Trăn trở trước khát vọng “có đường” của người dân
Những năm 1960 của thế kỷ XX, để đến được 4 huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang, duy nhất chỉ có đường mòn đủ để người và ngựa men theo sườn vách núi đá. Phía sau cổng trời Quản Bạ, hơn 8 vạn đồng bào phải chịu cảnh nghèo đói lạc hậu, sống tách biệt với bên ngoài. Mọi việc vận chuyển chủ yếu nhờ vào sức ngựa và sức người mang vác. Nỗi vất vả, cực nhọc đó thể hiện qua câu thơ: “Quẩy tấu đè vai đè cả cuộc đời/ Dấu chân đất in trên đường vạn dặm…”. "Sống trên đá, chết vùi trong đá", đồng bào các dân tộc nơi đây vẫn ước ao có một con đường thông thương cho vùng cao nguyên đá[1]. Có con đường, không chỉ mang lại ánh sáng văn minh cho người dân mà còn xóa đi tính biệt lập làm căn cứ cho những mưu toan và hành vi đen tối của các thế lực thổ ty, chúa đất đã bao năm hà khắc trên mảnh đất này.
Sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, miền Bắc bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, với chủ trương phát triển kinh tế, văn hoá, củng cố vùng dân tộc thiểu số về mọi mặt[2], đặc biệt là không thể để vùng cao nguyên đá Hà Giang mãi biệt lập, năm 1959, Trung ương Đảng và Bác Hồ quyết định giao cho Khu tự trị Việt Bắc, Đảng bộ tỉnh Hà Giang mở đường trên cao nguyên đá.
Mở đường ở đâu, như thế nào, đó là cả sự trăn trở của Đảng bộ, chính quyền Hà Giang, nhất là đơn vị được giao trực tiếp thực hiện là Ty Giao thông Hà Giang. Người được xem là “kiến trúc sư trưởng” tuyến đường, người đã vạch nên dấu mốc trên đá cho cung đường là ông Phạm Đình Dy[3] - kỹ sư giao thông khảo sát đã xây dựng phương án mở đường. Trước khi mở tuyến, ngoài phương án mà ông Dy đưa ra với lộ trình như hiện nay, tỉnh Hà Giang cũng có mời hai chuyên gia giao thông từ châu Vân Sơn (Trung Quốc) qua khảo sát, hy vọng với kinh nghiệm của họ, sẽ có một tuyến đường ngắn hơn, dễ thi công hơn. Sau khi khảo sát, tuyến đường do chuyên gia Trung Quốc vạch ra ngắn hơn, dễ thi công hơn vì không vướng nhiều đá, nhưng tuyến này lại đi cặp sát biên giới Việt - Trung. Nhiều người cũng muốn thi công theo phương án của chuyên gia Trung Quốc cho dễ dàng và đỡ tốn kém.
Với chủ trương “mở đường là giúp cho cuộc sống người dân tốt hơn”, ông Dy đã quyết liệt bảo vệ lộ trình con đường theo phương án, bởi theo ông, đã là tuyến đường xương sống thì phải đi vào nội địa, đường phải có dân sống, đường cho dân đi chứ không thể đưa đường ra biên giới, xa cách với các vùng dân sinh. Thi công theo phương án của ông Dy, tuy xuyên qua nhiều đá, khó khăn vất vả ban đầu nhưng bù lại nền đường lại cứng hơn. Nếu làm được tuyến đường xuyên qua nền đá sẽ hạn chế được nạn sạt lở, nhất là về mùa mưa bão”[4].
Cuối cùng, đặt lợi ích người dân lên trên hết, khắc phục khó khăn, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Hà Giang quyết tâm mở đường. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, ngày 29/3/1959, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang (khóa III) họp và ra Nghị quyết đề nghị Trung ương và Khu tự trị Việt Bắc cho mở tuyến đường lên Đồng Văn. Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 10/9/1959, tại thị xã Hà Giang, Bộ Giao thông - Vận tải; Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam và tỉnh Hà Giang tổ chức lễ khởi công mở đường nối từ cầu Gạc Đì tới cao nguyên đá Đồng Văn thuộc Quốc lộ 4C đoạn từ thành phố Hà Giang đi 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh Hà Giang là các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc.
Khúc tráng ca đá núi của lực lượng thanh niên xung phong
“Đường gian khó mới là đường hạnh phúc/ Đường ta mở mới là đường sống thực/ Nên gian lao ta có kể gì…”. Đó là tâm niệm của mỗi thanh niên xung phong khi tham gia mở đường trên đá với tinh thần “Đâu cần thanh niên có/Đâu khó có thanh niên”. Để hoàn thành con đường lịch sử này, chúng ta đã phải huy động một lực lượng lớn thanh niên xung phong, gồm 1.300 người, của 6 tỉnh miền núi phía Bắc[5] và 2 tỉnh miền xuôi[6] cùng 1.000 dân công của 16 dân tộc anh em tham gia. Với bàn tay, khối óc và trí sáng tạo, trải qua 2.246.321 ngày công lao động thủ công, quên mình để mở đường, trong đó trên 1,2 triệu ngày công là do thanh niên xung phong, còn lại là lực lượng dân công với sự trợ giúp của 900.000 tấn thuốc nổ, đào đắp 2.899.638 m³ đất đá, xây dựng 42 cây cầu dài từ 5m đến 5,4m và 392 chiếc cống rộng từ 0,5m đến 2m[7], trải qua gần 6 năm gian khó và khắc nghiệt của thiên nhiên đã tạo nên một con đường nối từ Hà Giang đến Mèo Vạc - con đường dân sinh, đi qua những nơi đông dân cư để người dân vùng cao nguyên được hưởng niềm hạnh phúc.
Để có được con đường của ngày hôm nay, từng mét đường đi qua là công sức của biết bao thanh niên xung phong. Họ đã hy sinh sức trẻ, bỏ bao mồ hôi thậm chí là xương máu để hoàn thành tuyến đường. Lực lượng thanh niên xung phong đã làm nên khúc tráng ca đá núi với con đường mang tên “Hạnh Phúc”. Họ đã làm nên một kỳ tích: “Một công trường làm đường phá đá kì vĩ nhất trong lịch sử Việt Nam. Một con đường, một trang sử đá vĩ đại nhất Việt Nam. Một con đường kì vĩ nhất của thế kỷ XX”[8].
Lúc bấy giờ, dụng cụ làm việc còn rất thô sơ, họ chỉ có trong tay những chiếc búa, xà beng để làm việc. Người cậy đá, người đục, người khuân vác rất vất vả đều bằng sức người. Lán trại, nơi ăn, chốn ở đều tạm bợ bằng tranh tre nứa lá, mùa hè thì oi bức, nắng cháy sạm da, mùa đông rét thấu thịt, thấu xương… chưa kể muỗi rừng, vắt rừng đói hút máu; trong khi đó quần áo, chăn màn không đủ, thiếu nước, thiếu rau xanh; Một ngày công của họ chỉ được cấp khoảng 0,7 - 1kg gạo, cơm chủ yếu là độn ngô, khoai, sắn, thực phẩm chỉ có mắm tôm, cá mắm. Trong muôn vàn khó khăn, vất vả, thiếu thốn đó thì việc thiếu nước là nan giải và vất vả nhất trên cao nguyên đá. Mỗi người vào buổi sáng được phát một ca nước, khoảng 1 lít vừa dùng để đánh răng, vừa để rửa mặt, dùng nước vừa đánh răng, rửa mặt đó để đêm đi đục lỗ choòng. Một tuần mới được 1 ngày nghỉ để đi cả chục cây số tìm nguồn nước tắm. Thiếu nước đến nỗi, nhà thơ Xuân Diệu khi đến thăm công trường đã viết: “Rửa mặt xong nửa ca nước đổ dồn/ Chiều rửa chân tay đem ra giặt/Giữ lại hôm sau đổ lỗ choòng”[9]. Làm việc trong điều kiện khó khăn và thời tiết khắc nghiệt như vậy; lại càng khó khăn hơn khi đêm ngày bọn phỉ đến quấy nhiễu, trộm cắp… chúng còn tung tin: "Cộng sản làm đường để đàn áp dân Mèo, không cho người Mèo trồng thuốc phiện; rằng thực dân Pháp còn không làm được đường thì "Cộng sản cũng không làm được; Nếu mở được đường lên Đồng Văn thì dê đực, bò đực biết đẻ con, bọn chúng sẽ lấy đầu làm chân…”[10] hòng làm lung lay niềm tin của người dân để dân không chu cấp, đồng hành cùng lực lượng mở đường, nhằm phá hoại chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Một đoạn trên con đường Hạnh Phúc hôm nay
Với ý chí quyết tâm, thanh niên làm theo lời Bác: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”, sau hơn một năm thi công vất vả đã hoàn thành đoạn đường đầu tiên từ Hà Giang qua huyện Quản Bạ đến Tráng Kim dài 60 km, vượt qua vách đá nguy hiểm, gian nan tại km 19,21, đốc Pắc Sum quanh co, với những dốc cục bộ và vách đá cổng trời, vách đứng, vực sâu nguy hiểm. Lần đầu tiên xe vượt dốc Cổng Trời đến Tráng Kim trong niềm vui khôn xiết và đồng bào các dân tộc và niềm vui của những người lao động, những thanh niên xung phong tham gia mở đường, tạo thêm động lực, niềm tin để tiếp tục mở đường đến những vùng đá cao hơn.
Ngày 27/3/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hà Giang. Khi nghe đồng bào chia sẻ, đường mở đến đâu thì mang lại ánh sáng văn minh và ấm no cho đồng bào các dân tộc đến đó, Bác hỏi, vậy sao không đặt tên đường là đường Hạnh Phúc. Từ đó cung đường được mang tên đường “Hạnh Phúc”. Bác “khen ngợi các cháu thanh niên sáu tỉnh Việt Bắc xung phong lên đắp con đường Hà Giang - Đồng Văn. Mong các cháu thi đua hoàn thành cho thật tốt nhiệm vụ đó”[11]. Đó là hạnh phúc và động lực to lớn của những thanh niên xung phong, những chiến sĩ không mang quân hàm khi tham gia mở tuyến đường.
Khó khăn chồng chất, thiếu thốn đủ bề, nhưng với khí thế sục sôi cách mạng của tuổi trẻ, thanh niên xung phong và các lực lượng khác đã không ngại gian khổ hy sinh, quyết bám núi, bám đường, lao động miệt mài nơi rừng thiêng nước độc. Thời gian đã khẳng định ý chí của họ khi từng đoạn, từng đoạn đường được nối thông. Ô tô lần lượt qua Cổng Trời, vượt sông Tráng Kim, qua Cán Tỷ (Quản Bạ); rồi dốc 9 khoanh... ngày 9/9/1963, con đường vươn đến thị trấn Đồng Văn. Sau hơn 4 năm, tuyến đường dài 164 km đã hoàn thành trong muôn vàn gian khổ hy sinh của hàng ngàn thanh niên xung phong và sự góp sức của hàng ngàn dân công vùng cao.
Càng lên cao, đi xa thì càng gian nan vất vả! Không quản khó khăn, Ban Chỉ huy công trường, đặc biệt là Đoàn Thanh niên đã tổ chức các phong trào thi đua lập các “kiện tướng” về đục lỗ choòng, phá đá, đập đá…và thông báo khắp công trường, làm tăng thêm khí thế thi đua lao động trong mỗi đoàn viên, thanh niên. Với sức trẻ của thanh niên, nhiều sáng kiến[12] để nâng cao năng suất lao động, khắc phục khó khăn, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường.
Đoạn khó khăn nhất của tuyến đường chính là 21 km cuối, từ Đồng Văn sang Mèo Vạc, làm đường qua đèo Mã Pí Lèng - con đèo nguy hiểm nhất trên tuyến, vách đá dựng đứng, vực sâu thăm thẳm xuống tận sông Nho Quế. Người dân kể rằng, với dốc cao dựng đứng này đã khiến những con ngựa cái leo chưa đến đỉnh đã trụy thai mà chết, những con ngựa đực chưa vượt qua đèo đã phải tắt thở. Vì vậy dân địa phương đã dùng cụm từ “Mã Pí Lèng” trong tiếng Quan Hỏa, nghĩa đen là “sống mũi con ngựa”, đặt tên cho con đèo. Cái tên “Mã Pí Lèng” của con đèo đã nói lên sự hiểm trở của ngọn núi, của con đèo, với những dốc cao dựng đứng như sống mũi con ngựa.
Bảo tàng con đường Hạnh Phúc trrên đèo Mã Pí Lèng, nơi lưu giữ
lịch sử xây dựng con đường
Để hoàn thành con đường qua đèo, Ban chỉ huy công trường đã thành lập một đội cảm tử gọi là đội Cơ Dũng, với 17 người ban đầu, sau tăng lên 30 người, đem sức người nhỏ bé chọi lại sức mạnh của biển đá nghìn năm. Công trường đã đầu tư trang bị tới 2 tấn dây thừng dùng để căng theo vách núi đá, hằng ngày lực lượng công nhân trong Đội dũng cảm treo mình trên vách đá để đục lỗ choòng, phá từng tấc đá để mở đường. Trong suốt 11 tháng trời, hàng trăm thanh niên xung phong đã thay nhau treo mình trên vách đá để đục từng thớ đá, đục từng lỗ mìn, để kéo dài con đường thêm từng xăng- ti-mét. Cũng như ở chiến trường, nhiều người đã được truy điệu sống trước khi cầm choòng, cầm búa leo lên vách đá. Trên đỉnh núi đặt sẵn 11 cỗ quan tài thể hiện ý chí “quyết tử”. Mỗi sáng, các thành viên “Đội Cơ Dũng” hô to “quyết thắng” rồi vác choòng (xà beng 8 cạnh), búa, ít thuốc nổ, trèo lên vách núi. Treo mình giữa lưng chừng trời với độ cao 1.500m so với mặt biển, 50-60m so với mặt đường, dưới là vực sâu thăm thẳm hàng nghìn mét của sông Nho Quế. Đội cảm tử Cơ Dũng cần mẫn lao động như những con mối rách bám mình vào đá mà đục choòng, mà cậy từng viên đá nhỏ, nhấn từng tấc đá.
Sau gần 6 năm đầy gian nan vất vả, chỉ bằng dụng cụ thô sơ, hoàn toàn thủ công, với bàn tay, khối óc và sức lao động cần mẫn, kiên cường, ngày 15/3/1965 đã chính thức khai thông tuyến đường từ Hà Giang lên Đồng Văn và sang Mèo Vạc với chiều dài 185 km. Trong gần 6 năm thi công tuyến đường, 14 thanh niên xung phong đã hy sinh, nằm lại trên cao nguyên đá, để đồng bào các dân tộc trên miền cao nguyên đá dược hưởng niềm hạnh phúc, ấm no[13].
“Ai chưa đến công trường, hãy đến thăm một lần cho biết/ Đến mà xem tận mặt những anh hùng thanh niên”[14] - lớp lớp thanh niên xung phong với dụng cụ thô sơ đã góp sức làm nên con đường huyền thoại. Thành quả này là công sức, máu xương của hàng vạn thanh niên xung phong, dân công và đồng bào các dân tộc khu Cao-Bắc-Lạng, Hà-Tuyên-Thái và các tỉnh Hải Hưng, Nam Định; nhiều người đã hy sinh, mãi mãi nằm lại với cao nguyên đá. Con đường Hạnh Phúc đã giúp các huyện vùng cao phía Bắc rút ngắn khoảng cách với trung tâm tỉnh và miền xuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho Hà Giang phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc trong những năm kháng chiến chống Mỹ.
“Con đường Hạnh Phúc có rất nhiều công sức của thanh niên xung phong, nhưng không thể không nhắc đến công của đồng bào các dân tộc ở Hà Giang. Thành công vĩ đại thuộc về nhân dân, không thuộc về riêng ai cả”[15].
Năm tháng đã qua đi, nhưng Con đường Hạnh Phúc mãi mãi là niềm tự hào, là biểu tượng sáng ngời của tinh thần lao động kiên cường, ý chí sắt đá, chiến thắng tự nhiên, quyết tâm xây dựng quê hương, đất nước của lực lượng thanh niên xung phong, của nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang và vùng Tây Bắc.
Mai Ngọc
[1] Trong lịch sử, khi người Pháp đặt chân đến mảnh đất Hà Giang (1900) đã từng khảo sát, từng muốn mở đường lên vùng đất này, vậy mà gần nửa thế kỷ chiếm đóng, họ vẫn không thay đổi được gì, việc tiếp tế cho các đội quân đồn trú của Pháp vẫn phải chuyển theo những con đường mòn cheo leo bằng sức người và ngựa. Năm Khải Định thứ 13 (1928), chính quyền phong kiến Nam Triều chính thức có sắc phong “Biên viễn khả phong đại thần” cho “Vua Mèo” Vương Chính Đức, sau đó Vương Chí Trung (Sình) kế vị. Hai cha con “Vua Mèo” sở hữu vựa thuốc phiện dồi dào bậc nhất Đông dương thời ấy, lại là ông chủ chợ Đồng Văn, nơi được coi là “Hồng Kông” của vùng cực Bắc Việt Nam, tiền bạc không thiếu và cũng từng ôm mộng mở đường mà đành ngậm ngùi chịu thua, để rồi mỗi lần về xuôi lại phải huy động hàng chục tráng đinh khiêng kiệu đi bộ ròng rã 3-4 ngày mới xuống được tới tỉnh lỵ Hà Giang.
[2] Đầu năm 1955, thành lập “Tiểu Ban Dân tộc” ở Trung ương dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương. Về mặt chính quyền, bộ máy dân tộc thiểu số trực thuộc với Thủ tướng Phủ và tạm thời đặt ở Ban Nội chính, để tham mưu cho Trung ương Đảng về vấn đề dân tộc và giúp Chính phủ phụ trách một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Ngày 1-2-1955, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 447/TTg, quy định cụ thể nhiệm vụ của Tiểu Ban Dân tộc. Đến năm 1959, thành lập Ủy ban Dân tộc thuộc Hội đồng Chính phủ và có quyền hạn trách nhiệm ngang Bộ “Ủy ban Dân tộc có nhiệm vụ giúp Chính phủ nghiên cứu và thực hiện chính sách dân tộc nhằm tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc theo nguyên tắc bình đẳng tương trợ và tạo điều kiện cho các dân tộc thiểu số tiến bộ mau chóng về mọi mặt theo chủ nghĩa xã hội". Ngày 6-3-1959, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 102/TTg, quy định nhiệm vụ của Ủy ban Dân tộc Chính phủ.
[3] Cựu Trưởng Ty Giao thông, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang
[4] https://dulich.tuoitre.vn/55-nam-cung-duong-hanh-phuc-tren-trap-trung-nui-da-ha-giang-20200310212032925.htm
[5] Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang.
[6] Đầu năm 1963, Trung ương Đoàn Thanh niên huy động tỉnh Nam Định: 200 người, tỉnh Hải Dương: 100 người.
[7] Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang: Những ký ức về con đường Hạnh Phúc, Công ty CP in Hà Giang, 3/2015, tr.21.
[8] Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang: Những ký ức về con đường Hạnh Phúc, Công ty CP in Hà Giang, 3/2015, tr.21.
[9] Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang: Những ký ức về con đường Hạnh Phúc, Công ty CP in Hà Giang, 3/2015, tr.16.
[10] Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang: Những ký ức về con đường Hạnh Phúc, Công ty CP in Hà Giang, 3/2015, tr.14.
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 13, tr.95.
[12] Sáng kiến kè đá khan để mở cua, họ đục đá, đẽo đá để xếp kè làm nên những cung đường, những đoạn kè cua gấp hàng trăm mét; Sáng kiến dùng bao tải gai cho hai đoạn tre làm ky khiêng đất đấ, chỗ nào có đất dùng bàn chang gỗ kéo đất, đóng xe cút kít chở đất đá đổ xuống vực, dùng nước đổ vào lỗ choòng, dùng vỏ bắp ngô luộc buộc vào choòng đục đá để tránh nước bắn lên mặt, lên người….
[13] Ngày 6/01/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 04-LCT, thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho cán bộ, công nhân và dân công công trường làm đường Đồng Văn - Mèo Vạc; cán bộ, công nhân đơn vị "C" Cơ Dũng thuộc công trường làm đường Đồng Văn - Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) đã có nhiều công lao và thành tích xuất sắc trong việc hoàn thành trước thời hạn kế hoạch làm các con đường từ Đồng Văn đi Mèo Vạc.
[14] Nhà văn Nguyễn Tuân viết khi lên thăm công trường.
[15] Cụ Phạm Đình Dy, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, người được coi là “kiến trúc sư trưởng” của con đường Hạnh Phúc.