Nghề dạy học cũng giống như nhiều ngành nghề khác nhưng luôn được mọi người tôn trọng. Hồi nhỏ, làng tôi có một người làm nghề dạy học, nghe nói ông đi dạy từ thời Pháp thuộc, sau năm 1945 ông vẫn đi dạy. Từ người già cho đến trẻ con chúng tôi, mỗi khi gặp ông giáo đi dạy về mọi người đều đứng nép vào đường với câu lễ phép “Chào ông giáo ạ!”; ông giáo đáp lại: “Vâng chào ông bà/ anh chị/các cháu!”.
Sự thay đổi của xã hội đối với nghề dạy học đã làm xô lệch cái nhìn về nghề này. Đã có thời, những học trò phổ thông hết cả ước mơ trở thành thầy cô giáo, trường sư phạm, nhất là các trường địa phương, điểm tuyển sinh cả 3 môn không đến 10 điểm. Gần đây, do chính sách ưu tiên cho nghề dạy học, Bộ GD-ĐT đã quy định điểm ngưỡng dưới đầu vào với sinh viên ngành sư phạm nên điểm chuẩn trúng tuyển các trường sư phạm đã cao hơn. Bộ GD-ĐT cùng Bộ Nội vụ hiện chuẩn bị phương án tăng lương cho nhà giáo sẽ cao hơn các ngành khác…
Chúng ta đang bước vào năm thứ 4 thực hiện đổi mới giáo dục theo Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và Nghị quyết số 88 của Quốc hội về đổi mới toàn diện giáo dục Việt Nam. Riêng về giáo dục phổ thông, từ sau khi Chính phủ ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới (Chương trình Giáo dục phổ thông 2018), toàn ngành và cả xã hội đã bắt tay vào thực hiện.
Đây là một sự thay đổi căn bản về nhận thức của nghề dạy học. Thay đổi tư duy từ truyền thụ kiến thức một chiều bằng việc người thầy hướng dẫn, hỗ trợ học trò tìm kiếm kiến thức và thực hành kiến thức cho riêng mình. Nhưng còn nhiều vấn đề cần bàn để giáo dục tốt hơn hiện nay. Ai cũng biết để thay đổi từ truyền thụ kiến thức sang hình thành và phát triển năng lực học sinh, ngoài chương trình, tài liệu học tập, phương pháp dạy học cần có sĩ số học sinh trong mỗi lớp học phù hợp.
Việc dạy, việc học đã thay đổi, không hề dễ dàng với cả thầy cô, học sinh… Nhiều tranh luận trái chiều về chương trình, về sách giáo khoa… diễn ra căng thẳng, nhưng “con tàu đổi mới” vẫn tiến lên phía trước. Cần thời gian để đánh giá kết quả đổi mới giáo dục lần này nhưng những cố gắng của thầy và trò trong hơn 3 năm qua cần được xã hội động viên, thừa nhận. Trường lớp ở TPHCM đã có nhiều thay đổi, các trường công đã ngày một khang trang hơn, sĩ số học sinh trong mỗi lớp giảm đi đáng kể, thầy cô giáo cũng đỡ thiếu hụt hơn.
Ai cũng muốn con em mình được học trong một trường học tốt, nơi có trang thiết bị, đồ dùng phục vụ học tập tốt và hơn cả là nơi có đội ngũ thầy cô giỏi, yêu thương học trò. Như vậy, muốn có một môi trường giáo dục tốt cần sự chung tay góp sức của cả nhà nước, phụ huynh và cộng đồng. Giáo dục không phải chỉ của thầy cô giáo, học sinh, phụ huynh, các cấp chính quyền mà là của mọi người. Thiếu đi sự quan tâm của xã hội, cùng chung tay xây dựng ngôi nhà giáo dục thì không thể có một nền giáo dục tốt, không thể có một tương lai tốt cho dân tộc và các công dân tương lai!
Năm tháng đổi thay, cái nhìn về nghề dạy học có thể không còn như xưa, nhưng nếu chúng ta còn thấy những hình ảnh học trò tuổi 60-70 tụ tập nhau, chúc mừng ngày của thầy/cô thì tôi vẫn tin rằng thầy cô giáo còn có chỗ đứng trong xã hội, trong lòng học sinh.
Nguồn SGGP