Vẫn còn khoảng cách giới
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện tỷ lệ phụ nữ tham gia lao động xã hội ở nước ta đạt hơn 70%, thuộc nhóm cao trên thế giới. Sự hiểu biết của phụ nữ và trẻ em gái ngày càng tăng, khi tỷ lệ dân số là nữ trong độ tuổi đi học phổ thông đang đi học cao hơn nam giới; tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 30,26%, cao nhất từ Quốc hội khóa V trở lại đây. “Nước ta đứng trong nhóm đầu các quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ, trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao”, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà thông tin.
Tại Hà Nội, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng trên địa bàn thành phố xây dựng gần 2.000 mô hình, địa chỉ trợ giúp phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, qua đó giúp nhiều người, gia đình có cuộc sống bình yên trở lại.
Các địa phương ở Hà Nội cũng chủ động xây dựng, triển khai các mô hình, nhằm trợ giúp về nhiều mặt cho phụ nữ, trẻ em gái. Mới đây, phường Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm) đã ra mắt nhóm phụ nữ nòng cốt tuyên truyền pháp luật, điểm tư vấn hỗ trợ pháp lý về các vấn đề xã hội tại cộng đồng. Bí thư Đảng ủy phường Tràng Tiền Nguyễn Quỳnh Tiến cho biết: "Thông qua nhóm phụ nữ nòng cốt, chúng tôi mong muốn đưa dịch vụ trợ giúp xã hội đến với từng gia đình, cộng đồng, nắm bắt những vấn đề phụ nữ, trẻ em gặp phải để có hướng xử lý, hỗ trợ kịp thời”. Tương tự Hà Nội, các tỉnh, thành phố khác cũng nỗ lực thực hiện mục tiêu bình đẳng giới thông qua nhiều chương trình, hoạt động thiết thực.
Tuy nhiên, hiện nay, nước ta vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức trong việc bảo đảm bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ, trong đó nổi cộm là tình trạng bạo lực trên cơ sở giới còn tồn tại dai dẳng. Kết quả điều tra quốc gia mới nhất về bạo lực đối với phụ nữ cho thấy, hơn 60% phụ nữ có chồng từng bị bạo lực thể xác, tâm lý... Khi bị bạo lực, 90% phụ nữ có thái độ cam chịu, không tìm đến sự giúp đỡ. Từng chịu bạo lực gia đình, chị L.T.L (huyện Ba Vì) chia sẻ: “Tôi im lặng chịu đựng trong thời gian dài, vì không muốn mọi người bàn tán về gia đình mình. Trong một lần bị chồng đánh gây thương tích, tôi mới tìm đến các cơ quan chức năng nhờ trợ giúp”.
Điều đáng quan tâm, những định kiến, phân biệt giới vẫn tồn tại trong một bộ phận người dân. Tỷ lệ trẻ em gái là nạn nhân của các vụ bạo lực, xâm hại chiếm đa số và giới nữ khó tiếp cận cơ hội việc làm bền vững hơn so với giới nam. “Năm 2021, do tác động của dịch Covid-19, lao động nữ ở Việt Nam bị ảnh hưởng về việc làm nhiều hơn lao động nam, dẫn đến chênh lệch về việc làm theo giới tăng 10,8% so với những năm trước đó”, đại diện lâm thời Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam Nguyễn Hồng Hà thông tin.
Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới
Từ kinh nghiệm tư vấn, trợ giúp trong giải quyết các vụ việc, ông Tô Hoàng Anh, Phòng Tư vấn và Trợ giúp đối tượng (Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội) cho rằng, để giảm tình trạng bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới, cùng với sự lên tiếng và hành động của nữ giới, thì nam giới không thể đứng ngoài cuộc, mà có thể bắt đầu từ những việc nhỏ, như cùng làm việc nhà, chăm sóc con cái...
Ở góc độ quản lý, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương mong muốn, các cơ quan chức năng dành nguồn lực đầu tư thỏa đáng để thực hiện các chương trình, mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới.
Dưới góc nhìn khách quan, quyền Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam Kidong Park khuyến nghị, Việt Nam cần tăng cường truyền thông, nhằm nâng cao nhận thức xã hội về bình đẳng giới...
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, công tác tuyên truyền về bình đẳng giới đang được tất cả các ngành, cơ quan, đơn vị chức năng triển khai. Các cơ sở giáo dục đã đưa chương trình giáo dục giới tính, bình đẳng giới vào giờ học ngoại khóa, sinh hoạt tập thể. Đặc biệt, các bên cần phối hợp thực hiện tốt “Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025”, phấn đấu đến năm 2025 bảo đảm 100% trường hợp có nhu cầu trợ giúp về bạo lực trên cơ sở giới được trợ giúp bằng nhiều hình thức...
"Trước mắt, các bên phối hợp tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2021 (diễn ra từ ngày 15-11 đến ngày 15-12), với chủ đề: “Bảo đảm an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái, nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”. Cùng với đó là triển khai các chính sách ưu tiên cho phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ, phụ nữ bị nhiễm Covid-19... bảo đảm đúng người, đúng đối tượng", Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.
Theo Hanoimoi.com.vn