Là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam ngày càng trở thành yêu cầu tất yếu, góp phần phát triển tổ chức và xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng phát triển, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của công nhân, của người lao động.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn: “Cán bộ công đoàn phải là người hiểu biết sản xuất, đời sống, nguyện vọng của công nhân, viên chức…”[1], từ đó, tổ chức công đoàn mới có thể làm tốt được chức năng, nhiệm vụ của mình. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc xây dựng và phát triển tổ chức công đoàn như là một trong những điều kiện tiên quyết góp phần xây dựng và phát triển giai cấp công nhân Việt Nam.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra yêu cầu: “Đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn phù hợp với cơ cấu lao động, nhu cầu, nguyện vọng của công nhân”[2]. Trên cơ sở đó, ngày 12/6/2021, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Trong đó, Nghị quyết tiếp tục nhấn mạnh quan điểm: "Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn phải phù hợp với số lượng, cơ cấu lao động, nhu cầu, nguyện vọng của công nhân, người lao động" [3].
Yêu cầu này vừa xuất phát từ nguyên tắc hoạt động của tổ chức công đoàn là “liên hệ mật thiết với quần chúng”, vừa xuất phát từ chức năng bản chất, cốt lõi của công đoàn là đại diện bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, người lao động đã được hiến định trong Hiến pháp năm 2013.
Trên thực tế, những hoạt động của tổ chức công đoàn sẽ thu hút được sự tham gia đông đảo của người lao động và thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ về chính trị, kinh tế, xã hội đều là những hoạt động xuất phát và phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của công nhân, người lao động. Đó là các hoạt động phục vụ quyền lợi, phúc lợi cho đoàn viên, người lao động như: “Mái ấm Công đoàn”, “Tết Sum vầy”, “Nâng cao chất lượng bữa ăn ca”…; những hoạt động tham gia giải quyết những vấn đề bức xúc về nhà ở, nhà trẻ, nơi sinh hoạt văn hoá, chăm sóc sức khỏe cho công nhân; các phong trào nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao trình độ, năng lực cho công nhân (như phong trào “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”)…
Đặc biệt, trong bối cảnh đời sống và việc làm của người lao động chịu tác động mạnh mẽ của các làn sóng đại dịch Covid -19, các cấp công đoàn đã có nhiều chương trình, hoạt động kịp thời nhằm đáp ứng những nhu cầu cơ bản cho người lao động như: hỗ trợ các đoàn viên, người lao động là F0 (3 triệu đồng/trường hợp); hỗ trợ các chiến sỹ ở tuyến đầu chống dịch ở bệnh viện dã chiến, khu cách ly (trước mắt, mỗi đơn vị là 50 triệu đồng); Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành Quyết định số 2606/QĐ-TLĐ về việc chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4…).
Liên đoàn Lao động Quận 1 - TP Hồ Chí Minh hỗ trợ quà cho công nhân bị ảnh hưởng dịch Covid -19. Ảnh: Internet
Trong thời gian tới, theo dự báo, điều kiện, môi trường hoạt động của tổ chức công đoàn và sự phát triển của giai cấp công nhân Việt Nam sẽ tiếp tục có những thay đổi quan trọng và cũng phải đối mặt với nhiều thách thức mới, nhất là việc nước ta tham gia và thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU - EVFTA…), phê chuẩn các công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế, cho phép ra đời tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài tổ chức Công đoàn, từ đó có thể tạo ra những thách thức trên nhiều phương diện khi lần đầu tiến vấn đề đa công đoàn sẽ được quy định và áp dụng tại Việt Nam.
Vậy trong bối cảnh mới, việc đổi mới hoạt động của Công đoàn Việt Nam cần phải phù hợp với những nhu cầu, nguyện vọng như thế nào của công nhân, người lao động?
Trước hết, đó là những nhu cầu và nguyện vọng được đặt trong bối cảnh mới: Sự phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số; hội nhập quốc tế sâu rộng; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; những tác động có thể kéo dài của đại dịch Covid -19… Đồng thời, đó vừa là những nhu cầu trước mắt (về ổn định việc làm, ổn định chỗ ở, cơ sở chăm sóc và giáo dục trẻ em…, nhất là trước sự tác động của đại dịch, thiên tai), vừa là những nhu cầu có tính lâu dài (đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng mềm nhằm thích ứng với công việc thời cách mạng công nghiệp 4.0, với tính cạnh tranh trong chuỗi lao động toàn cầu, với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…); vừa là những nhu cầu vật chất (ổn định và tăng thu nhập…), vừa đáp ứng những nhu cầu tinh thần (được tôn trọng, được ghi nhận, được tiếp cận các giá trị văn hoá và tinh thần…); các đối tượng khác nhau sẽ có nhu cầu khác nhau, ở những hoàn cảnh và thời điểm khác nhau. Mặt khác, nhu cầu và nguyện vọng của công nhân phải chính đáng, được đặt trong sự hài hoà, phù hợp với nhu cầu của người sử dụng lao động, của tổ chức, của xã hội và của quốc gia.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu (thứ ba, từ trái sang) động viên người lao động. Ảnh: Internet.
Do đó, cần xây dựng mô hình tổ chức công đoàn theo hướng mở, linh hoạt, năng động nhằm giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người lao động. Đồng thời, cần xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn bảo đảm về số lượng và chất lượng, có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín, có năng lực đối thoại, dẫn dắt, truyền cảm hứng, tập hợp, đoàn kết người lao động trên cơ sở nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng theo nhóm đối tượng, theo hoàn cảnh và theo thời điểm, cũng như có khả năng kết hợp hài hoà nhu cầu của đoàn viên, người lao động với nhu cầu của người sử dụng lao động, của tổ chức, xã hội và đất nước.
Bên cạnh đó, công đoàn các cấp căn cứ nhu cầu, nguyện vọng chính đáng và việc đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động để xác định nội dung và mục tiêu hoạt động; xây dựng niềm tin, tạo sự gắn kết giữa người lao động với tổ chức công đoàn để Công đoàn Việt Nam thực sự là tổ chức của người lao động, do người lao động và vì người lao động.
[1]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 12, tr. 568.
[2]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tập 1, tr.166.
[3]Ban Chấp hành Trung ương: Nghị quyết số 02-NQ/TW về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.
TS Nguyễn Thị Hoa