Đây là vấn đề đang được nhấn mạnh tại Kỳ họp Quốc hội đang diễn ra - kỳ họp tập trung nhiều cho việc xây dựng thể chế với nhiều dự án luật tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước đã xác định chủ trương xây dựng luật phải theo hướng quy định nguyên tắc, phân cấp, phân quyền, giải quyết tận gốc câu chuyện “ôm đồm” quyền lực quá nhiều ở một số địa chỉ, bộ phận, gây ra nhiều điểm nghẽn trong vận hành và phát triển… Khi thảo luận về các Dự án Luật, nhiều ý kiến cũng đề cập đến việc thay đổi tư duy xây dựng pháp luật, không chỉ tập trung vào quản lý, mà phải vừa quản lý vừa kiến tạo cho phát triển. Quy định pháp luật phải tạo động lực, không gian mới và khơi thông điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực cho phát triển; chuyển từ phương thức tiền kiểm sang hậu kiểm và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.
Phân cấp, ủy quyền cũng đang là xu hướng chung trên thế giới, càng phát triển, càng đòi hỏi phân cấp nhiều hơn. Với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", T.Ư, Chính phủ, Quốc hội tăng cường hoàn thiện thể chế, giữ vai trò kiến tạo và tăng kiểm tra, giám sát, việc phân cấp, phân quyền một cách mạnh mẽ sẽ giúp cải cách tối đa thủ tục hành chính, giảm chi phí, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và DN. Có thể nói, khi việc phân cấp, phân quyền giữa T.Ư, địa phương được thể hiện rõ ràng bằng luật định, sẽ phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, từng bước thực hiện nguyên tắc tự quản địa phương. Đồng thời, mức độ hoàn thiện thể chế về phân cấp, ủy quyền cũng phản ánh sự thông suốt trong vận hành bộ máy công quyền, hiệu quả và tính tối ưu trong sử dụng nguồn lực cho phát triển.
Từ thực tiễn cũng cho thấy, một số địa phương, đơn vị đã làm tốt việc phân cấp, ủy quyền, giảm đầu mối, tầng nấc xử lý các nhiệm vụ, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu chính đáng của người dân, DN. Với nguyên tắc việc nào, cấp nào sát thực tế, giải quyết kịp thời, phục vụ tốt hơn yêu cầu của tổ chức và người dân thì giao cấp đó thực hiện; việc bóc tách các nhiệm vụ, phân cấp, ủy quyền một cách triệt để còn tránh được việc đùn đẩy trách nhiệm giữa các bộ phận hay các cấp, gây ra ách tắc, giúp chính sách được thực thi nhanh chóng, chính xác. Do đó, đây thực sự là yêu cầu bức thiết đặt ra ngay từ kiến tạo thể chế, bởi khi nhiệm vụ được giao không tương xứng với thẩm quyền giải quyết, dẫn đến hiệu quả công việc thấp, không sử dụng hết, thậm chí lãng phí nguồn lực. Ngược lại, thẩm quyền không phù hợp với nhiệm vụ, dẫn đến chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm.
Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn, việc tháo điểm nghẽn thể chế đóng vai trò quan trọng trong việc khơi thông tất cả các điểm nghẽn khác. Vì vậy, xây dựng pháp luật rõ ràng, mạch lạc, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ áp dụng, không đưa thông tư, nghị định vào luật và cũng không viết chung chung theo kiểu nghị quyết vẫn tiếp tục là yêu cầu đặt ra. Cùng với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, việc đổi mới trong xây dựng pháp luật còn kiên quyết từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm", giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực. Tinh thần này cần được quán triệt và lan tỏa ở các cấp, ngành, đơn vị để thể chế thực sự là động lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Theo Kinh tế và Đô thị