Thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025; Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh uỷ Hà Nam về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo và dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1686/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh định hướng phát triển công nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, thời gian qua, tỉnh Hà Nam đã phát huy lợi thế về quỹ đất sạch và môi trường đầu tư thuận lợi, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trở thành điểm sáng hấp dẫn dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao phát triển ngành công nghiệp, nhất là lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT), được đánh giá là một trong những địa phương có tốc độ phát triển CNHT nhanh chóng, góp phần đưa tỉnh nhà lên vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Hà Nam, đến cuối năm 2023, Hà Nam đã thu hút 370 dự án FDI từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, Hàn Quốc và Nhật Bản là hai nhà đầu tư lớn nhất, với tổng vốn đăng ký lên đến hàng tỷ USD; 247 dự án thuộc ngành CNHT trong số 560 dự án đầu tư đang còn hiệu lực tại các khu công nghiệp tỉnh (chiếm trên 44% tổng số dự án) và 34 dự án thuộc ngành CNHT trong tổng số 52 dự án có vốn nước ngoài (FDI) đăng ký đầu tư mới vào các khu công nghiệp (KCN) của Hà Nam (chiếm hơn 65% số dự án).
Tỉnh Hà Nam dành riêng Khu công nghiệp Đồng Văn III cho công nghiệp hỗ trợ
(Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn)
Tỉnh Hà Nam ưu tiên thu hút các dự án có giá trị gia tăng cao, gắn với công nghệ hiện đại và quy trình sản xuất thông minh, nhằm tham gia sâu rộng vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Danh mục được tỉnh ưu tiên là: Điện, điện tử, cơ khí lắp ráp với những sản phẩm chủ yếu là: Thiết bị điện, điện tử, hệ thống dây dẫn điện trong ô tô, xe máy; chìa khóa xe máy, máy tính, các loại linh kiện điện thoại, màn hình cảm ứng; hệ thống bán dẫn; đèn Led; điện gia dụng; lắp ráp xe máy... Trong năm 2023, giá trị các mặt hàng điện tử có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4,5 tỉ USD (tăng 91% so với năm 2022) và chiếm 56,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, trong đó, sản phẩm linh kiện, điện tử và dây điện các loại có mức tăng trưởng dương cao nhất, với mức tăng lần lượt là: 28,2% và 18,3%.
Chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm 2024, nhóm những sản phẩm công nghiệp chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 15,68% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, một số sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chủ yếu của tỉnh tăng như: Dây điện các loại tăng 38,4%; linh kiện, thiết bị điện tử tăng 26,3%; quần áo may sẵn tăng 10,5%. Để có sự phát triển mạnh mẽ, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp hỗ trợ không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng quy mô sản xuất, duy trì hoạt động hiệu quả, đạt mức tăng trưởng dương qua các năm, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 12 doanh nghiệp được tỉnh xác nhận là doanh nghiệp CNHT được ưu tiên phát triển, điển hình là các công ty TNHH: Seoul Semiconductor Vina; Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam; YKK Việt Nam; ACE Antenna; Sinfonia Microtec... Những số liệu và minh chứng trên cho thấy, số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp CNHT tại Hà Nam đang tăng nhanh và ngành công nghiệp điện tử đã, đang là ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh, đóng vai trò lớn trong xuất khẩu.
Sản xuất dây dẫn điện ô tô, xe máy tại Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam, Khu công nghiệp Thanh Liêm
(Nguồn: daibieunhandan.vn)
Chủ trương của tỉnh Hà Nam trong thời gian tới là tiếp tục đặt những bước đi vững chắc để trở thành trung tâm CNHT lớn mạnh trong khu vực, tạo những tiền đề thuận lợi để hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, đưa Hà Nam trở thành một trong những trung tâm của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước về công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu vùng đồng bằng Bắc bộ về phát triển công nghiệp. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, tỉnh tập trung phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế, đẩy mạnh các chương trình xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước để chủ động thu hút các doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững. Kết hợp hài hòa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu,chú trọng phát triển theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm công nghiệp, khai thác triệt để thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Triển khai xây dựng các công cụ quản lý môi trường mạnh mẽ như: Hệ thống thông tin quản lý môi trường, các công cụ dự báo ô nhiễm, cảnh báo sự cố, ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý, phân tích và kiểm soát ô nhiễm môi trường. Xây dựng các cơ chế, chính sách khơi thông chính sách hỗ trợ doanh nghiệp CNHT. Tập trung thu hút các dự án phát triển CNHT, công nghiệp chế biến, chế tạo, chú trọng những sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, ít ô nhiễm môi trường. Khuyến khích phát triển doanh nghiệp sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng, tuần hoàn, tái sử dụng nước thải, không xả chất thải ra môi trường, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Đặc biệt quan tâm xử lý kịp thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, duy trì thực hiện hiệu quả 10 cam kết của tỉnh đối với các nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp ngành CNHT phát triển, mở rộng quy mô hoạt động, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế bền vững của cả nước.
Chú trọng đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển CNHT, nhất là doanh nghiệp ngành điện, điện tử, cơ khí lắp ráp. Tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, xã hội đồng bộ, hiện đại và kết nối, nhất là về hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Tăng cường giám sát, thanh kiểm tra việc thi hành pháp luật về đầu tư, hoạt động và thu nộp ngân sách của doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ CNHT tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp như: Điện, cấp nước, thoát nước, xử lý rác thải, logistics, nhà ở công nhân tại các khu, cụm công nghiệp.
Nguyệt Nguyễn