền về quá trình chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số và quyền tham gia xây dựng Chính phủ số của các tổ chức, cá nhân. Phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc cung cấp thông tin, định hướng cho sự tham gia của người dân về nội dung, hình thức và phạm vi tham gia vào xây dựng Chính phủ số. Kết nối và sử dụng hiệu quả hơn các phương tiện thông tin đại chúng trong tuyên truyền về sự tham gia của người dân vào xây dựng Chính phủ số. Số hóa các hoạt động quản lý nhà nước tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tương tác thuận lợi, hiệu quả với cơ quan nhà nước. Phát triển và hoàn thiện Cổng Dịch vụ công quốc gia để người dân và doanh nghiệp có thể truy cập đến các dịch vụ công trực tuyến của các bộ ngành, địa phương. Xây dựng các trung tâm dữ liệu Chính phủ số tại các bộ, ngành, địa phương theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây, ưu tiên hình thức thuê dịch vụ chuyên nghiệp và thực hiện kết nối với nền tảng điện toán đám mây Chính phủ theo mô hình do Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội, xây dựng chính phủ “mở” thông qua gia tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của Chính phủ. Hoàn thiện cơ chế “lắng nghe” và phản hồi từ xã hội.
Thứ năm, nâng cao năng lực thực thi công vụ đội ngũ cán bộ, công chức trong môi trường số và đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại. Cán bộ, công chức phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thông thạo kỹ năng hành chính, có khả năng nắm bắt kiến thức, thành thạo kỹ năng công nghệ mới đặc biệt là công nghệ thông tin - truyền thông, giúp cho việc xử lý thông tin nhanh chóng, chính xác, đầy đủ, phục vụ tốt cho các tổ chức và công dân. Thu hút, tuyển dụng, bồi dưỡng nhân lực chuyển đổi số cho các cơ quan nhà nước hoặc thuê chuyên gia tư vấn, thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật. Nâng cao chỉ số tham gia điện tử để cán bộ, công chức chủ động tham gia vào quá trình cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công. Cán bộ tham mưu và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã phải được đào tạo về chuyên môn, kỹ năng số, quản lý nhà nước, ngoại ngữ và các yêu cầu khác phục vụ công tác quản lý nhà nước về chuyển đổi số. Cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương đến cơ sở cần được đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số, với các nội dung cơ bản như: các nền tảng số và bộ công cụ sử dụng thống nhất toàn quốc phục vụ quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số, bao gồm các nền tảng số và bộ công cụ; phương pháp mới trong tuyên truyền, phổ biến; quản lý dự án; khảo sát, thu thập ý kiến; đo lường, giám sát trực tuyến; tạo lập, kết nối, chia sẻ dữ liệu; quản lý tri thức; trợ lý ảo; an toàn thông tin mạng…. Nghiên cứu, xây dựng, phổ biến nền tảng học trực tuyến để nâng cao kiến thức về chuyển đổi số, phát triển kỹ năng số cho mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan nhà nước theo hướng tự học, tự kiểm tra, đánh giá và cấp chứng chỉ, chứng nhận theo quy định.
Thứ sáu, thay đổi nhận thức, tư duy và văn hóa từ quản lý nhà nước sang quản trị quốc gia hiện đạ Các vấn đề liên quan đến tính công bằng và đạo đức trong việc sử dụng dữ liệu cũng là những nội dung quan trọng khi bàn về Chính phủ số. Khả năng tiếp cận Chính phủ số của người dân phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí địa lý, truyền thống lịch sử, chính sách văn hóa, trình độ, giáo dục... Xây dựng Chính phủ liêm chính và công bằng từ sự liêm chính trong cơ chế điều hành của tổ chức đến phẩm chất của từng thành viên của Chính phủ. Xây dựng Chính phủ “mở” thông qua gia tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của Chính phủ. Xây dựng “Chính phủ phục vụ”. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với nghị quyết, chiến lược, chương trình hành động, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các cấp, các ngành./.
Quang Minh (tổng hợp)