1. Trong đời sống tinh thần của người Việt Nam từ ngàn đời nay, đạo Hiếu luôn là một giá trị xã hội cao quý, một quy chuẩn đạo đức mãi mãi trường tồn và ngự trị mạnh mẽ ở mỗi gia đình truyền thống Việt. Chữ Hiếu thể hiện trách nhiệm của con cháu trong tình cảm và hành động yêu quý, kính trọng, quan tâm, chăm sóc, phụng dưỡng, đền đáp công ơn cha mẹ, ông bà mỗi ngày. Trong kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam, cha ông ta đã truyền dạy biết bao bài học quý giá về đạo làm người, trong hàng ngàn điều ấy, lời căn dặn, gửi gắm về lòng hiếu thảo vẫn mãi vẹn nguyên giá trị, bởi “Công cha nghĩa mẹ cao dày/ Cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ”, bởi “Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn”, bởi “Cánh cò cõng nắng cõng mưa/ Mẹ tôi cõng cả bốn mùa gió sương”… Cho nên “dù có đi hết cuộc đời, cũng không đi hết những lời mẹ ru”.
Hiếu thảo với cha mẹ là truyền thống quý báu của dân tộc
(Ảnh Internet)
2. Tiếp nối nét đẹp truyền thống đó của cha ông, Bác Hồ kính yêu là môt tấm gương hiếu thảo tiêu biểu và xuất sắc để thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay học tập và noi theo. Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh nước mất nhà tan, trái tim Người thanh niên Nguyễn Tất Thành thương cha mẹ, thương Nhân dân lầm than cơ cực biết bao nhiêu. Ngày nay, ai đến với đất Bình Định, ngắm nhìn tượng đài Cha và Con tại Quảng trường rộng lớn, sóng mũi chúng ta sẽ cay cay khi nhớ về cuộc chia tay lịch sử - lần gặp cuối cùng của Bác với cha mình, tạm biệt cha để bước vào cuộc hành trình vạn dặm ra đi tìm đường cứu nước cho Dân tộc.
Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc – Nguyễn Tất Thành tại Bình Định
(Ảnh Internet)
Khi Bác đang hoạt động ở Thái Lan, vào lúc nửa đêm, khi nghe tiếng ru con bằng thơ Kiều của một gia đình Kiều bào miền Bắc, Bác đã rất xúc động. Người đã viết: “Xa nhà chốc đã mấy niên. Nửa đêm nghe tiếng mẹ hiền ru con!” [1], chắc rằng trong lòng Bác – trong lòng người thanh niên vốn mồ côi mẹ từ nhỏ đã rất nhớ về người sinh thành của mình rất rất nhiều; Đến sau này về nước, Bác rất thích trồng hoa râm bụt trước lán ở và làm việc cạnh cây đa to lớn để làm biểu tượng cho chữ Hiếu, Bác thường nói: “Nhìn bờ râm bụt nhớ mẹ cha, nhìn ngọn cây đa nhớ xóm làng” [2].
Ở Hồ Chí Minh, Bác không những kế thừa rất tài tình phạm trù Hiếu trong truyền thống và trong Nho giáo mà chữ “Hiếu” của Bác Hồ đã được hun đúc và nâng lên thành đạo Hiếu lớn lao nhất là Hiếu với dân, kính dân, trọng dân, thương dân, yêu dân, phục vụ dân, vì Nhân dân quên mình, vì đất nước hi sinh. Đây chính là Đại Hiếu, Bác từng nói:“Ta thương cha mẹ ta, mà còn phải thương cha mẹ người” [3], người cách mạng cũng là người có hiếu nhất, vì hiếu với dân cũng tức là hiếu với cha mẹ: “Nếu không làm cách mạng thì chẳng những bố mẹ mình mà hàng chục triệu bố mẹ người khác cũng bị đế quốc phong kiến dày vò…”[4] nên trong sâu xa chữ Hiếu là động lực mạnh mẽ giúp Người một lòng quyết tâm ra đi tìm chân lý, mang lại hạnh phúc cho Nhân dân, độc lập cho Dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành niềm tự hào lớn lao của tất cả mọi người dân Việt Nam, sự hi sinh của Bác đã làm ấm lòng cha mẹ nơi suối vàng yên nghĩ, làm rạng danh quê hương, xứ sở non sông. Thời gian dù có trôi xa bao lâu đi nữa, Hồ Chí Minh mãi mãi là tấm gương vĩ đại và sáng ngời về một người con chí hiếu với gia đình, đại hiếu với Đất nước để thế hệ trẻ muôn đời sau noi theo và học tập.
Thế nhưng ngày nay, giữa nhịp sống nhộn nhịp của thời đại mới – thời đại văn minh, đời sống vật chất con người ngày được nâng cao, bên cạnh những tấm lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ được tuyên dương, lại đáng buồn thay có một bộ phận không nhỏ những đứa con thờ ơ, vô cảm, ích kỷ, ỷ lại, sống vị kỷ, bất hiếu với cha mẹ. Chữ Hiếu dường như đang bị xói mòn bởi chủ nghĩa thực dụng, xói mòn bởi những trò chơi vô bổ và những trào lưu xấu,….Cho nên giáo dục lòng hiếu thảo cho thế hệ trẻ hiện nay là việc làm rất cần thiết và bản thân thế hệ trẻ, các cấp có thẩm quyền và xã hội cần lưu ý thực hiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, cần nâng cao vai trò quan trọng của giáo dục gia đình. Mọi gia đình cần quan tâm để ba mẹ làm gương cho con cái trong cuộc sống, giữ tròn chữ Hiếu, nuôi dưỡng và giáo dục con trẻ lối sống có đạo lý, có tình người, không bị thiếu hụt văn hóa ứng xử, thiếu hụt sự thương yêu và biết để tâm sâu sắc đến lòng hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ. Đồng thời, cần phải lên án và phê phán các hiện tượng con cái ngược đãi cha mẹ, những hành động bất hiếu, bất lễ, bất kính, vô tâm, vô cảm, vô ơn, bội nghĩa, bỏ rơi cha mẹ lúc tuổi già, bệnh tật, thậm chí là đánh đập người thân của một bộ phận người trong xã hội hiện nay.
Thứ hai, cần bồi dưỡng, phát hiện và tuyên dương mạnh mẽ những gương điển hình về lòng hiếu thảo, có lý tưởng và lối sống trách nhiệm; tuyên duyên những bạn trẻ biết vượt lên khó khăn phát triển thành tài, biết lễ phép, chăm ngoan học giỏi, biết hi sinh đền đáp công ơn dưỡng dục sinh thành, biết quan tâm, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ lúc ốm đau, bệnh tật. Làm tốt điều này sẽ góp sức mạnh lan tỏa, giữ gìn và phát huy lòng hiếu thảo cho cộng đồng xã hội, góp phần ươm mầm và nuôi dưỡng những nhân cách cao đẹp – tương lai của đất nước như lời người xưa đã từng dạy: “Trung thần xuất thân từ người con hiếu thảo”.
Thứ ba, các nhà trường, cơ sở giáo dục ở các cấp không chỉ trang bị kiến thức mà còn phải quan tâm đến việc giáo dục nhân cách, đạo đức. Giáo dục một cách thường xuyên, sâu rộng trong học sinh – sinh viên nhận thức sâu sắc và đầy đủ về giá trị Trung - Hiếu mới gắn với giá trị văn hoá truyền thống. Đẩy mạnh việc rèn luyện, giáo dục lối sống có trách nhiệm, có ước mơ, hoài bão, khơi dậy khát vọng tiên phong, dũng cảm trong học tập, lao động, cống hiến xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, phát triển phồn vinh, hạnh phúc.
Thứ tư, đối với thế hệ trẻ phải tích cực gìn giữ, kế thừa và phát huy đạo Hiếu ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Điều này không chỉ biểu hiện qua lời nói mà bằng những hành động cụ thể, thường ngày của chúng ta đối với ông bà, cha mẹ như luôn vâng lời, ngoan ngoãn, lễ phép và nỗ lực học tập tốt, lao động, làm việc để trở thành con ngoan - trò giỏi – người lao động giỏi. Đây cũng chính là sự tiếp nối đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây của dân tộc ta, là một trong những đạo đức quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi con người.
Thứ năm, cần đẩy mạnh việc học tập, làm theo tấm gương của Bác, bồi dưỡng, giáo dục phẩm chất đạo đức “Trung với nước, Hiếu với dân” cho thế hệ trẻ theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Hiếu với dân không phải chỉ là hiếu với cha mẹ mình mà còn là hiếu với Nhân dân, với toàn Dân tộc. Thế hệ trẻ ngày nay phải xác định rõ bổn phận, trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người dân với cộng đồng, với sự nghiệp của Ðảng và dân tộc, luôn cảnh giác, đấu tranh trước các âm mưu chống phá Đảng và Nhà nước của các thế lực thù địch; sống có lý tưởng, có hoài bão, khát khao vươn tới và chinh phục những thành tựu rực rỡ; sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn gian khổ với tinh thần “đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hỏi rằng ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”.
Có thể nói rằng, Lòng hiếu thảo đã trở thành một trong những đức tính tốt đẹp và thiêng liêng trong giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam từ ngàn đời nay. Đó là chất liệu của cuộc sống và là hành trang vô giá, không thể thiếu vắng ở mỗi người, đạo đức cao quý đó đời đời luôn được tôn vinh và ngưỡng mộ. Chúng ta dù có đi đâu cũng nhớ nhà là nơi để trở về, ba mẹ là vòng tay ấm áp nhất; chúng ta dù có là ai trong cuộc đời phải nhớ giữ trọn đạo làm con, trân trọng tình cảm gia đình, hiếu lễ với tổ tiên ông bà. Hơn thế nữa, thế hệ trẻ ngày nay phải ra sức rèn đức – luyện tài để trở thành người công dân có ích cho xã hội, xứng đáng là người con của Nhân dân, của Đất nước này!
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1,2]. https://chamevidai.com/tam-long-hieu-thao-cua-chu-tich-ho-chi-minh/
[3] Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 1994-2002, Tập 5, tr 640.
[4]. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia 1994-2002, tập 7, tr 60.
[5]. https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/loi-bac-day-nam-xua/dan-ta-phai-giu-nuoc-ta-dan-la-con-nuoc-nuoc-la-me-chung-558783.
[6]. Biên niên tiểu sử. Nxb Chính trị quốc gia, 2006, tập 1.
[7]. Sử dụng tư liệu của Ca dao tục ngữ Việt Nam.
Ngọc Liên