Kỷ niệm lần thứ 79 cuộc Cách mạng tháng Tám, cũng đã 79 năm kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, chúng ta cùng ôn lại quan điểm nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng, Nhà nước ta trong gần 80 năm qua về xây dựng nền giáo dục toàn dân, vì dân, xây dựng xã hội học tập vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh
Từ quan điểm “Ai cũng được học hành”
Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam độc lập đứng trước nhiều khó khăn, thác thức, “vận mệnh dân tộc như thế ngàn cân treo sợi tóc”, trong đó nổi lên 3 khó khăn lớn: "giặc đói", "giặc dốt" và giặc ngoại xâm.
Với “giặc dốt”, dưới thời Pháp thuộc, hơn 90% dân số Việt Nam chưa biết chữ. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Bởi lẽ, muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh nước giàu, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Vì vậy, cùng với lo cho dân có cái ăn, cái mặc thì phải lo cho dân được học hành, trước trết là lo cho dân biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ.
Ngày 03/9/1945, chủ tọa phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ tại Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, “Vấn đề thứ hai, nạn dốt” và đề nghị “mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ ”[1].
Với lòng yêu nước và yêu nhân dân sâu sắc của mình, Người tin tưởng vào sự thành công của công việc xóa nạn mù chữ và đặt ra, “chỉ cần ba tháng là đủ để học đọc, học viết tiếng nước ta theo vần quốc ngữ”[2].
Để thực hiện nhiệm vụ “chống giặc dốt” do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra, ngày 08/9/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ban hành các sắc lệnh: Sắc lệnh số 17/SL thành lập Ban Bình dân học vụ thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục[3]; Sắc lệnh số 19/SL quy định tổ chức các lớp học buổi tối cho công nhân và nông dân[4]; Sắc lệnh số 20/SL quy định việc bắt buộc học chữ quốc ngữ trong toàn quốc[5].
Ngày 04/10/1945, nhân danh người đứng đầu Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân Việt Nam tham gia “chống nạn thất học”.
Người nói: “Số người Việt Nam thất học so với số người trong nước là 95 phần trăm, nghĩa là hầu hết người Việt Nam mù chữ. Như thế thì tiến bộ làm sao được? Nay chúng ta giành được quyền độc lập. Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này, là nâng cao dân trí.
Chính phủ đã ra hạn trong một năm, tất cả mọi người Việt Nam đều phải biết chữ quốc ngữ. Chính phủ đã lập một Nha Bình dân học vụ để trông nom việc học của dân chung......”[6].
Phong trào Bình dân học vụ do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động và nhân dân toàn quốc tham gia đã trở thành một phong trào quần chúng sôi nổi, rộng khắp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt niềm tin vào anh chị em giáo viên Bình dân học vụ, những người “đã chịu cực khổ khó nhọc, hy sinh phấn đấu, để mở mang tri thức phổ thông cho đồng bào, để xây đắp nền văn hoá sơ bộ cho dân tộc”[7].
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một lớp học xóa mù chữ sau Cách mạng tháng Tám (Ảnh tư liệu)
Người gọi những giáo viên tham gia giảng dạy lớp xóa mù chữ là những người “vô danh anh hùng”. Đồng thời, Người đã viết vào đầu cuốn sách “Phương pháp và cách thức dạy vỡ lòng chữ quốc ngữ” do Nha Bình dân học vụ xuất bản năm 1946 những lời căn dặn cụ thể: Anh chị em giáo viên Bình dân học vụ cố gắng đọc kỹ sách này, rồi tận tâm dạy bảo đồng bào thất học, làm cho nạn mù chữ chóng hết. Thế là làm tròn một nghĩa vụ thiêng liêng của mình đối với Tổ quốc.
Người động viên học viên Bình dân học vụ một cách ân cần. Người nói: “Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết đi... Phụ nữ lại càng phải học, đã lâu chị em bị kìm hãm, đây là lúc chị em phải cố gắng”[8].
Kết quả của chiến dịch diệt dốt từ mùa Đông năm 1945 và trong năm 1946 mới là kết quả bước đầu nhưng hết sức vang dội.
Ở Trung ương, Nha Bình dân học vụ đã mở các khoá huấn luyện để thống nhất quán triệt đường lối, phương châm, phương pháp, biện pháp giáo dục Bình dân học vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên môn: Khoá “Hồ Chí Minh” (11/1945), học viên từ Thanh Hoá trở ra, 79 đại biểu, huấn luyện 17 ngày; Khóa “Phan Thanh” (11/1945), học viên Trung bộ, 67 đại biểu, huấn luyện 7 ngày; Khoá “Đoàn kết” (7/1946), học viên của 14 dân tộc thiểu số, 75 đại biểu, huấn luyện 30 ngày.
Ở địa phương, các Ty Bình dân học vụ tỉnh, Ban Bình dân học vụ huyện và Uỷ ban hành chính kiêm kháng chiến xã, phường tổ chức các lớp Bình dân học vụ ở các làng xóm, khu phố. Mọi địa bàn đều có lớp sơ cấp dành cho người bắt đầu học (còn gọi là lớp i tờ) học từ a b c.
Chỉ sau hơn một năm thực hiện giáo dục Bình dân học vụ, chúng ta đã mở được 75.805 lớp học, có 97.604 người tham gia dạy học và hơn 2,5 triệu học viên đã biết đọc, biết viết.
Kết quả đó là sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong những ngày đầu giành lại độc lập đầy gian khó, đồng thời, cũng thể hiện tư tưởng về kiến thiết một nền giáo dục mới - nền giáo dục toàn dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đến xây dựng xã hội học tập
Tiếp nối quan điểm xây dựng nền giáo dục toàn dân, “ai cũng được học hành” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với khát vọng phát triển đất nước ở một tầm cao mới, xác định một trong ba đột phá chiến lược là “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”[9]. Để hiện thực hóa khát vọng phát triển Việt Nam, phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam, Đại hội XIII không chỉ tiếp tục xem giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, mà còn “là động lực then chốt để phát triển đất nước”[10].
Đại hội nhấn mạnh cần “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”[11]; “Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế-xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”[12], phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về giáo dục và đào tạo ở khu vực, bắt kịp với trình độ tiên tiến của thế giới, tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế. Để tạo điều kiện thuận lợi cho mỗi người dân có cơ hội được thụ hưởng công bằng thành quả của nền giáo dục trong thời đại xã hội số, Đại hội nhấn mạnh: “Đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời”[13].
Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030) nêu rõ nhiệm vụ, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới: “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt… Chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên lực lượng lao động. Hình thành đội ngũ lao động lành nghề, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng lao động. Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo”[14].
Một lớp học Bổ túc văn hóa cho cán bộ tại huyện Quế Phong, Nghệ An, năm 1967 (Ảnh tư liệu)
Về xây dựng xã hội học tập, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030) nhấn mạnh: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý dạy và học trực tuyến, qua internet, truyền hình, các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội… Đa dạng hóa các loại hình đào tạo”[15].
Quán triệt chủ trương Đại hội XIII (2021) của Đảng về xây dựng xã hội học tập, ngày 25/5/2021, Chính phủ ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg “Về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” nhằm tiếp tục triển khai một cách có hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay vì một nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế tri thức, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó, coi việc thúc đẩy việc học tập của người lớn như một giải pháp then chốt để nâng cao chất lượng nhân lực tại chỗ đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế tri thức, làn sóng hội nhập và toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ. Đặc biệt, chuyển đổi số trong giáo dục được xem là một nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên hàng đầu để triển khai hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong giai đoạn mới.
Ngày 30/7/2021, Chính phủ ban hành Quyết định số 1373/QĐ-Ttg “Phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”, xác định mục tiêu: Tiếp tục và tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng xã hội học tập bảo đảm đến năm 2030 mọi người dân đều có cơ hội, bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.
Từ tư tưởng “Ai cũng được học hành” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến chủ trương xây dựng xã hội học tập của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII cho thấy mạch xuyên suốt là kiến thiết một nền giáo dục toàn dân, vì nhân dân.
Chi Mai
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.7.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.7.
[3] “Đặt ra một Bình dân học vụ trong toàn cõi Việt Nam; Cử ông Nguyễn Công Mỹ làm giám đốc Bình dân học vụ”.
[4] “Trong toàn cõi nước Việt Nam, sẽ thiết lập cho công nhân và nông dân những lớp học bình dân buổi tối; trong hạn sáu tháng, làng nào và đô thị nào cũng đã phải có một lớp học dạy được ít nhất là 30 người.”
[5] “Trong khi đợi lập được nền tiểu học cưỡng bách, việc học chính quốc gia từ nay bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người; Hạn trong một năm, toàn thể dân chúng Việt Nam trên 8 tuổi phải biết đọc và biết viết chữ quốc ngữ. Quá hạn đó, một người dân Việt Nam nào trên 8 tuổi mà không biết đọc và biết viết chữ quốc ngữ sẽ bị phạt tiền; Các khâu chi phí sẽ chia cho quỹ hàng tỉnh và hàng xã phải chịu”.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.40.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.556.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.41.
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 54.
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tr.136.
[11] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tr. 115
[12] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tr. 136.
[13] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tr. 137.
[14] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tr.232.
[15] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tr. 232-233.