Bám sát các nghị quyết, chương trình, đề án liên quan đến nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, những năm qua, Hội Nông dân tỉnh Hà Nam đã chủ động xây dựng kế hoạch, phát động phong trào thi đua “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” tới 100% cơ sở hội trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các sở, ban, ngành chuyên môn của tỉnh triển khai các chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn; tích cực lồng ghép các phong trào thi đua yêu nước với nhiều phong trào như: “SXKD giỏi”, “áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất”, “Giúp nhau xoá đói giảm nghèo”, “Lập thân, Lập nghiệp”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”..., tạo khí thế thi đua sôi nổi ở tất cả các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh.
Các cấp hội nông dân ở địa phương đã xây dựng, phát triển phong trào theo hướng liên kết, hợp tác, giúp đỡ nhau trong SXKD; xây dựng nhiều mô hình kinh tế hợp tác; hình thành các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Vận động người dân đẩy mạnh áp dụng những thành tựu khoa học tiên tiến và chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong lĩnh vực nông nghiệp, coi trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường nội địa và xuất khẩu, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Mô hình trồng nho công nghệ cao của HTX nông nghiệp công nghệ cao xã Đồng Du, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
(Ảnh: Đức Thịnh)
Nhiều chương trình thiết thực được triển khai nhằm thúc đẩy liên kết, chia sẻ kinh nghiệm giữa các hộ nông dân SXKD giỏi, các mô hình SXKD, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thông tin sản xuất và tìm kiếm thị trường; hỗ trợ phong trào nông dân khởi nghiệp và giúp đỡ phát triển sản xuất như: mở 230 lớp dạy nghề cho 11.518 hội viên nông dân; tư vấn việc làm trong nước và nước ngoài cho 46.999 người, tổ chức 861 buổi tư vấn, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 184.957 lượt hội viên tham gia; giới thiệu việc làm trong nước cho hơn 11.000 người...
Khai thác có hiệu quả nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, giúp hơn 14.000 hộ nông dân vay với số tiền trên 800 tỷ đồng phục vụ mục đích SXKD của người dân; hỗ trợ về giống, vốn, kinh nghiệm sản xuất cho hơn 4.000 hộ nông dân; tạo việc làm tại chỗ cho hơn 80 nghìn lao động, trong đó khoảng 60.000 lao động có việc làm thường xuyên; giúp đỡ vốn, giống cây, con và kinh nghiệm sản xuất cho trên 10.000 lượt hộ nông dân và giúp hơn 5.000 hộ nông dân thoát nghèo vươn lên có cuộc sống khá. Các cấp hội nông dân trong tỉnh còn vận động và xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân với tổng nguồn vốn khoảng 30 tỷ đồng, giúp hơn 1000 hội viên nông dân vay phát triển kinh tế trang trại, gia trại.
Với những nỗ lực đó, phong trào “Nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh Hà Nam được duy trì và phát triển cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả kinh tế, lan tỏa rộng khắp, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Số lượng hội viên đạt danh hiệu SXKD giỏi điển hình hằng năm của tỉnh xuất hiện nhiều, trở thành những hạt nhân có uy tín trong cộng đồng dân cư, tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước và các phong trào khác của địa phương. Giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 300.000 lượt hộ nông dân được công nhận SXKD giỏi; 105 hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh có thành tích xuất sắc trong phong trào "Nông dân thi đua SXKD giỏi" đã được UBND tỉnh, Hội Nông dân tỉnh khen thưởng.
Nông dân huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam thu hoạch sen
(nguồn: baohanam.com.vn)
Để đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa hiệu quả phong trào “nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, thời gian tới, tỉnh cần thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, các mô hình SXKD giỏi điển hình, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân về phát triển kinh tế; khích lệ, động viên nông dân thay đổi nếp nghĩ, quyết tâm vượt khó, tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh về vốn, lao động, đất đai để đầu tư cho phát triển sản xuất.
Thứ hai, xây dựng các mô hình SXKD mới, phát huy mô hình câu lạc bộ nông dân SXKD giỏi, nhân rộng cách làm hiệu quả; bồi dưỡng, phát triển những nhân tố khởi nghiệp sáng tạo để họ thực sự là nòng cốt ở các phong tràoo thi đua yêu nước.
Thứ ba, tổ chức tốt các hoạt động tư vấn, hỗ trợ dịch vụ cho nông dân; nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ; đẩy mạnh hơn nữa việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, cơ cấu cây trồng vật nuôi, vận động nông dân tích cực tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng nhất là thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương, phấn đấu đưa phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi trong toàn tỉnh có bước phát triển mới về chất, góp phần thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Nguyệt Nguyễn