Những luận điệu xuyên tạc, thù địch thường là đổ lỗi cho Hồ Chí Minh tiếp nhận, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam dẫn đến các cuộc chiến tranh “nồi da nấu thịt”(?!). Khi chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Liên Xô và Đông Âu tan rã, họ tấn công cho rằng “CNXH đã đi vào ngõ cụt”, “tư tưởng Hồ Chí Minh không có gì đáng phải học”, “Việt Nam đi theo CNXH là lỗi thời, lạc lối”(?!)…
Nhưng nếu mỗi người trong chúng ta xem xét, nghiên cứu kỹ tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH và xây dựng CNXH ở Việt Nam thì sẽ thấy Việt Nam xây dựng CNXH là có cơ sở lý luận, thực tiễn và chắc chắn sẽ thành công.
Thứ nhất, thuật ngữ “chủ nghĩa xã hội” được Hồ Chí Minh sử dụng lần đầu tiên trong bài “Chính sách thuộc địa” viết năm 1920 và lần cuối cùng trong bài “Nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo Tổng Công đoàn Việt Nam” ngày 19-7-1969. Thống kê trong Hồ Chí Minh toàn tập (Nxb CTQG, HN, 2011, gồm 15 tập), thuật ngữ “chủ nghĩa xã hội” xuất hiện 1.065 lần, “xây dựng CNXH” xuất hiện 573 lần.
Thứ hai, về mặt khái niệm CNXH, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “CNXH là làm sao cho dân giàu nước mạnh”; “CNXH là làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít, không làm không ăn, làm biếng thì không có ăn”; “CNXH là mọi người được ăn no mặc ấm, sung sướng, tự do”; “CNXH là như mặt trời mới mọc”; “CNXH là no ấm và tự do cho toàn thể nhân dân. Làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng; không còn người bóc lột người”; “CNXH là làm cho mọi người dân sung sướng ấm no”; “CNXH là mọi người dân được áo ấm cơm no, nhà ở tử tế, được học hành”; “CNXH là tiền đồ chung của cả dân tộc và trong đó có tiền đồ riêng của mỗi cá nhân”; “CNXH là làm cho mọi người dân được ấm no, hạnh phúc và học hành tiến bộ”; “CNXH là mọi người cùng ra sức lao động sản xuất để được ăn no, mặc ấm, và có nhà ở sạch sẽ”; “CNXH là nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân và do nhân dân tự xây dựng lấy”; “CNXH là no ấm, đoàn kết, vui khỏe”.
Thứ ba, về bản chất xây dựng CNXH, Hồ Chí Minh cho rằng, “phấn đấu để cải tạo, để thực hiện CNXH là một sự nghiệp vĩ đại nhất trong lịch sử loài người”, “xây dựng CNXH là thay đổi cả xã hội, thay đổi cả thiên nhiên, làm cho xã hội không còn người bóc lột người, không còn đói rét, mọi người đều được ấm no và hạnh phúc”[1]. Đây là “một cuộc đấu tranh cách mạng phức tạp, gian khổ và lâu dài. Nhân dân ta hãy đoàn kết chặt chẽ dựa trên nền tảng liên minh công nông, bền bỉ phấn đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, thì chúng ta nhất định thắng lợi”. Bản chất của “cách mạng XHCN là nhằm xóa bỏ mọi chế độ người bóc lột người ở nước ta, nhằm đưa lại đời sống no ấm cho toàn dân ta. Đó là một cuộc cách mạng vĩ đại và vẻ vang nhất trong lịch sử loài người, nhưng đồng thời cũng là một cuộc cách mạng gay go, phức tạp và khó khăn nhất”. Xây dựng CNXH là “xây dựng một xã hội hoàn toàn mới xưa nay chưa từng có trong lịch sử dân tộc ta. Chúng ta phải thay đổi triệt để những nếp sống, thói quen, ý nghĩ và thành kiến có gốc rễ sâu xa hàng ngàn năm. Chúng ta phải thay đổi quan hệ sản xuất cũ, xóa bỏ giai cấp bóc lột, xây dựng quan hệ sản xuất mới không có bóc lột áp bức”[2].
Theo Hồ Chí Minh, CNXH là chế độ do nhân dân là chủ và làm chủ, có nền kinh tế, văn hóa phát triển, chuẩn mực đạo đức, khoa học kỹ thuật hiện đại, con người mới. Thông qua hoạt động lý luận và thực tiễn, Hồ Chí Minh rút ra kết luận rất sâu sắc về bản chất xây dựng CNXH với tư cách là một chế độ có khả năng thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Kết hợp xây dựng và bảo vệ trong phạm vi một quốc gia.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội III của Đảng (9/1960). Ảnh tư liệu.
Thứ tư, về mục tiêu xây dựng CNXH ở Việt Nam, đây không chỉ là ước mơ, lý tưởng mà cần thực hiện từng bước ngay ở nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Theo Hồ Chí Minh, “mục đích của CNXH là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động”[3]. Mục tiêu “trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc”, “làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ”, về lâu dài thì “tất cả mọi người các dân tộc ngày càng ấm no, con cháu chúng ta ngày càng sung sướng”[4].
Bởi vậy, từ năm 1956, Hồ Chí Minh quan niệm: “CNXH là làm sao cho dân giàu nước mạnh”, “phải lao động thật sự, có năng suất, chất lượng và kỷ luật mới có thể xây dựng được CNXH”. Trong đó, “chế độ làm khoán là điều kiện của CNXH” vì “làm khoán là ích chung và lại lợi riêng”, nên “khẩu hiệu của CNXH là: Làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít, không làm không ăn, làm biếng thì không có ăn, vì vậy ta phải tôn trọng, giữ vững, thi hành nghiêm khắc kỷ luật lao động, cố nhiên là giáo dục, khuyến khích nhưng cũng phải kỷ luật nữa”.
Đầu năm 1960, Người chỉ rõ “đặc điểm to nhất của ta trong thời kỳ quá độ là từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên CNXH không phải kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta là phải xây dựng nền tảng vật chất và kỹ thuật của CNXH, đưa miền Bắc tiến dần lên CNXH, có công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, có văn hoá và khoa học tiên tiến. Trong quá trình cách mạng XHCN, chúng ta phải cải tạo nền kinh tế cũ và xây dựng nền kinh tế mới, mà xây dựng là nhiệm vụ chủ chốt và lâu dài”[5].
Thứ năm, về động lực xây dựng CNXH, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Quyết định nhất là con người, vì con người, nhân dân lao động, nòng cốt là công - nông - trí thức. Trong thực hiện, phải kết hợp giữa cá nhân (sức mạnh cá thể) với xã hội (sức mạnh cộng đồng), cần kết hợp nguồn lực bên trong với nguồn lực bên ngoài, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nội lực là quyết định nhất, ngoại lực là rất quan trọng.
Theo Người, “muốn xây dựng CNXH trước hết cần có những con người XHCN”. Truyền thống yêu nước của dân tộc, sự cố kết cộng đồng, sức lao động sáng tạo của nhân dân là sức mạnh tổng hợp tạo nên động lực quan trọng của CNXH. Người luôn xây đắp khối đoàn kết dân tộc và nhấn mạnh: đoàn kết, đại đoàn kết toàn dân là nguồn sức mạnh vô địch. Cùng với động lực tinh thần, Hồ Chí Minh rất coi trọng động lực kinh tế, sản xuất, kinh doanh, giải phóng mọi năng lực sản xuất vì ích nước, lợi nhà.
Với cách diễn giải của Hồ Chí Minh về CNXH như trình bày ở trên, chúng ta thấy CNXH hoàn toàn thực hiện được ở Việt Nam. Thực chất xã hội Việt Nam hiện nay đã chứa đựng những yếu tố của CNXH, do đó việc hoàn thiện nó chỉ là vấn đề thời gian. CNXH không phải là một cái gì siêu phàm, mà là từ chính hiện thực cuộc sống. Đó là “xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là CNXH”[6]. Điều đó thể hiện rõ trong mỗi bước đi của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng thông qua các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc; đồng nghĩa theo thời gian ngày càng cho thấy rõ ràng hơn về mô hình CNXH mà Việt Nam đã, đang và sẽ xây dựng. Trong đó, Đại hội XIII của Đảng sẽ là dấu mốc quan trọng đưa Việt Nam tiến thêm một bước tới gần đích CNXH hơn.
Người Việt Nam ở trong và ngoài nước cần phải nhìn vào thực tế, ghi nhận, tin tưởng, trân trọng, động viên, khích lệ những việc mà toàn Đảng, toàn dân Việt Nam đã làm được để tự hào với thế giới; không nên chỉ nhìn vào mặt hạn chế, thậm chí còn khoét sâu, thổi phồng, xuyên tạc nhược điểm, vô tình đã tạo cơ cội cho kẻ thù chống phá, kéo lùi đất nước Việt Nam.
Hiểu được tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH để thấy sự lựa chọn con đường CNXH ở Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn nhằm thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” - đó cũng là mục tiêu cao cả hướng tới của văn minh nhân loại. Từ đó, sẽ thêm tin tưởng vào con đường CNXH ở Việt Nam, biết trân quý giá trị và bảo vệ thành quả cách mạng, không tùy tiện phát ngôn sai sự thật, không phủ định tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH, sẽ phản bác được những luận điệu xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội Việt Nam!
Lê Mật