Sự thành công của Seagames 31 không chỉ ở các thành tích thi đấu của vận động viên mà còn ở công tác tổ chức chuyên nghiệp tại 12 tỉnh, thành phố trên cả nước. Và thành công lớn nhất của Seagames 31 chính là không khí thể thao tràn ngập, cổ động viên lấp đầy tất cả các sân thi đấu và người hâm mộ thể thao đã nhiệt tình cổ vũ cho đội tuyển Việt Nam và cho tinh thần thi đấu fair-play của các đoàn thể thao đến từ Đông Nam Á.
Nhưng, trong khi cả nước và bạn bè quốc tế đều đánh giá cao thành công của Seagames 31 thì đâu đó vẫn văng vẳng những tiếng nói lạc lọng từ dè bỉu, chê bai đến đố kỵ, hằn học. Luận điểm chung mà những giọng điệu tập trung vào đó là coi Seagames như cuộc đấu ao làng, thua cũng chẳng làm sao, thắng thì cũng chẳng có gì vinh dự(?!). Rồi, chẳng có ở đâu mà cả nước ăn mừng chiến thắng ở một trận chung kết bóng đá (?!). Và giọng điệu hằn học nhất khi họ dám thóa mạ sự tự hào dân tộc, hình ảnh lá cờ Việt Nam ngạo nghễ trên các khán đài và rực rỡ trên đường phố thể hiện niềm vui, phấn khích vì tinh thần Seagames, vì mỗi chiến thắng mà mỗi đội tuyển, mỗi vận động viên đã đem lại.
Có lẽ những người này chưa một lần đọc và hiểu về tinh thần thượng võ từ thời cổ đại của Olympic: Cao hơn, Nhanh hơn, Xa hơn. Mỗi cá nhân nỗ lực rèn luyện gian khổ để vượt qua giới hạn của chính bản thân mình. Và mỗi lần vượt qua giới hạn đó, là một lần kỷ lục Olympic bị phá vỡ và được thiết lập mới. Trong Seagames 31 cũng vậy, các vận động viên Việt Nam đã vinh dự thiết lập 11 trên tổng số 22 kỷ lục Seagames; trong đó, có những kỷ lục thuộc các môn Olympics truyền thống như 100m bơi ếch nam (từ năm 2009) hay 3.000m vượt chướng ngại vật nữ (từ năm 2019).
Có lẽ những người này chưa đọc hiểu hết câu phương ngôn hành động của toàn cầu hóa hiện nay: Tư duy toàn cầu, hành động địa phương. Mỗi một khu vực địa lý của thế giới này đều có những hoạt động thể thao,văn hóa đặc thù. Việc tổ chức thi đấu những môn thể thao đặc thù như Vovinam của Việt Nam, Muay Thái hay Pencak Silat vốn từ Indonesia - Malaysia… phản ánh phần nào bản sắc lịch sử văn hóa của khu vực. Và việc giành được huy chương vàng của đội tuyển trong các môn đặc thù khu vực đó là một điều vui mừng không chỉ về thành tích thể thao mà còn về nỗ lực quảng bá văn hóa dân tộc ra cộng đồng, ra thế giới. Môn Judo từ Nhật Bản hay Taekwondo từ Triều Tiên có mặt tại Olympics quốc tế cũng đã phải trải qua những nỗ lực quảng bá văn hóa lịch sử quốc gia như vậy.
CĐV Việt Nam đến sân rất đông xem các trận bóng đá nam nữ tại SEA Games 31 dù có hay không đội nhà thi đấu. Ảnh: Internet.
Có lẽ những người này chưa bao giờ dành một chút thời gian cho sự suy nghĩ tìm hiểu, vậy các môn Olympic điển hình thì Việt Nam đã đạt thành tích nào? Đó là thành tích tổng hợp của 3 kỳ Seagames gần đây nhất khi đội tuyển điền kinh Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để giành được nhiều huy chương vàng nhất. Và tại Seagamse 31, đội Việt Nam giành được 22 huy chương vàng điền kinh, gần gấp đôi đội thứ hai là Thái Lan với 12 huy chương vàng; trong các môn bơi lội, Việt Nam chỉ đứng sau đội Singapore. Giới chuyên môn và các nhà báo thể thao đã phải thừa nhận, Việt Nam trở thành thế lực thống trị điền kinh của Đông Nam Á. Và thành tích trong các môn điền kinh là kết quả nỗ lực bền bỉ và sự đầu tư đúng hướng, có trọng điểm của nhà nước để chuẩn bị cho các sân chơi khu vực châu Á và Olympics.
Có lẽ, những người này cũng không quan tâm đến những đánh giá của chính các vận động viên thi đấu, đoàn trọng tài quốc tế và các các nhà báo đưa tin. Đây là một kỳ Seagames hết sức thành công từ phương diện tinh thần thể thao cao thượng của Olympics Xuất sắc - Hữu nghị - Tôn trọng. Trong suốt 17 ngày thi đấu với 40 bộ môn và 526 nội dung thi đấu, không ghi nhận bất kỳ một sự sai sót, thiên vị của trọng tài và ban tổ chức. Có thể nói, trọng tài của Seagames 31 đã tuân thủ lời tuyên thệ trọng tài hết sức cảm kích: điều hành các trận đấu một cách công bằng, chính xác, vô tư, tôn trọng và tuân thủ các quy định và điều lệ của Đại hội, trên tinh thần thể thao trung thực và cao thượng. Có thể nói, với hơn 1/3 trọng tài quốc tế và áp dụng một loạt luật thi đấu mới, chúng ta đã chứng kiến một Seagames 31 được tổ chức theo tinh thần công bằng, không thiên vị fair-play, rũ bỏ mạnh mẽ chính cái nhãn “ao làng” trong nhiều năm qua.
Bên cạnh đó, những người có quan điểm đố kỵ, hằn học chắc chắn cũng đã không thấy hình ảnh xúc động, giàu biểu tượng của vận động viên Felisberto De Deus cầm cờ Timor-Leste và quốc kỳ Việt Nam chạy dọc sân ăn mừng sau khi giành huy chương bạc nội dung chạy 10.000m dành cho nam. Anh đã thi đấu để vượt qua chính mình trên đấu trường Seagames ở Việt Nam; đã trải nghiệm một đất nước “Việt Nam an toàn, thân thiên, hiền hòa, mến khách, hội nhập và phát triển”, đã mang ấn tượng lá cờ Việt Nam về với quê hương anh, đã kết nối với tinh thần và ý chí Việt Nam.
Thế giới đã chứng kiến sự thành công của một kỳ đại hội thể thao quốc tế như Olympics 1964 ở Nhật Bản, Olympics 1988 và World Cup 2002 ở Hàn Quốc, Olympics 2008 ở Trung Quốc, qua đó đã đem lại những xung lượng phát triển mạnh mẽ cho quốc gia đăng cai tổ chức. Bởi một điều rất đơn giản, chiến thắng vượt qua chính bản thân mình, thành tích thi đấu công bằng, minh bạch, chơi đẹp, sự kết nối hội tụ hàng chục triệu trái tim trong một niềm tự hào chung cũng chính là những gì đã, đang và sẽ hun đúc cho khát vọng vươn lên của đất nước.
Chúng ta mong sao, và luôn có một cánh cửa mở cho những cá nhân lạc lõng kia: hãy tỉnh thức, trở lại, kết nối và trở thành một phần của cơ đồ và vị thế đất nước Việt Nam của mình!
Phương Đình