“Thầy giáo Nguyễn Tất Thành” là một trong những dấu ấn đầu tiên trong sự nghiệp vĩ đại của Hồ Chí Minh. Từ cuộc đời, sự nghiệp, đạo đức, phong cách người thầy giáo, nhà giáo dục giản dị, mẫu mực, hiện đại và tư tưởng, triết lý về nền giáo dục cách mạng có thể nói Hồ Chí Minh thực sự là người thầy giáo của tầm nhìn thời đại.
Người Thầy nuôi dưỡng ý chí giải phóng, phát triển dân tộc
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra trong gia đình nhà Nho yêu nước. Thân sinh Người - Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc là một mẫu hình người thầy dạy học tại nhiều địa phương. Hoàn cảnh xã hội và nền giáo dục gia đình đã ảnh hưởng sâu sắc đến Hồ Chí Minh ngay từ thời niên thiếu. Ngay từ độ tuổi 13, khi tiếp xúc với khẩu hiệu “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” tại trường Tiểu học đã khơi gợi trong tâm hồn cậu học trò câu hỏi và những khát vọng lớn “muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy”.
Một trong những dấu ấn đầu tiên trong sự nghiệp vĩ đại của Hồ Chí Minh đó là Người dạy học tại trường Dục Thanh (Phan Thiết) giai đoạn 9/1910 - 02/1911. Trong thời gian ngắn dạy học tại trường, Người đã thể hiện là thầy giáo hết lòng thương yêu, chăm lo giáo dục học sinh, gắn bó mật thiết với đồng nghiệp; bồi dưỡng cho học sinh tinh thần yêu nước, trách nhiệm của người dân trước vệnh mệnh của dân tộc. Tháng 2/1911, đau đáu trước vận nước nguy nan, thầy giáo Nguyễn Tất Thành rời trường Dục Thanh vào Sài Gòn với lòng nung nấu: “Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”. Tháng 6/1911, từ bến cảng Nhà Rồng, thầy giáo Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc bắt đầu hành trình gian khổ bôn ba để tìm đường cứu nước, cứu dân. Theo đó, trong hành trình tìm đường cứu nước cũng như suốt cả cuộc đời học tập, rèn luyện, tranh đấu, hy sinh, hoạt động cách mạng, dù ở đâu, với cương vị gì, Người cũng xác định rõ ham muốn tột bậc và mục đích nhất quán: độc lập cho Tổ quốc, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho đồng bào.
Người Thầy “Đi tìm hình của nước” và định hướng triết lý nền giáo dục cách mạng
Những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, Người lấy tên là Nguyễn Ái Quốc đã lên tiếng tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân Pháp “làm cho dân ngu để dễ bề cai trị”, “gieo rắc một nền giáo dục đồi bại, xảo trá và nguy hiểm hơn cả sự dốt nát”. Năm 1919, thay mặt Hội người Việt Nam yêu nước, Nguyễn Ái Quốc gửi đến Hội nghị Vecxai bản yêu sách gồm 8 điểm, trong đó có điểm đòi để nhân dân Việt Nam được “tự do học tập”, nhà nước phải “mở các trường học”, thực hiện “giáo dục toàn dân”…
Tinh thần tự học, tự rèn luyện và truyền cảm hứng cứu nước, cứu dân, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân là phẩm chất sáng ngời của thầy giáo Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh trong suốt các chặng đường hoạt động cách mạng. Người tự học trong thực tiễn, tiếp thu những điểm tiến bộ của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Từ yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, Người đã tổ chức mở nhiều lớp huấn luyện chính trị, bồi dưỡng cán bộ nòng cốt cho cách mạng. Người cũng trực tiếp đảm nhận nhiều môn học như chính trị, ngoại ngữ, lịch sử, văn chương ở các lớp huấn luyện chính trị, bồi dưỡng cán bộ. Học trò của Người thuộc nhiều đối tượng, trong đó nhiều người từ giáo viên mà trở thành nhà cách mạng, nhà chính trị, quân sự; có người từ thanh niên, trí thức hăng hái hoạt động cách mạng rồi làm giáo viên, giảng viên, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành nổi tiếng như Phạm Văn Đồng, Hoàng Văn Thụ, Lý Tự trọng, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Nguyên Giáp; Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh, Trần Đại Nghĩa… Đó là những bậc hiền tài xuất chúng, những người con ưu tú của dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh đã theo gương người thầy giáo, lãnh tụ Hồ Chí Minh suốt đời tận tụy phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.
Bác Hồ thăm và nói chuyện với thầy cô và sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ngày 21/10/1964
Ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: cùng với diệt giặc đói và giặc ngoại xâm thì diệt giặc dốt cũng là nhiệm vụ vô cùng cần kíp. Người quan niệm “Nạn dốt là một trong những biện pháp độc ác mà bọn thực dân dựng lên để cai trị dân tộc ta và một dân tộc dốt là dân tộc yếu”. Từ đó, Người xem việc nâng cao dân trí là “một công việc cần phải thực hiện cấp tốc” của công tác giáo dục để làm cho “mọi người Việt Nam, ai cũng đều có kiến thức để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhấn mạnh: “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”; “Muốn có chủ nghĩa xã hội trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa” nên nền giáo dục mới phải đào tạo những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Người thường xuyên quan tâm đến việc xây dựng, phát triển nền giáo dục cách mạng. Theo đó, chức năng, nhiệm vụ của giáo dục là “làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có” của người học. Học gắn với hành, lý luận gắn liền thực tiễn, học tập gắn với lao động sản xuất, dạy học phải phù hợp với đội tượng, tâm lý, lứa tuổi… Ví dụ: “Tiểu học thì cần giáo dục cho các cháu thiếu nhi: yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công. Cách dạy phải nhẹ nhàng và vui vẻ, chớ có gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn”; “Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà”… Bên cạnh phát huy nội lực, cần phải có sự giao lưu hội nhập, học tập, tiếp thu những thành tựu giáo dục, thành quả khoa học kỹ thuật của các nước tiên tiến để áp dụng vào Việt Nam. Muốn vậy, cần gửi nhiều học sinh đi học tập, đào tạo từ các nước tiên tiến trên thế giới. Theo đó, Đảng và Nhà nước ta đã cử hàng ngàn học sinh, sinh viên sang Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em học tập, nghiên cứu, và đã trở thành những cán bộ chủ chốt, những nhà khoa học đầu đàn của nước ta sau này.
Người Thầy của những giá trị thời đại
Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của những giá trị thời đại, trong đó có giá trị về tấm gương mẫu mực của một người thầy giản dị, lỗi lạc. Từ thầy giáo Nguyễn Tất Thành đến Nguyễn Ái Quốc và Chủ tịch Hồ Chí Minh của nước Việt Nam độc lập, trong bất cứ hoàn cảnh nào, điều kiện nào Người cũng kết hợp chặt chẽ công việc giáo dục và công việc cách mạng. Với Người, công tác cách mạng là công tác giáo dục và công tác tổ chức toàn dân; cách mạng là giáo dục, dạy học, giáo dục là để phục vụ cách mạng điều đó đã làm nên giá trị thời đại của tư tưởng, đạo đức, phong cách người thầy vĩ đại Hồ Chí Minh.
Với tầm nhìn thời đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Thế giới ngày càng đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để kịp tiến bộ nhân dân”. Chúng ta phải “sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới”, làm cho “ai cũng được học hành”. Phải xây dựng một chương trình giáo dục toàn diện bao gồm đức, trí, thể, mỹ trong đó đức là gốc; luôn luôn gắn nội dung giáo dục với thực tiễn Việt Nam, học đi đôi với hành, lí luận đi đôi với thực tế. Phải xây dựng một nền giáo dục thật sự dân chủ, bình đẳng “đào tạo ra những công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có” của người học. Người chỉ rõ vai trò, ý nghĩa của học tập: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại…”. Vì vậy, phải chú trọng xây dựng đội ngũ thầy giáo, cô giáo tốt “cả tài, cả đức”, yêu nghề, yêu trường, luôn tất cả vì học sinh thân yêu, không ngừng học tập, rèn luyện và trao dồi đạo đức cách mạng… Nghề dạy học là nghề cao quý với sứ mệnh rất vẻ vang. Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt.
Những tư tưởng của Hồ Chí Minh về giáo dục nêu trên không chỉ có ý nghĩa đối với dân tộc Việt Nam mà còn hoàn toàn phù hợp với những nguyên lý giáo dục của thời đại. Năm 1996, UNESCO đã đề xuất bốn trụ cột được xem như là chân lý, tư tưởng của giáo dục trên toàn thế giới thế kỷ XXI, đó là “học để có kiến thức, học để làm việc, học để biết chung sống với nhau và học để làm người”. Những trụ cột này đã được thể hiện đầy đủ trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục. Điều đó cho thấy tầm nhìn vượt thời đại trong tư tưởng giáo dục của Người.
Hiện nay chúng ta đang tích cực đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng, cần thiết đặc biệt đối với đội ngũ các thầy, cô giáo trong bối cảnh toàn ngành đang nỗ lực “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh – người thầy giáo của tầm nhìn thời đại đã, đang và sẽ tiếp tục tỏa sáng cho sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, trước hết là tiếp tục toả sáng trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đào Tùng