Kịp thời phát hiện, ngăn chặn khai thác thủy sản bất hợp pháp
Từ 19/10, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang kiểm tra thực tế tình hình khắc phục cảnh báo "thẻ vàng" về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Một trong những khuyến nghị từ phía EC đối với Việt Nam để chống khai thác IUU ngay từ đầu đó là việc theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, quản lý đội tàu. Đây cũng là nhiệm vụ ưu tiên được các lực lượng thực thi trên biển và cả đất liền gồm Cảnh sát biển, Hải quân, Kiểm ngư, Bộ đội biên phòng, Công an triển khai sát sao trong suốt 5 năm qua nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trên biển về khai thác thủy sản bất hợp pháp.
Với lực lượng Cảnh sát biển, lực lượng thường xuyên duy trì từ 13 - 15 tàu thực hiện nhiệm vụ trực, tuần tra, kiểm soát chống khai thác IUU trên các vùng biển, cũng như đồng hành với ngư dân, đảm bảo tuân thủ luật pháp trên biển.
Hiện, các bộ ngành, địa phương hành động quyết liệt trong tháng cao điểm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo để gỡ bằng được thẻ vàng. Đây là yêu cầu của Bộ NN& PTNT đối với 28 tỉnh, thành ven biển.
Các bộ ngành, địa phương hành động quyết liệt trong tháng cao điểm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo để gỡ bằng được thẻ vàng
Bộ cũng đã có đề nghị các tỉnh, thành ven biển lập báo cáo kết quả chống khai thác IUU. Tổng cục Thủy sản đánh giá các tỉnh Quảng Ngãi, Tiền Giang, Khánh Hòa đã làm tốt, từ đó giảm đáng kể các vụ tàu cá vi phạm. Những địa phương có tỷ lệ lắp thiết bị định vị VMS cao, trên 95% bao gồm Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế, Cà Mau, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Thuận, Bến Tre, Sóc Trăng. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng ngắt kết nối hành trình trên tàu, gây khó khăn cho công tác quản lý, rà soát tàu cá.
Lần này EC không chỉ kiểm tra tàu cá và khả năng giám sát nguồn gốc thủy hải sản đánh bắt mà phía EC sẽ còn quan tâm cả những sản lượng hải sản từ tàu nước ngoài đưa về Việt Nam qua cảng biển. Hiện 125 cảng cá tại 28 tỉnh, thành phố ven biển mới chỉ kiểm soát được 20-30% sản lượng thủy sản lên bến. Với tàu cá có 2 nội dung quan trọng đó là hệ thống giám sát, quản lý đội tàu và ngăn chặn đánh bắt bất hợp pháp không báo cáo không theo quy định.
Dù chỉ còn 1 tàu vi phạm, EC cũng không gỡ thẻ vàng
Ngăn chặn tình trạng đánh bắt IUU là vấn đề cấp bách. Do vậy, lập danh sách những tàu cá có nguy cơ vi phạm IUU cao để giám sát, quản lý là một trong những giải pháp đang được nhiều địa phương triển khai.
Hệ thống giám sát hoạt động tàu cá
Dù chỉ còn 1 tàu vi phạm thì EC cũng không gỡ thẻ vàng. Nếu vẫn còn các tàu cá vi phạm đánh bắt trái phép đây thậm chí còn là nguy cơ EC áp dụng thẻ đỏ. Do vậy, các lực lượng thực thi trên biển cùng hiệp hội nghề cá nhiều địa phương đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt.
Theo kinh nghiệm từ 15 quốc gia đã gỡ được thẻ vàng, gần như họ phải thay đổi tư duy đánh bắt trách nhiệm, thay đổi thể chế quản lý, kết hợp truy suất điện tử và tăng cường xử phạt.
Nếu không xóa được "thẻ vàng" thì sản phẩm khai thác của ngư dân sẽ gặp rất nhiều rào cản trong xuất khẩu, không chỉ ở châu Âu mà còn cả các thị trường khác trên thế giới.
Khi đó ngư dân sẽ là người chịu thiệt thòi trước tiên. Xuất khẩu thủy sản sang EU chiếm khoảng 11-12% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta, tức là quy mô thị trường lên tới hàng tỷ đô. Đó là nguồn sinh kế của hơn 5 triệu lao động bám biển để mưu sinh từ bao đời nay.
Không ai hay cơ quan chức năng nào cả ngoài chính những ngư dân sẽ là yếu tố quyết định về mưu sinh bền vững của chính họ trên biển.
Chương trình Vấn đề hôm nay có sự tham gia của Đại tá Hà Quốc Cường, Trưởng phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị Cảnh sát biển để có cái nhìn cụ thể thể hơn từ góc nhìn lực lượng chấp pháp trên biển về việc kiểm soát chống khai thác IUU.
Nguồn VTV