Tầm quan trọng của đánh giá cán bộ
Trong các khâu của công tác cán bộ, đánh giá cán bộ là việc làm khó, nhạy cảm vì nó ảnh hưởng đến tất cả các khâu khác của công tác cán bộ, có ý nghĩa quyết định trong việc phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ cũng như giúp cán bộ phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm, tiến bộ không ngừng trong việc nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực và hiệu quả công tác của cán bộ. Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Trước khi cất nhắc cán bộ, phải nhận xét rõ ràng. Chẳng những xem xét công tác của họ, mà còn phải xét cách sinh hoạt của họ. Chẳng những xem xét cách viết, cách nói của họ, mà còn phải xem xét việc làm của họ có đúng với lời nói, bài viết của họ hay không. Chẳng những xem xét họ đối với ta thế nào, mà còn phải xem xét họ đối với người khác thế nào. Ta nhận họ tốt, còn phải xét số nhiều đồng chí có nhận họ tốt hay không. Phải biết ưu điểm của họ, mà cũng phải biết khuyết điểm của họ, không nên chỉ xem công việc của họ trong một lúc, mà phải xem cả công việc của họ từ trước đến nay. Biết rõ ràng cán bộ, mới có thể cất nhắc cán bộ một cách đúng mực”[1]
Nhìn vào công tác cán bộ thời gian qua cho thấy, rất nhiều cán bộ trước kia được đánh giá tốt, được khen thưởng, đề bạt, bổ nhiệm nhưng hôm nay không những không phát huy được tác dụng mà còn bị kỷ luật đảng, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đánh giá cán bộ, trên thực tế vẫn là khâu khó và yếu và còn hình thức, chưa phản ánh đúng được thực chất đội ngũ cán bộ; chưa lấy hiệu quả công việc làm thước đo chủ yếu trong đánh giá cán bộ, công chức; còn cảm tính, hình thức, xuê xoa, chiếu lệ; thiếu tính chiến đấu, thiếu tinh thần xây dựng trong đánh giá cán bộ. Do đó, đánh giá cán bộ cần tránh cả hai khuynh hướng: vì yêu ghét một cách cảm tính nên tốt mà nói thành xấu thì mất cán bộ; vì thân quen mà xấu nói thành tốt thì sẽ làm hỏng việc của Đảng, của Nhà nước.
Như vậy, đánh giá đúng sẽ phát huy được tinh thần dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm để đội ngũ cán bộ, công chức khắc phục được “bệnh” sợ trách nhiệm, vươn lên hoàn thành tốt trách nhiệm công vụ được giao. Đánh giá đúng cán bộ còn góp phần khơi dậy ý thức của bản thân đối với công việc hằng ngày, dám thừa nhận sai lầm, khuyết điểm, biết nhận lỗi để sửa chữa, khắc phục nhằm thực hiện tốt hơn trách nhiệm được giao. Ngoài ra, đánh giá đúng cán bộ sẽ ngăn ngừa được tình trạng “tranh công, đổ lỗi”, không dám nhận trách nhiệm, không nhìn nhận đúng bản chất của sự việc để có những cải tiến và đổi mới tìm ra phương pháp, cách làm phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.
Hoàn thiện cơ chế đánh giá cán bộ
Với tinh thần thẳng thắn, khách quan, trong Bài phát biểu tại cuộc họp đấu tiên của Tiểu ban nhân sự Đại hội XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ những hạn chế của công tác cán bộ. Đó là: “Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội..., trong đó có cả cán bộ cấp cao, tuy đã được ngăn chặn nhưng vẫn chưa hoàn toàn bị đẩy lùi. Làm việc gì, giữ chức vụ gì cũng chỉ tính đến lợi quyền, bổng lộc cho cá nhân mình, gia đình mình trước nhất, quên cả thanh liêm, danh dự”[2].
Xuất phát từ tình hình thực tiễn, đồng chí Tổng Bí thư chỉ rõ yêu cầu của đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt của Đảng. Ban Chấp hành Trung ương khoá XIV phải là một tập thể thật sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, thống nhất cao ý chí và hành động; cần có số lượng và cơ cấu hợp lý; bảo đảm tính kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển; phải trên cơ sở quy hoạch; giữ vững nguyên tắc, quy chế, quy định, phát huy trách nhiệm, dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan trong đánh giá, giới thiệu, lựa chọn nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ tới.
Về mối quan hệ giữa số lượng, chất lượng và cơ cấu, Tổng Bí thư chỉ rõ: “Lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ các mặt, uy tín và hiệu quả công tác làm căn cứ và tiêu chí cơ bản để đánh giá, lựa chọn, bố trí cán bộ phù hợp với công việc. Chống các biểu hiện cơ hội, tham vọng quyền lực, vận động cá nhân, cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm...; cảnh giác với những âm mưu, thủ đoạn phá hoại, gây rối nội bộ của các thế lực thù địch”[3].
Sau khi đưa ra các tiêu chuẩn cụ thể đối với Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư khái quát là: “Nói tóm lại là phải vừa có Đức vừa có Tài, trong đó Đức là gốc”. Tổng Bí thư cũng yêu cầu không đưa vào Ban Chấp hành Trung ương những người có một trong các khuyết điểm như: (1) Bản lĩnh chính trị không vững vàng; không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cho cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm; thiếu chính kiến, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; (2) Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán; không công bằng, công minh trong đánh giá, sử dụng cán bộ, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình; (3) Để nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng hoặc để xảy ra tham nhũng, thất thoát, vụ việc tiêu cực lớn ở địa phương, cơ quan, đơn vị; (4) Không chịu nghiên cứu học hỏi; bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm; ý thức kỷ luật kém, không chấp hành sự điều động, phân công của tổ chức, uy tín giảm sút; (5) Kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính; (6) Vi phạm quy định về lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện nay.
Muốn vậy, theo Tổng Bí thư cần phải xác định rõ trách nhiệm của từng người, từng tổ chức vì công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng không chỉ là nhiệm vụ của Tiểu ban Nhân sự, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Ban Chấp hành Trung ương mà là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, của các cấp uỷ, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị và các địa phương. Các cơ quan, tổ chức có liên quan, mà trước hết là Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, phải dày công chuẩn bị, phải xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ “then chốt” của “then chốt”, có liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ, sự phát triển, vững mạnh của đất nước.
Trong tổ chức thực hiện cần phải thật sự phát huy dân chủ trong việc phát hiện, giới thiệu nhân sự đi đôi với xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng và người đứng đầu; phải kiểm tra, giám sát, đôn đốc thường xuyên.
Tổng Bí thư đưa ra một số lưu ý quan trọng trong việc lựa chọn, đánh giá cán bộ để làm tốt hơn nữa công tác nhân sự cho Đại hội XIV: “Chúng ta phải chăm lo xây dựng, vun xới, bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau để mỗi người tự hoàn thiện mình, phát huy mặt tốt, khắc phục mặt yếu; để khi mỗi cá nhân đứng trong cùng một tập thể thì tập thể đó trở nên hoàn thiện hơn, toàn diện, vững mạnh hơn; và mỗi cá nhân cũng trở nên tốt hơn, phát huy được nhiều hơn phẩm chất và năng lực của mình. Tránh tình trạng “cua cậy càng, cá cậy vây”, tự cao tự đại, coi thường người khác, không phối hợp, hợp tác tốt”[4].
Có thể nhận thấy, làm tốt công tác đánh giá, sàng lọc cán bộ là giải pháp cần thiết, hữu hiệu để lựa chọn những cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, bản lĩnh gánh vác những trọng trách của đất nước. Đó cũng chính là điều mà Nhân dân luôn kỳ vọng ở kỳ đại hội đảng các cấp sắp tới.
Hồng Kỳ
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 321
[2] https://baochinhphu.vn/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-phien-hop-dau-tien-cua-tieu-ban-nhan-su-102240313141811727.htm
[3] https://baochinhphu.vn/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-phien-hop-dau-tien-cua-tieu-ban-nhan-su-102240313141811727.htm
[4] https://baochinhphu.vn/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-phien-hop-dau-tien-cua-tieu-ban-nhan-su-102240313141811727.htm