Theo nghĩa tiếng Việt, phản tỉnh nghĩa là “tự kiểm tra tư tưởng và hành động của mình trong quá khứ, đặc biệt để thấy ra lỗi lầm”[1]. Sự phản tỉnh đòi hỏi ở mỗi tập thể, cá nhân ý thức tự giác, nghiêm túc, thẳng thắn nhìn vào sự thật để thấy ra nhược điểm, sai lầm, từ đó biết cách sửa đổi, khắc phục.
Hiện nay, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo đất nước là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, lâu dài của toàn hệ thống chính trị, của toàn dân tộc Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng. Đồng thời, đây cũng là chủ đề “quen thuộc” để các thế lực thù địch, các phần tử bất mãn, cơ hội xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Chúng xuyên tạc chủ trương đấu tranh của Đảng, Nhà nước; phủ nhận quá trình chiến đấu bảo vệ biển, đảo kiên cường, bất khuất của các lớp cha anh; bóp méo sự thật về chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông; cổ súy việc liên minh, sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn. Trước những luận điệu sai trái và âm mưu thâm độc đó, một bộ phận nhân dân, kể cả một số ít cán bộ, đảng viên thiếu tỉnh táo và chưa nhận thức thấu đáo đã có biểu hiện “chông chênh”, hoài nghi con đường đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo đất nước mà toàn dân tộc đang kiên quyết, kiên trì thực hiện.
Sự thật mãi mãi là sự thật! Chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là hợp pháp, không thể tranh cãi, được minh chứng qua những bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý vững chắc do Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử xác lập mà không thế lực nào có thể xuyên tạc, đổi trắng thay đen. Chủ quyền đó được đánh đổi bằng biết bao mồ hôi, công sức của các bậc tiền nhân, các cán bộ, chiến sĩ và sự hy sinh anh dũng của các anh hùng, liệt sĩ qua một quá trình lịch sử đấu tranh lâu dài, gian khổ. Điều đó tạo nên giá trị thiêng liêng của chủ quyền đất nước để mỗi con người Việt Nam chân chính phải khắc ghi trong tâm niệm, đồng thời biết dựng xây và đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng đã được xác lập.
Chiến sỹ đảo Trường Sa thường xuyên nâng cao cảnh giác, ngày đêm tuần tra bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN.
Trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, Đảng, Nhà nước luôn khẳng định nhất quán chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đồng thời xác định “Chủ động, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp phù hợp, bảo vệ được chủ quyền, biển, đảo, vùng trời và giữ được hòa bình, ổn định để phát triển đất nước". Bởi thực tế, tranh chấp về biển, đảo đã có từ rất lâu và không thể giải quyết trong nay mai. Công cuộc đấu tranh này sẽ luôn song hành với sự phát triển của đất nước, sự trường tồn của dân tộc nên đòi hỏi chúng ta phải bồi đắp ý chí, nung nấu quyết tâm, không một phút giây lơi lỏng mới có có thể giữ vững chủ quyền biển, đảo đất nước. Hơn ai hết, Đảng, Nhà nước luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, của người dân trên biển.
Hiện nay, các đảo và điểm đóng quân trên biển của Việt Nam ngày càng được củng cố, là “phên giậu”chắc chắn bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Sự hiện diện của quân và dân Việt Nam trên biển ngày một nhiều hơn nhằm khẳng định chủ quyền hợp pháp của đất nước. Các lực lượng chức năng luôn nỗ lực không ngừng, vượt mọi hiểm nguy để bảo vệ chủ quyền, lợi ích hợp pháp của quốc gia cũng như bảo đảm sự an toàn cho các ngư dân ra khơi bám biển.
Trải qua biết bao mất mát, đau thương vì chiến tranh, dân tộc Việt Nam thấu hiểu hơn ai hết giá trị của hòa bình. Vì vậy, với những tranh chấp, căng thẳng trên Biển Đông, chúng ta kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, thể hiện tinh thần hòa hiếu của dân tộc, được cộng đồng quốc tế hoan nghênh nhưng đồng thời bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển và giữ được môi trường hòa bình, ổn định mới có thể xây đắp nên được cơ đồ tươi đẹp như hôm nay. Trong cuộc đấu tranh này, chúng ta phải tự lực tự cường, bảo vệ chủ quyền biển, đảo đất nước bằng chính bản lĩnh, trí tuệ, ý chí và sức mạnh nội sinh của dân tộc bởi thực tế đã chứng minh rằng, không một quốc gia nào có thể tự chủ về đường lối và bảo vệ được chủ quyền đất nước khi không thể đứng vững trên đôi chân của mình mà phải dựa dẫm vào sự giúp đỡ của quốc gia khác.
Cảnh sát biển Việt Nam luôn đồng hành với ngư dân bám biển. Ảnh: Internet.
Công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo là nơi hội tụ sức mạnh, ý chí của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ những cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm vững chắc tay súng, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; những ngư dân không quản hiểm nguy ra khơi bám biển, trở thành những “cột mốc sống” định vị chủ quyền quốc gia; hàng ngàn, hàng vạn con người đang miệt mài lao động, nghiên cứu, đóng góp thêm những luận cứ chắc chắn minh chứng cho chủ quyền biển, đảo đất nước; và hàng triệu con người luôn sẵn sàng đóng góp sức lực, trí tuệ, tiền của vào việc giữ gìn và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của dân tộc. Đó chính là phẩm cách, ý chí của con người Việt Nam khi luôn đau đáu với chủ quyền máu thịt quốc gia và quyết tâm bảo vệ bằng niềm tin sắt son và quyết tâm không gì lay chuyển.
Bởi vậy, những ai còn hoài nghi, thiếu niềm tin vào công cuộc đấu tranh này, hãy dũng cảm nhìn nhận lại bản thân, nhìn thẳng vào sự thật để thấy được chân giá trị đúng đắn, thiêng liêng trong công cuộc bảo vệ biển, đảo chính nghĩa của dân tộc. Con đường ấy được dẫn dắt bởi Đảng quang vinh, hội tụ được niềm tin và sức mạnh của toàn thể dân tộc để cho chúng ta “một sức mạnh to lớn, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, không thế lực nào ngăn cản nổi dân tộc ta đi lên, lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước”[2]. Và đó cũng chính là điểm tựa để cả dân tộc cùng đoàn kết, trên dưới một lòng, chiến đấu và chiến thắng trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Lê Thủ