Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân xã Ia Ka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai
trao đổi với đồng bào dân tộc về tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn. Ảnh: Internet.
Quá trình hình thành và phát triển của mỗi dân tộc không đồng đều dẫn đến sự chênh lệch về kinh tế, văn hóa, xã hội, song quan điểm xuyên suốt và nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam là: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đồng bào dân tộc thiểu số[1]. Tuy nhiên, các thế lực thù địch lại luôn lợi dụng sự phát triển không đồng đều về kinh tế, văn hóa, xã hội, về trình độ dân trí giữa miền xuôi và miền núi, giữa các dân tộc thiểu số, trọng tâm là những xã ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hẻo lánh còn gặp nhiều khó khăn để xuyên tạc chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề dân tộc, kích động đồng bào các dân tộc thiểu số, làm suy yếu hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, gây tổn hại đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tính thống nhất của quốc gia Việt Nam.
Xuất phát từ thực trạng chống phá của các thế lực thù địch và các phần tử phản động, cần phải triển khai thực hiện các giải pháp cơ bản, đồng bộ nhằm phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị ở cơ sở về phát huy vai trò của hệ thống chính trị trong đấu tranh, phòng chống thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc để chống phá Việt Nam.
Việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị ở cơ sở, cụ thể là cấp xã, nơi bộ máy chính quyền ở gần dân nhất và là hạt nhân của chế độ chính trị cũng như đời sống xã hội; nơi diễn ra cuộc sống của đồng bào, chính quyền và các đoàn thể tổ chức cuộc sống, hoạt động và các phong trào của cộng đồng dân cư để nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thực hành dân chủ của chính mình. Chính vì vậy, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Cấp xã là cấp gần gũi dân nhất, là nền tảng của hành chính. Cấp xã làm được việc thì mọi công việc đều xong xuôi”[2]. Cùng với sự nỗ lực của hệ thống chính trịở cơ sở, cần đề cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp và tạo thuận lợi cho hệ thống chính trịở cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ đấu tranh, phòng chống thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc chống phá cách mạng Việt Nam.
Hai là, đổi mới công tác tuyên truyền về quan điểm, đường lối, chính sách về dân tộc của Đảng, Nhà nước trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong tuyên truyền, cần tập trung vào những điểm cốt lõi, dễ hiểu, phương pháp tuyên truyền linh hoạt, phù hợp đặc điểm từng đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số. Trước hết, tuyên truyền, giáo dục nâng cao tinh thần giác ngộ chính trị, cảnh giác cho người có uy tín, già làng, trưởng bản. Đồng thời, lắng nghe ý kiến trực tiếp của đồng bào dân tộc thiểu số; kịp thời phát hiện, vạch trần âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch.
Ba là, phát huy vai trò người có uy tín và vai trò của dòng họ, gia đình ở vùng dân tộc thiểu số trong đấu tranh, phòng chống thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc chống phá cách mạng Việt Nam.
Người có uy tín là nhịp cầu nối gắn kết giữa ý Đảng và lòng Dân; là chỗ dựa quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền, vận động tổ chức đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân. Do vậy, cần phát huy vai trò tiên phong của người có uy tín trong mọi phong trào, đồng thời vận động các tầng lớp nhân dân tại địa phương chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các quy định của địa phương.
Các lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động người dân bản Huổi Luông (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Ảnh: Intrnet.
Bốn là, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là chất lượng tổ chức cơ sở đảng, cấp ủy, ban thường vụ và bí thư cấp ủy cơ sở ở vùng dân tộc thiểu số.
Xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở ở vùng dân tộc thiểu số là quá trình lan tỏa mục tiêu cao đẹp của đất nước “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” đến từng đồng bào, nên quá trình này phải thực sự mang lại niềm cảm hứng, tính hiệu quả, gần gũi với đời sống đồng bào; do đó, cần xây dựng đội ngũ cán bộ “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân"[3],“có tâm huyết, biết nghe dân nói, nói dân nghe, làm dân tin”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”[4] và “bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn”[5]. Do đó, cần “tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”[6], đáp ứng yêu cầu nhiệm cách mạng Việt Nam trong tình hình mới.
Năm là, xây dựng vàhoàn thiện chính sách, pháp luật về đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng dân tộc thiểu số, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp các lực lượng với hệ thống chính trị cơ sở.
Đảng, Nhà nước cần thường xuyên chú trọng công tác sơ kết, tổng kết, nghiên cứu thực tiễn, rà soát, kịp thời chỉnh sửa, bổ sung hoàn chỉnh các chủ trương, chính sách về dân tộc thiểu số, vấn đề tôn giáo, dân chủ, nhân quyền ở vùng dân tộc thiểu số; ban hành hướng dẫn thực hiện cụ thể, kịp thời “đúng đối tượng, đúng thể chế, đúng nguồn lực”. Qua đó, tạo thuận lợi cho hệ thống chính trị cơ sở thực hiện và đấu tranh phòng, chống thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc chống phá cách mạng Việt Nam.
Như vậy, để vô hiệu hoá sự lợi dụng của các thế lực thù địch đối với các vấn đề trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam thì giải pháp cơ bản nhất là phải phát huy hơn nữa vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong xây dựng và thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Anh Đặng