Trong cuộc đấu tranh cách mạng, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng luôn mang trong mình bản chất tiên phong của giai cấp. Mặc dù đế quốc, phong kiến đàn áp khốc liệt, lớp này ngã xuống, lớp khác tiếp bước tiến lên. Chính vì thế, 15 năm Đảng lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền là 15 năm rèn luyện bản chất giai cấp công nhân của Đảng, thể hiện qua hoạt động của đội ngũ cán bộ đảng viên trung kiên. Những lớp đảng viên cộng sản như: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Phong Sắc, Lê Mao… dù phải “gươm kề cổ, súng kề vai”, thậm chí phải hi sinh thân mình, vẫn luôn tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng, luôn tin tưởng vào sự bất diệt của Đảng. Hàng nghìn đảng viên khác, dù hoàn cảnh lao tù, đày ải, kẻ thù vẫn không thể giết chết được niềm tin, lý tưởng ở họ, không những thế, lý tưởng cộng sản còn được biểu hiện sáng chói trong hoàn cảnh lao tù ngục tối, có tác dụng thức tỉnh bao người yêu nước và người theo các đảng phái chính trị khác. Không phải ngẫu nhiên mà hàng nghìn tù nhân cộng sản, sau khi ra tù, đều tiếp tục hoạt động theo con đường đã chọn. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều đảng viên Quốc dân Đảng, anh hùng cá nhân có thừa nhưng sau khi ở Côn Đảo về, hay được thả ra từ các nhà lao, nhà đày nơi rừng thiêng nước độc Buôn Ma Thuột, Lao Bảo, Kon Tum, Sơn La… trừ một số ít chuyển sang lập trường cộng sản, còn đa số đều an phận thủ thường chấm dứt hoạt động.
Lịch sử đã chứng kiến bao cuộc vượt ngục, trở về hoạt động của những chiến sĩ cộng sản làm cho thực dân Pháp, khi nhắc đến tinh thần cộng sản đều phải lắc đầu lè lưỡi.
Ở một nước nông nghiệp như Việt Nam, nông dân chiếm tuyệt đại đa số, do đó thành phần đảng viên xuất thân từ giai cấp công nhân trong Đảng chiếm số ít là tất yếu. Nhưng không vì thế mà Đảng mất đi đường lối giai cấp, mất đi bản chất giai cấp công nhân. Về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nêu rõ: “Có người nói: giai cấp công nhân Việt Nam số người còn ít, không lãnh đạo được cách mạng”. “Nói vậy không đúng. Lãnh đạo được hay không, là do đặc tính cách mạng, chứ không phải do số người nhiều ít của giai cấp”1. Chính vì thế, trong công tác phát triển Đảng, Đảng ta luôn chú ý thực hiện lời giáo huấn của Mác: những người ở giai cấp khác muốn vào Đảng cộng sản phải được giáo dục bồi dưỡng cho họ giác ngộ xã hội chủ nghĩa, cho họ nhận thức được sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, suốt đời phấn đấu cho lý tưởng cộng sản chủ nghĩa. Do đó, thời kỳ thành lập Đảng và những năm sau đó, Đảng chủ trương “vô sản hóa”, giáo dục rèn luyện đảng viên trong môi trường công nhân, công nghiệp, trong các nhà máy, xí nghiệp, công xưởng đồng thời đặt trọng tâm phát triển Đảng vào giai cấp công nhân. Năm 1945, khi tổng khởi nghĩa giành chính quyền, cả nước có khoảng trên 3000 đảng viên, trong đó đảng viên xuất thân từ công nhân chiếm 25%, nông dân 70%, còn lại là các giai cấp, tầng lớp khác. Do đó, bên cạnh việc rèn luyện, giáo dục đảng viên theo lập trường giai cấp công nhân, Đảng luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ Đảng theo hướng tăng cường thành phần công nhân trong các cơ quan lãnh đạo từ Trung ương xuống cơ sở. Đó cũng là một vấn đề đảm bảo cho việc giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng.
Bên cạnh công tác tổ chức, công tác tuyên truyền cũng luôn được Đảng ta chú ý nhằm tuyên truyền sâu rộng chủ nghĩa cộng sản, mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 3/1931) đề ra Nghị quyết về công tác tuyên truyền cổ động. Đảng đã sớm ra những tờ báo Tranh đấu, Tạp chí đỏ (8/1930), Tạp chí Cờ vô sản (2/1931), Tạp chí Bônsơvích của Ban Chỉ huy ở ngoài (3/1934), đặc biệt, đến cao trào cách mạng giải phóng dân tộc 1939-1945, Đảng ta coi công tác báo chí là một công tác cực kỳ quan trọng đối với việc tuyên truyền thực hiện đường lối cách mạng của Đảng. Những tờ báo như Tạp chí Cộng sản (1941, 1943), báo Cờ giải phóng và nhiều tờ báo khác của các liên tỉnh ủy, tỉnh ủy đã trở thành vũ khí sắc bén của Đảng trên mặt trận chính trị, tư tưởng, góp phần tuyên truyền, phổ biến đường lối chính sách của Đảng, đấu tranh chống những khuynh hướng tư tưởng và hành động sai lầm trái với bản chất giai cấp công nhân, quan điểm lập trường giai cấp công nhân của Đảng, góp phần vào thắng lợi rực rỡ của Cách mạng Tháng Tám.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 (Ảnh tư liệu)
2. Thời kỳ Đảng lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1975)
Đây là thời kỳ Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Bản chất giai cấp công nhân của Đảng thời kỳ này tiếp tục được thể hiện rõ nét và có những điểm khác so với thời kỳ trước.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, do lúc đầu thiếu cán bộ, thiếu đảng viên nên Đảng cộng sản Đông Dương chủ trương phát triển Đảng thành một “Đảng quần chúng”, “Đảng hàng triệu người”. Chủ trương đó, dẫn đến việc kết nạp Đảng ồ ạt, số lượng đảng viên tăng vọt từ 20.000 đồng chí cuối năm 1946 lên trên 700.000 đồng chí cuối năm 1950. Có những chi bộ ở Liên khu V có tới 1800 đảng viên, vào Đảng theo kiểu “đánh trống ghi tên”. Lẽ dĩ nhiên là trình độ mọi mặt, trong đó đáng chú ý nhất là trình độ giác ngộ giai cấp, lý tưởng của đảng viên rất thấp. Do đó, từ cuối năm 1950, Đảng chủ trương tạm ngừng kết nạp Đảng, đi vào củng cố tổ chức, nâng cao trình độ giác ngộ lý luận cho đảng viên, đảm bảo tính tiên phong gương mẫu của đảng viên, không chệch hướng mục tiêu lý tưởng và hoạt động của Đảng.
Tháng 02/1951, trước tình hình mới của thế giới và trong nước, Đảng ta ra công khai với tên gọi Đảng Lao động Việt Nam. Điều đó không tránh khỏi xuất hiện những lo âu, băn khoăn, thắc mắc trong cán bộ đảng viên. Trung ương Đảng ta khẳng định, mặc dù lấy tên mới, nhưng Đảng Lao động Việt Nam về bản chất giai cấp vẫn là bản chất giai cấp công nhân, Đảng vẫn rèn luyện, phấn đấu theo lập trường quan điểm của giai cấp công nhân, lấy chủ nghĩa Mác- Lênin làm cơ sở tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động, thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa, trước mắt là đưa sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc đến thắng lợi.
Cũng như vậy, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta có sách lược thành lập Đảng Nhân dân cách mạng miền Nam (tháng 01/1962), trên danh nghĩa là Đảng cách mạng yêu nước của nhân dân miền Nam, nhưng trên thực tế đó là bộ phận của Đảng Lao động Việt Nam, tham gia vào Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và lãnh đạo Mặt trận hoạt động theo chủ trương, đường lối của Trung ương Đảng.
Về đường lối, trong thời kỳ này Đảng ta có hai Đại hội, lần thứ II (tháng 2/1951) và lần thứ III ( 9/1960). Các văn kiện Đại hội II của Đảng đều khẳng định nhiệm vụ đưa kháng chiến tới thắng lợi và xây dựng chủ nghĩa xã hội tức là luôn gắn độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, coi đó là ngọn cờ dẫn đường cho cách mạng Việt Nam tiến lên.
Chính cương Đảng Lao động Việt Nam xác định “Cách mạng Việt Nam không thể đi con đường nào khác ngoài con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội”[1]. Điều lệ Đảng Lao động Việt Nam khẳng định: “Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam. Mục đích của Đảng là phát triển chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”[2].
Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng, tháng 2/1951 (Ảnh tư liệu)
Trong Báo cáo chính trị trình Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Đảng Lao động Việt Nam.
Về thành phần, Đảng Lao động Việt Nam sẽ kết nạp những công nhân, nông dân, lao động trí óc thật hăng hái, thật giác ngộ cách mạng.
Về lý luận, Đảng Lao động Việt Nam theo chủ nghĩa Mác- Lênin.
Về tổ chức, Đảng Lao động Việt Nam theo chế độ dân chủ tập trung.
Về kỷ luật, Đảng Lao động Việt Nam phải có kỷ luật sắt, đồng thời là kỷ luật tự giác.
Về luật phát triển, Đảng Lao động Việt Nam dùng lối phê bình và tự phê bình để giáo dục đảng viên, giáo dục quần chúng.
Về mục đích trước mắt, Đảng Lao động Việt Nam đoàn kết và lãnh đạo toàn dân kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn, tranh lại thống nhất và độc lập hoàn toàn; lãnh đạo toàn dân thực hiện dân chủ mới, xây dựng điều kiện để tiến đến chủ nghĩa xã hội”[3].
Với đường lối cách mạng đúng đắn, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện đến thắng lợi.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9/1960) xác định :
“Nhiệm vụ chung của cách mạng Việt Nam hiện nay là: tăng cường đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh giữ vững hòa bình, đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đồng thời đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, thiết thực góp phần tăng cường phe xã hội chủ nghĩa và bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á và thế giới”[4]. Điều lệ Đảng thông qua tại Đại hội ghi rõ: “ĐẢNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM là Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam , là đội tiền phong có tổ chức và là tổ chức cao nhất của giai cấp công nhân…Đảng đại biểu quyền lợi của giai cấp công nhân… nhân dân lao động và quyền lợi của dân tộc. Mục đích của Đảng là hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam”[5].
1 . Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr. 212.
[1] . Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t.12, tr. 434-435.
[2] . Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.12, tr 444.
[3] . Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.12, tr 37.
[4] . Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 21, tr 918.
[5] . Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 21, tr 777.