“Cho tới khi có cơ sở cho một số hành động hợp tác, thế giới sẽ gặp phải một thảm họa tương đương với Thế chiến I”, Henry Kissinger phát biểu trong phiên khai mạc của Diễn đàn Kinh tế mới Bloomberg.
“Mỹ và Trung Quốc ngày càng xảy ra nhiều xung đột và họ đang tiến hành chính sách ngoại giao theo xu hướng đối chọi”, ông Kissinger nhận xét cuộc xung đột toàn diện giữa Mỹ - Trungcó thể "thậm chí còn khó kiểm soát hơn" các cuộc khủng hoảng trong lịch sử. “Điều nguy hiểm ở đây là có thể có một cuộc khủng hoảng vượt ra khỏi phạm vi tranh luận và trở thành xung đột quân sự”.
Kissinger nói: “Nếu bạn có thể xem COVID-19 như một lời cảnh báo, dịch bệnh ở các quốc gia phần lớn được giải quyết một cách tự chủ, nhưng giải pháp về lâu dài cần dựa vào một cơ sở toàn cầu nào đó”, Kissinger cho biết ông hy vọng mối đe dọa chung từ đại dịch COVID-19 sẽ tạo cơ hội cho các cuộc thảo luận chính trị giữa hai nước sau khi ông Biden nhậm chức vào ngày 20/1.
Quan hệ Mỹ - Trung hiện đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Đầu năm 2020, hai bên đạt được thỏa thuận thương mại “Giai đoạn một”, nhưng sau đó COVID-19 bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc, và lây lan trên toàn cầu. Tổng thống Donald Trump đổ lỗi cho Trung Quốc vì dịch bệnh đã giết chết hàng trăm nghìn người Mỹ, khiến căng thẳng giữa hai nước ngày càng leo thang.
Không chỉ vậy, Mỹ còn áp đặt các biện pháp trừng phạt mới bằng cách cấm đầu tư vào 31 công ty Trung Quốc bị cho là do quân đội Trung Quốc kiểm soát.
“Trump có phương pháp đàm phán mang tính đối đầu hơn là một cách có thể áp dụng vô thời hạn”, ông Kissinger nhận xét. “Quan trọng là ông ấy cần nhấn mạnh mối quan tâm sâu sắc của người Mỹ về sự phát triển mất cân bằng của nền kinh tế thế giới...”
Giải pháp cải thiện quan hệ hai nước
Cựu Ngoại trưởng Mỹ nói mối quan hệ ngày càng xấu giữa Trung Quốc và Mỹ có khả năng trở thành một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, đồng thời nhận định hai bên nên “đồng ý rằng bất kể tranh chấp nào xảy ra, họ sẽ không sử dụng đến xung đột quân sự”.
Để đạt được điều đó, Mỹ và Trung Quốc nên cùng nhau tạo ra “một hệ thống thể chế có những đại diện từ hai nước được Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Tập Cận Bình tin tưởng chỉ định để giữ liên lạc với nhau thay mặt cho lãnh đạo nước họ”.
“Tất nhiên là có những quan điểm khác biệt về nhân quyền”, ông Kissinger trả lời về những phương án Trung Quốc có thể thực hiện để cải thiện quan hệ. “Quan trọng là mỗi bên phải hiểu được điểm nhạy cảm của nhau. Vấn đề không nhất thiết phải được giải quyết, chỉ xoa dịu thôi cũng giúp đạt được bước tiến rồi”.
Tuần trước, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng kêu gọi các nước tăng cường hợp tác, đồng thời tránh xung đột, dù các chính sách của ông là nguyên nhân khiến Trung Quốc bất hòa với Mỹ.
Ông Kissinger nhiều lần nhấn mạnh hai nước cần nỗ lực hợp tác để tránh các nguy cơ đụng độ quân sự. Xem xét một số đề xuất của ông Biden trong chính sách đối với Trung Quốc, Cựu Ngoại trưởng Mỹ trả lời thận trọng trước ý tưởng xây dựng một liên minh các nền dân chủ để đối đầu với Chính quyền Bắc Kinh: "Tôi nghĩ rằng một liên minh nhằm vào một quốc gia cụ thể là không khôn ngoan, nhưng một liên minh để ngăn chặn các mối nguy là cần thiết nếu hoàn cảnh yêu cầu".
Cuối cùng, ông Kissinger cho rằng các nhà lãnh đạo của hai quốc gia cần nhận ra họ đang nhìn nhận cùng một vấn đề theo những cách khác nhau. Đó cũng là một phương thức tiếp cận trong các cuộc đàm phán của họ.
Quan hệ với Trung Quốc có thể chi phối chương trình nghị sự về chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống đắc cử Joe Biden. Ông dự kiến sẽ tìm cách xoa dịu căng thẳng giữa hai nước trong các lĩnh vực như tương lai của công nghệ 5G, vấn đề Biển Đông và quyền tự chủ của Hồng Kông.
Gần đây, quan điểm của Joe Biden trong chính sách đối ngoại với Trung quốc cũng dần gay gắt hơn, ông thường xuyên chỉ trích các chính sách của nước này trong khu vực cũng như vấn đề nhân quyền.
Nguồn: vtc.vn