Đánh giá về kết quả sản xuất nông nghiệp thời gian qua, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) cho rằng, nông nghiệp nước ta tiếp tục thể hiện rõ vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, không chỉ bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm mà còn khẳng định vị trí là nước xuất khẩu nông nghiệp khá trong khu vực. Tuy nhiên, theo đại biểu Lê Thị Thanh Lam, cử tri, nhân dân vẫn rất lo ngại và luôn trăn trở về tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng kém chất lượng, giá thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao. Trong khi đó, một số loại nông sản, hàng hóa sản xuất ra tiêu thụ khó khăn, bán với giá rất thấp hoặc lỗ, từ đó làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người nông dân. Vì vậy, cần có giải pháp tốt hơn, hữu hiệu hơn để giải quyết tình trạng này và có chính sách hỗ trợ kịp thời cho lĩnh vực nông nghiệp, giúp giảm gánh nặng cho nông dân.
Quy trình sản xuất nghiêm ngặt từ khâu nhập nguyên liệu cho đến chế biến thanh long xuất khẩu. Ảnh: TTXVN |
Để không còn điệp khúc “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa”, cần quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp cụ thể gắn với sản phẩm thế mạnh nhằm bảo đảm đầu ra tốt hơn cho nông sản. Quy hoạch nông nghiệp đồng bộ cần nằm trong tổng thể quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng. Tập trung nguồn lực cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trên các lĩnh vực, trong đó có doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, để sớm tháo gỡ vướng mắc, đặc biệt là các thủ tục hành chính gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp. Qua đó giúp nông dân nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy tiêu thụ nông sản.
Một giải pháp khác để phát triển nông nghiệp bền vững cũng được đại biểu Quốc hội nêu lên đó là cần tạo điều kiện đẩy mạnh nền nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp giá trị cao, thân thiện với môi trường. Hiện nay, nông nghiệp xanh cũng là xu hướng được nhiều nước trên thế giới hướng đến với mục đích vừa bảo đảm an toàn cho sản xuất và người tiêu dùng, vừa giảm ô nhiễm môi trường, góp sức vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Để xây dựng được nền nông nghiệp xanh đòi hỏi đầu tư cho ứng dụng công nghệ cao, đổi mới quy trình sản xuất, tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng nông sản. Cùng với đó, cũng cần tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng các trung tâm chế biến nông sản để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông liên vùng, nội vùng nhằm bảo đảm phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng miền, địa phương trên cả nước. Đồng thời cần gắn kết chặt chẽ công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng sinh thái.
Nguồn QĐND