Trước đó, trên cơ sở đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động trước đại dịch Covid-19 vào hôm 1/7. Tổng trị giá gói hỗ trợ vào khoảng 26.000 tỷ đồng.
Chính sách kịp thời
Ngay khi thông tin mới được công bố, nhiều người dân ở Hà Nội, đặc biệt là những người lao động tự do rất phấn khởi trước thông tin về gói hỗ trợ này.
Làm nghề lái xe ba gác gần 10 năm, ông Ngô Doãn Lực (69 tuổi, trú tại Hà Nội) cho biết: "Tôi là thương binh nên mỗi tháng được hỗ trợ gần 3 triệu đồng. Tuy nhiên, tôi vẫn phải đi làm thêm để đủ tiền trang trải cho cuộc sống, nhưng có hôm không chạy được cuốc nào vì Covid-19".
Theo ông Ngô Doãn Lực, Chính phủ ban hành gói hỗ trợ vào thời điểm này là hợp lý. Vì dịch Covid-19 đã có những tác động lớn tới đời sống của nhóm người lao động tự do.
Tuy nhiên, ông băn khoăn vì không biết chính xác khi nào mới được nhận trợ cấp và thủ tục để khai báo hay phải chờ chính quyền địa phương xét duyệt.
Cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ trong đợt dịch thứ 4 bùng phát, quán ăn của bà Nguyễn Thị Lượng (54 tuổi, trú tại Hà Nội) tại quận Cầu Giấy phải đóng cửa hơn 2 tuần để ủng hộ quy định phòng chống dịch của thành phố.
"Tôi cũng có nghe qua thông tin những hàng ăn phải đóng cửa trong đợt dịch vừa rồi sẽ được hỗ trợ khoảng 3 triệu đồng. Tuy số tiền không quá lớn nhưng cũng là sự chia sẻ, quan tâm của Nhà nước. Chúng tôi thực sự rất đánh giá cao điều đó", chủ quán ăn tâm sự.
Với bà Nguyễn Thị Lượng, thời điểm hiện tại, những người buôn bán, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. Bà mong muốn Chính phủ sẽ triển khai nhanh gói hỗ trợ vì đây là điểm tựa để người dân vượt qua đại dịch.
Mong tránh những tiêu cực
Cùng khó khăn trong mùa Covid-19, thu nhập từ công việc thu mua sắt vụn trên các tuyến phố Hà Nội của chị Nguyễn Thị Toan (32 tuổi, quê Nam Định) cũng bị giảm đáng kể so với thời gian trước.
"Bình thường mỗi tháng trừ các khoản phí sinh hoạt, thuê trọ, tôi còn để dành được gần 5 triệu đồng. Dịch bệnh khiến hàng quán đóng cửa. Lượng sắt vụn mua trong ngày cũng ít hơn, khiến thu nhập giảm gần một nửa" - chị Nguyễn Thị Toan tâm sự.
Chị Nguyễn Thị Toan có 2 con đang trong độ tuổi ăn học. Gánh nặng tài chính khiến chị ngày càng áp lực. Hay tin về gói hỗ trợ của Chính phủ, chị rất vui và hy vọng sẽ nằm trong diện được hỗ trợ.
Đối với bà Hoàng Thị Quyến (56 tuổi, quê Hà Nội) - chủ sạp hoa quả nhỏ trong ngõ Trần Thái Tông (Cầu Giấy) - đại dịch đã khiến cuộc sống gia đình bà bị đảo lộn và khó khăn hơn rất nhiều.
"Chồng tôi chạy xe ôm nhưng dịch Covid-19, sinh viên về quê học online nên cũng không có khách mấy, nhiều tháng liền gần như không có thu nhập, mọi chi tiêu trong nhà giờ chỉ trông vào sạp hàng này. Được nhận khoản hỗ trợ từ nhà nước là niềm động viên lớn đối với chúng tôi" - bà Hoàng Thị Quyến bộc bạch.
Bên cạnh đó, bà Hoàng Thị Quyến hy vọng gói hỗ trợ sớm đến tay người dân, các địa phương sẽ không đưa ra quá nhiều thủ tục phiền hà trong thời gian tiến hành chi trả, trao cho đúng đối tượng, tránh xảy ra tiêu cực.
Theo Dân Trí