Trương An Dân (cựu sinh viên chuyên ngành quốc tế, trường ĐH Tôn Đức Thắng) hiện đang sinh sống và làm việc tại Mỹ. Họa sĩ chia sẻ, anh rất yêu văn hóa, kiến trúc, hội họa, lịch sử và đất nước Việt Nam. Sống xa quê hương, tâm trí anh luôn trăn trở: “Nếu vẽ tái hiện bản đồ Việt Nam với các mảnh ghép các dân tộc thì sẽ ra sao?”. Chính câu hỏi ấy giúp anh có cảm hứng sáng tạo bộ tranh 54 Việt tộc (ý là 54 dân tộc trên đất nước Việt Nam - PV), khắc họa sống động vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam trong trang phục 54 dân tộc.
Tác phẩm tái hiện hình ảnh cô gái dân tộc Kinh. |
Mỗi tác phẩm được An Dân vẽ theo phong cách tranh Hàng Trống - dòng tranh khai thác nhiều về văn hóa mẫu hệ nên An Dân thể hiện đường nét các nhân vật mềm mại ngũ quan và hình thể.
Dân tộc Ê Đê mặc trang phục truyền thống với màu chàm đen, họa tiết hoa văn gồm màu đỏ, xanh, vàng, trắng. |
Với mỗi dân tộc, anh tìm kiếm nhiều nguồn ảnh, đọc tư liệu tham khảo về đời sống sinh hoạt, trang phục của họ. Anh nắm bắt những họa tiết đặc trưng trong cách ăn mặc của người dân và thể hiện lại qua các tác phẩm.
“Mỗi bức tranh là sự đầu tư thời gian của mình trong việc tìm hiểu kiến thức thời trang riêng biệt của từng dân tộc. Mình vẽ lại dưới dạng trực quan như ‘profile picture’ 54 dân tộc trên quê hương Việt Nam. Ở khâu vẽ, mình thực hiện tỉ mỉ và kỹ lưỡng từng chi tiết, nên mất khoảng 2 tháng để hoàn thành các tác phẩm. Sau khi hoàn thành, mình dành gần một tiếng đồng hồ để chiêm ngưỡng thành quả. Cảm xúc có thể diễn tả bằng hai từ: Hạnh phúc”, An Dân chia sẻ.
Các cô nàng trong tác phẩm thường có gương mặt bầu bĩnh, hơi mũm mĩm một chút vì được cách điệu theo chủ ý của tác giả. “Qua bộ tranh 54 Việt tộc, mình muốn bày tỏ tình cảm rằng, Việt Nam mình rất đẹp. Mỗi cái đẹp rất riêng trong mắt mỗi người. 54 Việt tộc là những hình ảnh đẹp đậm chất Việt Nam trong mắt mình”, Nemoo hào hứng chia sẻ.
Khi chia sẻ các bức vẽ trên nhiều diễn đàn, công chúng hưởng ứng với những bình luận về trang phục của các nhân vật, lời khen dành tặng bộ tranh như: Xinh đẹp và tỏa sáng nhất vẫn là những người phụ nữ Việt Nam! Thật tự hào; Từ những bức ảnh này, mình mới biết thêm nhiều trang phục và tên gọi của nhiều dân tộc mà trước giờ chưa từng biết đến; Trước khi đọc sách ở thư viện trường, mình toàn xem những nét vẽ này. Cảm ơn cái tâm của họa sĩ - duyên dáng và dễ thương...
Sang Mỹ sinh sống, An Dân làm công việc chính ở tiệm nail (làm móng). Thời gian rảnh, anh tự học và thực hành vẽ tranh. “Hồi nhỏ, mình rất thích vẽ, vẽ lên tường nhà, sân nhà, giấy trắng, chỗ nào vẽ được là sẽ vẽ… Tốt nghiệp đại học và đi làm, mình mong muốn, theo đuổi đam mê mỹ thuật, cho nên, mình xác định nghề nail hiện tại là công việc còn hội họa mới là sự nghiệp”, An Dân chia sẻ thêm.
Họa sĩ Trương An Dân. |
Ngoài làm công việc chính, chàng họa sĩ trẻ ‘chăm chỉ’ tham gia các buổi hội thảo về vẽ tranh và đang lên ý tưởng cho các dự án mới. An Dân cho biết, anh xem tranh để học hỏi thêm từ nhiều hoạ sĩ. Anh có xu hướng thần tượng những người tài giỏi xung quanh, trong lĩnh vực hội hoạ, An Dân thần tượng người anh - người thầy của mình: Hoạ sĩ Phạm Minh Hoàng (hay còn gọi làNgười Đá). Họa sĩ 9X hy vọng những dự án sắp tới của anh sẽ được mọi người yêu thích và đón nhận nồng nhiệt.
Nguồn Sinh viên Việt Nam