Tên sách: Hồ Chí Minh - Nhà ngụ ngôn kiệt xuất
Tác Giả: Nguyễn Thanh Tú
Năm Xuất Bản: 2019
Số Trang: 268
Nhà Xuất bản: Văn học
Ngụ ngôn, với đặc trưng là lời nói, mẩu chuyện trong đó gửi gắm một ý tứ xa xôi, bóng gió có tính giáo dục bài học nhân sinh gì đó được sử dụng rộng rãi, phổ biến trong dân gian nên được các nhà chính trị, tư tưởng lấy đó để diễn đạt các suy nghĩ, quan niệm của họ. Thực tế các nhà ngụ ngôn nổi tiếng thế giới như Êdốp, Pheđơrơ, La Phôngten, Trang Tử, Liệt Tử… cũng đều là các nhà tư tưởng. Trường hợp Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, với tư cách là một nhà chính trị cũng mượn ngụ ngôn để sử dụng vào mục đích chính trị, tôi gọi đó là ngụ ngôn chính trị.
Ngụ ngôn Hồ Chí Minh lấy điểm tựa là ngụ ngôn dân gian và các ngụ ngôn bác học nổi tiếng trên thế giới nên rất sâu sắc. Ví dụ các truyện "Con rùa", "Đồng tâm nhất trí"… Truyện "Con rùa" không chỉ hướng sự tố cáo đến giai cấp thống trị mà còn vạch ra tình trạng nô lệ thảm hại của kẻ bị trị; "Đồng tâm nhất trí" không chỉ là sự nhất trí chung chung trên lời nói mà là sự đoàn kết trên cơ sở sự thấu hiểu sâu sắc…
Dễ nhận thấy trong thế giới ngụ ngôn Hồ Chí Minh có truyện ngụ ngôn (Con rùa, Đồng tâm nhất trí…), kịch ngụ ngôn (Con rồng tre…), thơ ngụ ngôn (Hòn đá, Chơi giăng…), là mẩu chuyện, là lời nói, là hình tượng mang tính ngụ ngôn. Và có nhiều phong cách: Là sự đả kích, lên án, tố cáo; Là những bài học về đường lối cách mạng và kháng chiến; Là những bài học giáo dục tinh tế; Là những bài học đối ngoại, là phương tiện giao đãi bạn bè vui vẻ, ý nhị. Đây chính là những căn cứ để tác giả đặt tên cho chuyên luận của mình là: "Hồ Chí Minh - Nhà ngụ ngôn kiệt xuất".
Tổng hợp từ Internet