Bỏ giấy phép thi người đẹp, người mẫu?
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện nêu nhiều vướng mắc của nghị định hiện hành về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Một trong số đó là biện pháp quản lý tác phẩm âm nhạc, sân khấu còn nhiều bất cập dẫn đến các tác động tiêu cực từ dư luận trong hoạt động công vụ của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Theo tờ trình, so với quy định hiện nay, dự thảo Nghị định đã cắt giảm 5/10 thủ tục hành chính bao gồm: cấp giấy phép cho người nước ngoài biểu diễn nghệ thuật tại Việt Nam; cấp giấy phép cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài biểu diễn nghệ thuật tại Việt Nam; cấp giấy phép cho cá nhân, tổ chức Việt Nam ra nước ngoài biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; cấp giấy phép tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu; cấp giấy phép phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu.
Người đứng đầu ngành văn hoá giải thích lý do thực hiện thêm một bước cắt giảm thủ tục cấp giấy phép cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài biểu diễn nghệ thuật tại Việt Nam vì nhận thấy đối tượng này đã được điều chỉnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú, pháp luật về lao động.
Đánh giá cao quan điểm cắt bỏ thủ tục, các loại giấy phép nhưng Chủ nhiệm UB Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhận xét, một số nội dung cắt giấy phép thì lại chuyển sang văn bản chấp thuận, về cơ bản vẫn giữ điều kiện cũ, chưa đổi mới triệt để.
Theo nhận xét của Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thì thời gian qua hoạt động biểu diễn diễn ra khá sôi động, rất nhiều trái ngọt nhưng không thiếu trái đắng, nên cần nhìn nhận thấu đáo.
“Nghệ thuật phản ánh thời cuộc, vị nhân sinh nhưng rõ ràng vừa qua không thiếu hoạt động biểu diễn lệch lạc, không phục vụ mục tiêu gì, làm méo mó cuộc sống, khiến người có nhận thức tốt cảm thấy đau lòng” - ông Hiển nói.
Thi “chui” xuất phát từ quản lý kém, độc quyền, trục lợi
Một vấn đề được Chính phủ tách riêng xin ý kiến là quy định quản lý hoạt động tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu.
Theo quy định hiện hành mỗi năm, Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch chỉ cấp phép cho 2 cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia. Các cuộc thi có yếu tố nước ngoài thì không quy định cụ thể nên tùy theo tính chất từng cuộc thi mà Bộ sẽ quyết định cấp phép. Các cuộc thi người đẹp vùng, ngành, đoàn thể Trung ương do Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp giấy phép và mỗi năm tổ chức không quá 3 lần. Cuộc thi người đẹp cấp tỉnh do UBND tỉnh cấp giấy phép và mỗi năm tổ chức không quá 1 lần.
Dự thảo Nghị định mới không quy định số lượng cuộc thi người đẹp, người mẫu trong năm, thay vào đó, chỉ cần đáp ứng quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan.
Do còn ý kiến khác nhau nên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã báo cáo xin ý kiến thành viên Chính phủ hai phương án.
Phương án 1, Bộ Văn hóa, Thể thao &Du lịch quy định điều kiện để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý hoạt động tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu theo địa bàn.
Phương án này được dẫn giải là nhằm cắt giảm thủ tục hành chính, bảo đảm nội dung quản lý nhà nước vừa hạn chế những tiêu cực, bất cập như hiện nay.
Phương án 2 là tiếp tục quản lý theo hình thức hạn chế số lượng cuộc thi người đẹp, người mẫu trong một năm.
Phương án này, theo cơ quan soạn thảo, có thể kiểm soát được số lượng các cuộc thi người đẹp, người mẫu. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho rằng, việc kiểm soát số lượng các cuộc thi người đẹp, người mẫu chưa hợp lý với mục tiêu quản lý, dễ tạo cơ chế xin cho hoặc tổ chức “chui” như hiện nay. Các doanh nghiệp luôn tìm cách xin Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cấp phép nhằm tạo thuận lợi trong việc kêu gọi tài trợ, bảo hộ độc quyền và trục lợi từ danh hiệu của cuộc thi người đẹp, người mẫu.
Kết quả xin ý kiến có 20/23 Thành viên Chính phủ chọn phương án 1, có 3/23 thành viên chọn phương án 2 và 2 người có thêm ý kiến khác.
Nghiêng về quan điểm của số ít thành viên Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng có sự lợi dụng trong các cuộc thi người đẹp thời gian qua.
"Không có cuộc thi người đẹp nào mà không có lùm xùm, quan điểm của tôi là nên kiểm soát chặt chẽ, không nên phân cấp thêm cho địa phương nữa" - ông Hiển phát biểu.
Phương Thảo/Dân Trí