Số liệu thống kê về tình hình doanh nghiệp trong những tháng đầu năm 2021 vẫn rất đáng quan ngại. Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại kinh doanh cơ bản không thay đổi so với những năm trước.
Tuy nhiên, số doanh nghiệp rút lui và tạm ngừng kinh doanh rất cao. Nếu như 4 tháng đầu năm 2019 có 22.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, thì đến 4 tháng đầu năm 2020 con số này tăng lên 41.000 và trong 4 tháng năm 2021 lên tới 51.500 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 28.000, trong khi năm 2019 chỉ có 16.000.
Lý giải nguyên nhân doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, các chuyên gia cho rằng phần lớn là do Coivd-19. Thậm chí, làn sóng Covid-19 lần thứ tư còn rất nguy hiểm, khi đánh vào hai cơ sở của nền kinh tế mà Chính phủ cố giữ vững thời gian qua, đó là cơ sở y tế và khu công nghiệp.
Vừa chống dịch, vừa phục vụ sản xuất
Các doanh nghiệp sẽ ngày càng yếu đi theo thời gian nếu dịch bệnh Covid chưa có có dấu hiệu dừng lại. Do đó, cần phải có giải pháp thực thi ngay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 quan ngại, doanh nghiệp có tổng cộng 12.000 lao động làm tại 18 nhà máy ở nhiều tỉnh, thành phố. Đây là vấn đề khó khăn khi phải thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Đợt dịch lần 4 bùng phát có nguy cơ ảnh hưởng lớn và sâu rộng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và sức khoẻ người lao động. Tình hình năm 2021 rất khác năm 2020. Năm 2020, khi bị ảnh hưởng bởi Covid-19, Công ty May 10 bị chặt đứt nguồn cung và cầu, bởi 90% sản phẩm là xuất khẩu tới thị trường Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
Ngược lại, năm nay May 10 có quá nhiều đơn hàng và làm không hết. Quy định chống dịch rất chặt chẽ, nhưng chưa tháo gỡ cho doanh nghiệp về cách thức cụ thể để làm sao doanh nghiệp vẫn sản xuất được trong bối cảnh chống dịch.
“Hiện chúng tôi vẫn đang yêu cầu 200 lao động là đối tượng F2, F3 ở nhà. Nhưng nếu kéo dài, sẽ rất khó để chúng tôi duy trì sản xuất, bởi may mặc là làm theo thời vụ, tính theo ngày chứ không còn theo tuần”, ông Việt trăn trở, đồng thời kiến nghị cần có quy định cụ thể về giãn cách.
Cần giải pháp đồng bộ để thực hiện "mục tiêu kép". Ảnh: VNEconomy
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Sunhouse chia sẻ kinh nghiệm, trong giai đoạn trước khi bùng dịch, lãnh đạo doanh nghiệp đã họp ngay với các cán bộ cấp quản lý để đặt ra những kịch bản cụ thể như phong tỏa trong khu vực hẹp, phong tỏa thành phố, phong tỏa vùng miền.
Ông Phú nhấn mạnh: “Nếu phong tỏa từng phần, Sunhouse sẽ chia nhiều kho hàng để không bị đứt gãy. Nhà máy chia ra nhiều nếu một nhà máy bị “dính dịch” thì các nơi khác bù vào. Phải đa kênh, đa dạng thị trường sẽ giúp doanh nghiệp bình ổn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng chú trọng cân đối giữa phần vay, phần dự phòng. Đặc biệt, nguồn tiết kiệm chỉ được phép dùng trong giai đoạn cực kỳ khó khăn hay gặp rủi ro. Với những chiến lược này, kết thúc năm tài chính Sunhouse vẫn tăng trưởng khoảng 15% kể cả doanh thu lẫn lợi nhuận, sau khi bù đắp tất cả rủi ro”.
Ông Phú tự tin: “Dịch bệnh bùng phát toàn thế giới, do vậy chúng ta cần sẵn sàng đón nhận rủi ro một cách khôn ngoan. Việc ngăn ngừa dịch bệnh là không thể tuyệt đối và phải chung sống với dịch một cách khôn ngoan”.
Hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp có khả năng phục hồi
Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng bởi Covid-19, ông Việt cho rằng gói hỗ trợ quan trọng nhất là gói 60.000 tỷ đồng năm 2020 nhưng đến nay May 10 chưa tiếp cận được gói này. Nguyên nhân là bởi yêu cầu doanh nghiệp phải có doanh thu giảm 30% và lao động giảm 50%. Nhưng nếu đáp ứng các tiêu chí này, thì doanh nghiệp đã đóng cửa.
Vì vậy, ông Việt cho rằng chính sách tài chính lần này cần chia gói hỗ trợ và đối tượng cần hỗ trợ. Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ nên tập trung vào các doanh nghiệp có khả năng hồi phục và cần hỗ trợ xứng đáng để họ có thể hồi phục và kéo nền kinh tế tăng trưởng. Với các đối tượng doanh nghiệp đóng cửa dài hạn thì các gói hỗ trợ lại khác.
“Các nước hỗ trợ doanh nghiệp dựa trên đóng góp bằng thuế, số lượng lao động tham gia bảo hiểm... Điều này khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh minh bạch và đóng thuế đủ. Còn với Việt Nam, hiện nay chỉ tập trung hỗ trợ nhóm doanh nghiệp khó khăn. Như vậy là khuyến khích khó khăn, thậm chí đẩy họ vào gian dối, trong khi có những đơn vị đóng thuế đủ lại bị đóng cửa. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khổ sở vì chỉ làm một lĩnh vực, có một cửa hàng nên khi dịch bùng phát, bị đóng cửa ngay lập tức”, ông Phú băn khoăn.
Vì thế, ông Phú đề xuất cần chia làm 2 nhóm quỹ hỗ trợ. Thứ nhất, bản thân các doanh nghiệp trong những khu vực bị phong tỏa cần được hỗ trợ ngay theo đóng góp của họ vào ngân sách. Thứ hai, hỗ trợ các đối tượng khó khăn. Nên chia nhóm doanh nghiệp để xây dựng các gói hỗ trợ. Nhóm doanh nghiệp lớn chiếm 80% nguồn thu ngân sách thì cần hỗ trợ kiểu khác như mở cửa thị trường, hỗ trợ họ đón các đoàn chuyên gia nước ngoài trong bối cảnh dịch hay các điều kiện để mở rộng sản xuất.
Ông Phú đề xuất: “Nếu 500 doanh nghiệp đứng đầu cả nước nhận được chính sách hỗ trợ hiệu quả, thì sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa cho những doanh nghiệp vệ tinh. Nhóm doanh nghiệp vừa, đa phần là vệ tinh của doanh nghiệp lớn lại cần những chính sách khác. Nhóm cuối là những nhóm siêu nhỏ, chỉ có một con đường sống, khi giãn cách xã hội, khoanh vùng thì cần có hỗ trợ ngay dựa trên đóng góp của họ. Còn nhóm những doanh nghiệp không may thì dùng quỹ kêu gọi xã hội”.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, câu chuyện hiện nay khẩn cấp hơn rất nhiều. Chúng ta không còn nhiều thời gian bàn giải pháp mà phải thực thi ngay. Với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua, chúng ta cần phải rút ra 2 bài học.
Thứ nhất, các gói hỗ trợ thời gian qua vô tình bỏ qua người nông dân sản xuất hàng hóa. Do vậy, các đối tượng trong chính sách mới cần phải tính toán kỹ hơn, thực sự công bằng hơn. Tiếp đó, các gói hỗ trợ phải tiếp cận theo hướng công bằng hơn, tiêu chí dễ dàng hơn, thực sự thiết thực cho doanh nghiệp.
Thứ hai, trong gói giải pháp về mặt chống dịch cần quan tâm đến vaccine. Vaccine chưa phải là tất cả nhưng là giải pháp tốt nhất hiện nay. Chúng ta chậm vaccine là sẽ chậm cuộc chơi so với thế giới. Do vậy, tôi đề xuất ngoài vaccine từ nguồn của Chính phủ, chúng ta nên có cơ chế để doanh nghiệp tự tìm kiếm và chi trả để tiêm vaccine cho người lao động.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ đưa ra tương đối đồng bộ, toàn diện. Tuy nhiên, các biện pháp thực hiện còn rất hạn chế như gói hỗ trợ tín dụng, gói hỗ trợ trả lương cho người lao động... VCCI sẽ rà soát và đề xuất lên Chính phủ cần xây dựng quy trình thủ tục minh bạch, đơn giản, dễ tiếp cận, phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Bên cạnh các biện pháp hỗ trợ thì các chính sách về thể chế rất quan trọng. Các thủ tục hành chính phải thiết kế theo tinh thần mới dễ dàng hơn, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
Cần đẩy mạnh các cuộc vận động "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam", "Hàng Việt chinh phục người Việt" để tiếp sức cho doanh nghiệp. Cùng với đó, cần xây dựng kịch bản diễn biến của thị trường để giúp doanh nghiệp chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong mọi tình huống để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng từ dịch bệnh./.
Theo VNEconomy