Tín hiệu đáng mừng
Theo Tổng cục Thống kê, tháng 1-2022, cả nước có 13 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký hơn 192,3 nghìn tỷ đồng; tăng 15,9% về số doanh nghiệp, tăng 22,6% về vốn đăng ký so với tháng 12-2021; tăng 28,9% về số doanh nghiệp, tăng 24% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021. Nếu tính cả 343,8 nghìn tỷ đồng vốn tăng thêm của 5,6 nghìn doanh nghiệp tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong tháng 1-2022 là 536,1 nghìn tỷ đồng, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó, còn có 19,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 352,8% so với tháng 12-2021 và tăng 194% so với cùng kỳ năm 2021), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tháng 1-2022 lên 32,1 nghìn đơn vị, tăng 93,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Đây là kết quả khả quan, tiếp đà phục hồi, bứt phá từ cuối năm 2021. Năm qua, sự trợ giúp liên tục và hiệu quả của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tạo nền tảng cho sự phục hồi của doanh nghiệp. Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương) Nguyễn Minh Thảo cho rằng, việc chuyển đổi phương thức chống dịch Covid-19, cùng các chính sách tài khóa, tiền tệ đã giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội. Cùng với đó, dư địa cho cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian tuân thủ cho doanh nghiệp vẫn còn nhiều và tiếp tục được tận dụng tối đa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ra đời, phát triển.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất nhập khẩu Vinapro (Hà Nội) Tạ Ngọc Hùng xác nhận, các cơ quan chức năng đã chủ động tháo gỡ khó khăn, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Từ góc độ địa phương, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành tập trung rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai nhằm thúc đẩy đầu tư. Tổng cộng 61 thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa, cắt giảm thời gian thực hiện 30-50% theo quy định (chiếm tỷ lệ 67% tổng số thủ tục hành chính được rà soát). Thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất giảm còn 5-10 ngày; thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giảm từ 30 ngày xuống còn 14 ngày... Trong khi đó, ngành Thuế Thủ đô đã tích hợp 150 thủ tục lên Cổng dịch vụ công quốc gia, góp phần công khai, minh bạch thông tin, giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Chủ động vào cuộc
Ở thời điểm đầu năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022. Mục tiêu là cải thiện chất lượng, nâng cao thứ hạng các chỉ số môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh đồng bộ với cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Cụ thể như nâng điểm số và duy trì thứ hạng Chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật; nâng xếp hạng Chỉ số kiểm soát tham nhũng lên 10 bậc; nâng xếp hạng Chỉ số chất lượng quản lý hành chính đất đai lên ít nhất 1 bậc; nâng xếp hạng Chỉ số vốn hóa thị trường chứng khoán lên 2-3 bậc; nâng xếp hạng Chỉ số tăng trưởng về doanh nghiệp đổi mới sáng tạo lên 2-3 bậc... Trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mới được ban hành, Chính phủ cũng đề ra nhiều giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động.
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành kế hoạch hành động, với mục tiêu là tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp. Bộ cũng sẽ rà soát ngành nghề đầu tư, kinh doanh, kiến nghị các phương án dỡ bỏ rào cản, quy định chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý. "Việc đơn giản hóa quy định kinh doanh sẽ gắn với phân cấp, trao quyền cho địa phương và tăng cường kiểm tra, giám sát", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Tương tự, Bộ Tài chính cũng tập trung rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh, tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính, số hóa kết quả giải quyết thủ tục… Các hoạt động trên được lồng ghép vào mục tiêu đến năm 2025 có tối thiểu 80% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4. Trong đó, ít nhất 80% thủ tục hành chính được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Tại Hà Nội, theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Văn Quân, năm 2022, thành phố tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới và tích hợp các dịch vụ tiện ích trong quy trình thủ tục đăng ký kinh doanh; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp; nâng chất lượng giải quyết thủ tục hành chính về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, quy hoạch, xây dựng, đất đai...
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhận xét, cơ quan chức năng đang chủ động vào cuộc, tranh thủ thời gian để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Hy vọng, sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt sẽ tạo điều kiện tốt, thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, tạo bứt phá mạnh mẽ trong năm 2022.
Theo Hanoimoi.com.vn