Xuất phát từ tấm lòng yêu nước nồng nàn, ngày 5/6/1911 tại bến cảng Nhà Rồng, Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành lấy tên là Văn Ba đã đặt chân lên chiếc tàu buôn “Latouche-Trville” ra đi tìm đường cứu nước. Trước mắt Người không chỉ là một biển cả mênh mông mà cả một biển đời sâu thẳm đầy sóng gió. Sau lưng Người là quê hương đang quằn quại nổi đau xâm lược nung nấu ngày trở về với dân tộc.
Ngày 5/6/1911, từ Bến Nhà Rồng - cảng Sài Gòn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc, ra đi trên con tàu Amiral Latouche Tréville để thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Trong cảnh “đêm tối tưởng chừng không có đường ra” đầu thế kỷ XX, ở Việt Nam, chủ nghĩa yêu nước vẫn là dòng chảy chính, nhiệt huyết trong trái tim nhiều thanh niên chân chính, trong đó có Nguyễn Tất Thành. Mặc dù rất khâm phục các bậc tiền bối, song Nguyễn Tất Thành không hoàn toàn tán thành cách làm của một người nào. Vì theo Người: “Cụ Phan Châu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương “chẳng khác gì xin giặc rủ lòng thương”; cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp, điều đó rất nguy hiểm, chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”; cụ Hoàng Hoa Thám còn thực tế hơn, vì trực tiếp đấu tranh chống Pháp, nhưng cụ còn nặng cốt cách phong kiến”1…
Trên cơ sở phân tích cách nghĩ, cách làm của các bậc cha chú đều dẫn tới thất bại, Nguyễn Tất Thành đã “thấy rõ và quyết định con đường nên đi”. Con đường Người chọn là đi sang phương Tây, vì “Không vào hang làm sao bắt được cọp”. Đây không phải là một quyết định chính trị nhất thời, mơ hồ mà là một quyết tâm lớn, có cơ sở khoa học, có định hướng rõ ràng với một tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo và trí tuệ đỉnh cao.
Sau thời gian ở Pháp, Nguyễn Tất Thành tiếp tục cuộc hành trình đi qua nhiều châu lục khác. Suốt chặng đường bôn ba, cuộc sống đầy gian khổ nhưng không làm Người chùn bước, trái lại, càng tôi luyện, hun đúc lòng yêu nước nồng nàn với mục tiêu giải phóng dân tộc kiên định. Người tranh thủ mọi thời cơ để học hỏi, nghiên cứu các học thuyết cách mạng, hòa mình vào thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản và thuộc địa. Chính chủ nghĩa yêu nước cùng với những năm tháng tìm tòi không mệt mỏi về lý luận và hoạt động trong phong trào công nhân quốc tế, người thanh niên Việt Nam Nguyễn Tất Thành bất chấp mọi hiểm nguy, đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, trở thành nhà hoạt động quốc tế xuất sắc.
Bức tranh sơn dầu "Người đi tìm hình của nước" của họa sĩ Quốc Thắng.
Bằng chính sự trải nghiệm của mình suốt 30 năm rời xa Tổ quốc, Người hiểu rất rõ vai trò và sức mạnh của thanh niên, của thế hệ trẻ. Trong những bước chuẩn bị, những yếu tố tiền đề để thành lập Đảng cộng sản, Người đặc biệt chú ý đến tầng lớp thanh niên. Tổ chức đầu tiên, tiền thân của Đảng cũng mang tên Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Tờ báo cách mạng đầu tiên Người sáng lập cũng mang tên Thanh niên và sau này trong suốt sự nghiệp cách mạng, suốt quá trình lãnh đạo cách mạng của mình, Người nhiều lần nhấn mạnh vai trò của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng của cả dân tộc.
Ý chí, bản lĩnh kiên cường của người thanh niên Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh với hành trình 30 năm tìm đường cứu nước đã trở thành lẽ sống, niềm tin và là nguồn cảm hứng mãnh liệt cho lớp lớp thế hệ thanh niên Việt Nam thể hiện tinh thần trách nhiệm trước vận mệnh của Tổ quốc.
Người đã để lại cho thanh niên những bài học hết sức quý giá, trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta với tinh thần vì tự do của dân tộc sẽ đem lại hạnh phúc cho dân tộc và thanh niên Việt Nam ngày nay chúng ta cũng phải luôn nêu cao tấm gương của Bác để chúng ta siết tay đoàn kết và trong hoàn cảnh đất nước còn khó khăn thì chúng ta không ngừng vươn lên để học tập, để rèn luyện và để cống hiến cho Tổ quốc.
Bài học về nghị lực và ý chí quyết tâm của Người trong hành trình tìm đường cứu nước vẫn còn nguyên giá trị đối với tuổi trẻ Việt Nam hôm nay. Bài học ấy nhắc nhở tuổi trẻ rằng, để xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, còn phải vượt qua nhiều khó khăn thử thách, đòi hỏi thanh niên phải phát huy tốt vai trò xung kích, ra sức học tập, rèn luyện. Có được nghị lực và ý chí quyết tâm, không ngừng nâng cao giác ngộ lý tưởng cách mạng, để "Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên", hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vẻ vang của tuổi trẻ, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã đưa ra mẫu hình thanh niên thời đại mới cần xây dựng là: giàu lòng yêu nước, có lối sống đẹp và lý tưởng cách mạng, có bản lĩnh văn hóa của con người Việt Nam, giàu nhiệt huyết sáng tạo và tinh thần tình nguyện. Như vậy là thanh niên thời đại mới cũng rất cần có lý tưởng cách mạng. Nhưng nếu lý tưởng cách mạng của thanh niên trước kia là sẵn sàng xả thân vì độc lập của đất nước, tự do của nhân dân thì lý tưởng cách mạng của thanh niên ngày nay là ra sức rèn đức, luyện tài, xung kích trên mọi mặt trận nhằm khẳng định vai trò, vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên trong bối cảnh thế giới ngày càng “phẳng”, nhân loại có những bước đi lớn, vĩ đại vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi mới là những nguy cơ, thách thức rất lớn. Có một bộ phận thanh niên hiện nay sống không có lý tưởng, không có mục đích, sống ngày nào hay ngày đó, chưa chuyên tâm vào việc học tập, rèn luyện, tự lực vươn lên và cống hiến cho đất nước, còn bị chi phối bởi lối sống hưởng thụ, đua đòi, xa rời bản sắc văn hóa dân tộc, sa vào các loại tệ nạn xã hội, sống buông thả, thiếu trách nhiệm. Bên cạnh đó, còn nhiều thanh niên theo đuổi mục đích sống tầm thường, đó là chạy theo lợi ích vị kỷ của cá nhân.
Việc xây dựng, bồi đắp lý tưởng cách mạng cho thanh niên không phải là công việc riêng của một ngành nào, cơ quan nào mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của gia đình, nhà trường và cả sự nỗ lực rèn luyện của chính bản thân thanh niên. Học tập và làm theo tấm gương Nguyễn Tất Thành với hành trình tìm đường cứu nước, thanh niên Việt Nam ngày hôm nay, nhất là những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trẻ tuổi hãy nâng cao trí tuệ, bản lĩnh; rèn luyện ý chí, nghị lực mạnh mẽ; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đối diện với khó khăn thử thách; độc lập, chủ động, sáng tạo; tận dụng mọi cơ hội để học tập, rèn luyện nâng cao trình độ mọi mặt, quyết không dấu dốt...để hoàn thành sứ mệnh người chủ tương lai của đất nước, xứng đáng là thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh của kỷ nguyên “đổi mới toàn diện và chủ động hội nhập quốc tế”, thực hiện theo đúng tinh thần Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Chú trọng hơn giáo dục đạo dức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ”2.
Đất nước đã hòa bình, độc lập, tự chủ và phát triển, nhưng khát vọng đưa Việt Nam “sánh ngang với các cường quốc năm châu” vẫn luôn là niềm thôi thúc bao lớp thanh niên hôm nay tiếp tục học tập, rèn luyện, phấn đấu không ngừng. Trong hành trình đưa đất nước tiến lên, tinh thần độc lập tự chủ, bản lĩnh dám nghĩ dám làm, dám dấn thân của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành – Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mãi là bài học quý báu để thế hệ trẻ hôm nay vững vàng niềm tin trong hành trình lập thân, lập nghiệp./.
[1] Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Sự thật, Hà Nội, tr.13.
[2] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB chính trị quốc gia Sự thật, năm 2021, tr.136
Văn Toàn - Thanh Nhạn