Xã Hoà Xá, huyện Ứng Hòa nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “Chiếc gậy Trường Sơn”
Hòa Xá, nơi phong trào thi đua yêu nước chống Mỹ, cứu nước mạnh mẽ
Năm 1967, đế quốc Mỹ mở rộng đánh phá ra miền Bắc và đẩy mạnh chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta bước vào thời kỳ căng thẳng, khốc liệt, đặt ra yêu cầu cần phát huy cao độ sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đặc biệt là ở hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Nhanh chóng đáp lời kêu gọi của Trung ương Đảng, trên toàn miền Bắc đã xuất hiện nhiều phong trào thi đua, thể hiện sôi nổi tinh thần chi viện cao nhất sức người, sức của cho chiến trường, tạo ra không khí lạc quan từ hậu phương tới tiền tuyến.
Hòa cùng khí thế của cả nước, thanh niên huyện Ứng Hoà đã luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm, có nhiều sáng tạo trong tổ chức thực hiện. Ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhiều thế hệ thanh niên Ứng Hòa đã xung phong lên đường tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước. Nhiều học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường đã làm đơn tình nguyện để được tham gia chiến đấu. Thậm chí, nhiều thanh niên chưa đủ tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự nhưng với tình yêu nước, trách nhiệm trước vận mệnh của dân tộc đã tự nguyện viết “huyết tâm thư”. Đây là những minh chứng rõ nét nhất về truyền thống yêu nước và cách mạnh của những người con quê hương Ứng Hòa.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cùng với nhân dân trong toàn huyện, nhân dân xã Hòa Xá đã luôn nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí, quyết tâm sát cánh, chia sẻ với đồng bào, chiến sĩ miền Nam trong cuộc đấu tranh với đế quốc Mỹ và các lực lượng tay sai xâm lược miền Nam Việt Nam. Người dân Hòa Xá đã có nhiều đóng góp quan trọng vào thắng lợi chung của dân tộc. Địa phương cũng vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm vào ngày 07/6/1960. Được Người động viên, nhân dân xã Hòa Xá nói riêng, huyện Ứng Hòa nói chung thi đua lao động sản xuất giỏi, góp phần chi viện sức người, sức của cho miền Nam đánh thắng giặc Mỹ.
Trong những năm tháng chống Mỹ, cứu nước, Hòa Xá vinh dự được tỉnh Hà Tây chọn làm điểm để triển khai phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng”, động viên thanh niên lên đường tòng quân, xung phong vào miền Nam chiến đấu. Hưởng ứng phong trào, Đảng bộ và nhân dân Hòa Xá đã phát động hàng loạt chương trình như: “Tiền tuyến cần một, Hòa Xá có hai”; “Đã đi là đến, đã đến là đánh thắng”; “Vai đeo 25 cân, chân đi ngàn dặm”;…
Thanh niên Hòa Xá phát huy tinh thần của tuổi trẻ, đã đề ra sáng kiến mang tính điển hình là xây dựng phân đội dự bị. Đây là sáng kiến nhằm đào tạo quân dự bị trước khi lên đường nhập ngũ tại địa phương, để khi Tổ quốc gọi, đơn vị “bộ đội làng” sẵn sàng lên đường chiến đấu. Đội quân dự bị được lập sẵn hồ sơ, rèn luyện tại đại phương những kỹ thuật chiến đấu như: ném lựu đạn, tập hành quân xa, mang vác nặng... Tất cả với khẩu hiệu “Vai đeo 25kg, chân đi ngàn dặm/Vượt núi băng sông, sẵn sàng nhập ngũ”. Lớp này đi, lớp sau kế cận lại tiếp tục được đào tạo, huấn luyện. Sáng kiến được thực hiện hiệu quả trong thực tiễn và được nhân rộng tới nhiều xã trong huyện, trong tỉnh và trên phạm vi cả miền Bắc.
Hòa Xá, quê hương của “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Chiếc nhẫn thủy chung” huyền thoại
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thanh niên Hòa Xá xung phong lên đường vào miền Nam chiến đấu, không chỉ là sự tiếp nối truyền thống cách mạng của quê hương anh hùng mà trong thời gian chiến đấu oanh liệt ấy, những thanh niên Hòa Xá luôn nhớ về quê hương với tình yêu da diết và gửi tình yêu đó vào những kỷ vật thiêng liêng của chiến trường.
Trong những thời khắc ác liệt của cuộc đấu tranh chống Mỹ, khi nhân dân Hòa Xá nói riêng và nhân dân miền Bắc nói chung đang phải chiến đấu chống lại âm mưu phá hoại của đế quốc Mỹ cũng là thời điểm người dân quê nhà nhận được món quà vô giá từ chiến trường miền Nam. Đó là ba chiếc gậy của các anh Đỗ Tít, Lưu Long và Phùng Quán sau khi vượt Trường Sơn đã gửi về quê hương, vừa để báo tin rằng các anh đã đến nơi Tổ quốc cần, vừa để thể hiện quyết tâm lập công ngay tại mặt trận diệt quân Mỹ.
Chiếc gậy nhẵn bóng, mòn vẹt chỗ tay cầm và toét sơ phía đầu dưới, còn khắc ghi những dòng chữ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Hình ảnh ba chiếc gậy mà các anh gửi về đã trở thành biểu tượng in sâu vào tâm thức của người dân Hòa Xá và được phát động thành phong trào “Trao gậy Trường Sơn”. Các đợt giao quân, thanh niên nhập ngũ được các cụ cao niên trong làng trao tặng một “Chiếc gậy quê hương”. Trên mỗi cây gây đều khắc câu thơ: “Gậy này là gậy Trường Sơn/ Của trai Hòa Xá lên đường tòng quân” thay cho lời nhắn nhủ giữ trọn tấm lòng thủy chung, son sắt với Tổ quốc.
Các phụ lão Hòa Xá trao gậy Trường Sơn cho thanh niên lên đường nhập ngũ trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (Ảnh tư liệu)
Tháng 7/1967, trong một dịp đi thực tế, nhạc sĩ Phạm Tuyên đặt chân tới mảnh đất Hòa Xá. Được nghe kể về sự ra đời của những chiếc gậy từ tiền tuyến gửi về và trở thành gậy truyền thống của quê hương, người nhạc sĩ trẻ đã cảm hứng sáng tác bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn”. Bài hát ra đời, chỉ một thời gian ngắn đã nhanh chóng phổ biến từ hậu phương ra tiền tuyến, như lời thúc giục lên đường, tiếp thêm sức mạnh cho các binh đoàn hành quân ra tiền tuyến.
Nếu như “Chiếc gậy Trường Sơn” là tình cảm và quyết tâm của người chiến sĩ ở chiến trường gửi về hậu phương thì hình ảnh “Chiếc nhẫn thuỷ chung” là tình cảm của hậu phương Hòa Xá gửi đến những người chiến sĩ nơi chiến trường xa xôi và ác liệt.
Trong một lần về thăm xã Hòa Xá, Đoàn đại biểu Tỉnh đội Hà Nam đã tặng Hòa Xá 21 chiếc nhẫn được kỳ công mài rũa từ xác máy bay Mỹ do quân và dân tỉnh Hà Nam bắn rơi. Sau đó, các đồng chí lãnh đạo xã đã có sáng kiến đem 21 chiếc nhẫn tặng chị em có chồng hoặc người yêu đi bộ đội và đặt tên là “Chiếc nhẫn thuỷ chung”. Và trong những đợt tuyển quân, tiễn người thân ra trận, chiếc nhẫn chính là món quà mà những người vợ, người yêu gửi tặng cho chồng, người yêu mình trước khi lên đường nhập ngũ. Chiếc nhẫn là minh chứng cho lòng chung thủy sắt son của người yêu, người vợ trọn nghĩa vẹn tình, là hậu phương vững chắc, chỗ dựa tinh thần động viên các chiến sĩ yên tâm chiến đấu và quyết tâm chiến thắng để trở về.
Hình ảnh biểu tượng của những “Chiếc gậy Trường Sơn” và “Chiếc nhẫn thuỷ chung” chính là sức mạnh tinh thần to lớn, truyền lửa cho thế hệ thanh niên của xã Hòa Xá nói riêng và huyện Ứng Hòa nói chung. Nhiều phong trào của thanh niên đã được ra đời, góp phần tích cực chi viện sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Phong trào xây dựng “Bộ đội làng” được cụ thể bằng phong trào “Rèn luyện đôi vai ngàn cân, đôi chân vạn dặm” nhằm bảo đảm “tiền tuyến gọi, có ngay”; “chiến trường cần 1, hậu phương có 2”; “đã đi là đến, đã đến là thắng”. Tất cả thanh niên Hòa Xá đều tích cực tham gia luyện tập, lúc đầu đi bộ chỉ 5km, vai mang 5 viên gạch (khoảng 10kg), sau tăng lên 15 - 20km và 10 - 15 viên gạch. Các em học sinh, các cháu thiếu nhi và cả các cụ già cũng tham gia rèn luyện sức bền, sức dẻo dai. Ngoài ra, thanh niên Hòa Xá còn tham gia hàng loạt các phong trào do địa phương phát động như phong trào “10 bảo đảm chính sách hậu phương”, tham gia nuôi dưỡng 65 bố mẹ liệt sĩ, cô đơn, làm 105 gian nhà, giúp đỡ hàng nghìn ngày công lao động cho các gia đình liệt sĩ, quân nhân khó khăn. Tinh thần của thanh niên là yếu tố quan trọng giúp Hòa Xá luôn vượt chỉ tiêu tuyển quân, chi viện cho tiền tuyến trong những năm ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước, Hòa Xá là một trong những xã đi đầu về phong trào tòng quân đánh giặc và xây dựng lực lượng dân quân du kích vững mạnh. Hòa Xá đã có 680 thanh niên lên đường đi chiến đấu, trong đó 91 người đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường. Toàn xã có 6 gia đình có 4 người con theo kháng chiến; 11 gia đình có 3 người con ra mặt trận; 61 gia đình có 2 người con lên đường nhập ngũ.
Với những đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, năm 1973, nhân dân Hòa Xá vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là nguồn động lực quan trọng để các thế hệ thanh niên Hòa Xá tiếp tục viết nên những trang sử vẻ vang, làm cho quê hương ngày càng giàu mạnh, phát triển.
Bảo tàng quê hương phong trào Chiếc gậy Trường Sơn tại Hòa XáNăm 2000, Bảo tàng “Chiếc gậy Trường Sơn” đã được xây dựng trên chính quê hương Hòa Xá. Nơi đây lưu giữ nhiều hiện vật của phong trào “Trao gậy Trường Sơn, tặng nhẫn chung thủy” và những phần thưởng cao quý của quê hương Hòa Xá anh hùng, không chỉ là minh chứng cho truyền thống cách mạng hào hùng của người Hòa Xá mà còn có giá trị giáo dục truyền thống cho lớp lớp thế hệ trẻ mai sau.
Kim Dung