Hội chợ Viềng (chợ Du Xuân) Nam Định diễn ra một lần duy nhất trong năm sau Tết cổ truyền là một hoạt động văn hóa dân gian truyền thống đặc sắc đầu xuân của vùng cư dân lúa nước, có sức hút đặc biệt đối với người dân địa phương và cả du khách xa gần, là minh chứng về một phong tục tập quán đẹp của nhân dân; gửi gắm ước vọng một năm mưa thuận gió hòa, nông - công - thương phát đạt, mong cầu bình an, hạnh phúc, gặp nhiều may mắn cho năm mới.
Hội Chợ Viềng Nam Định. Ảnh: vietnamnet
Đầu xuân, du khách thập phương lại nườm nượp đổ về hội chợ Viềng Nam Định cầu tài lộc, may mắn, mong cho một năm mới an lành, thuận buồm, xuôi gió. Phiên chợ “cầu may” có một không hai, nổi tiếng nhất nhì đất nước này đã và đang tồn tại trong lịch sử chỉ họp một phiên duy nhất vào đêm mùng 7, rạng sáng mùng 8 tháng Giêng âm lịch.
Nhắc tới chợ Viềng Nam Định, ta thường tới nhớ tới câu nói cửa miệng “hai chợ một phiên”, đó là chợ Viềng Phủ (chợ chính) ở huyện Vụ Bản và chợ Viềng Chùa ở huyện Nam Trực. Thực tế, ngoài hai chợ Viềng đó, còn có hai chợ Viềng khác, đó là, chợ Viềng ở xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc (nay chỉ còn tồn tại như một địa danh) và chợ Viềng Lạng ở thôn Hải Lạng, xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Hưng họp vào ngày mùng 7 Tết cổ truyền, hiện nay rất ít người biết tới.
Theo thần tích và gia phả các dòng họ trong đình làng, chợ Viềng (hay "chợ Du Xuân") có từ thời cổ xưa và hình thành theo tục lệ làng xã của người dân địa phương. Kết quả của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho thấy, Hội chợ Viềng xuất hiện vào khoảng đầu thế kỷ XIV. Từ "Viềng" là từ Hán Việt, từ cổ, được giọi chệch đi của từ “về” hoặc “vầy”, chỉ sự sum họp, hội tụ nhân dân khắp mọi nơi đầu năm về chung vui.
Chợ Viềng làng Vân Chàng gắn với nghề rèn sắt được 6 ông tổ là Nguyễn Thận, Đỗ Bào, Phạm Nguyệt, Tử Cung, Tử Hầu và Nguyễn Nga truyền dạy. Đầu năm 1789 (ngày mùng 7 tháng Giêng), sau chiến thắng quân Thanh ở trận Ngọc Hồi - Đống Đa, tướng lĩnh của vua Quang Trung về các địa phương để báo tin thắng trận. Khi tới đầu làng Vân Chàng, ngựa bị hỏng móng phải dừng lại nhờ bà con ở đây rèn lại móng ngựa và vũ khí mang theo. Trong khi chờ đợi, các vị tướng đã ra lệnh cho lính lập đàn loan tin chiến thắng. Dân chúng ở khắp các xã và thôn lân cận đem trâu, bò về mổ ở làng Vân Chàng ăn mừng… Từ sự kiện này, người dân huyện Nam Trực đã lấy đêm ngày mùng 7 và sáng mùng 8 tháng Giêng làm ngày hội họp đầu xuân để tưởng nhớ đến hai vị tướng. Mỗi dịp đầu năm, vào ngày mồng 8 tháng Giêng, thời điểm chuẩn bị cho một vụ gieo cấy mới, các thợ rèn trong làng Vân Chàng lại đem những sản phẩm của mình ra đường cái đầu làng trưng bày để thi tay nghề và bán mở hàng đầu năm lấy may theo quan niệm dân gian. Nhờ vị trí thuận lợi, nhân dân các vùng xung quanh đã đến dự rất đông để mua sắm nông cụ, sản phẩm của các làng nghề truyền thống, hình thành một phiên chợ gọi là "chợ Viềng".
Làng Vân Chàng còn là nơi thờ tự nhiều vị tướng lĩnh như: Tướng Quý Minh - một viên tướng thời Hùng Vương; Triệu Việt Vương, tức Triệu Quang Phục (thế kỷ VI); Thiền sư Nguyễn Minh Không (Thế kỷ XI) - người lập nên chùa Đại Bi và truyền dạy cho nhân dân vùng này nghệ thuật múa rối cạn. Những câu hát rối chùa Đại Bi cùng với vị trí án ngữ của những con đường giao thông cổ quan trọng là điều kiện để phiên chợ Viềng ra đời ở đây trở nên nổi tiếng.
Chợ Viềng Phủ ra đời gắn với truyền thuyết về sự giáng sinh cùa công chúa Liễu Hạnh ở xã Kim Thái (thế kỷ XVI) - một nhân vật văn hoá dân gian vừa giống như có thật, vừa như truyền thuyết. Bà được dân gian phong Thánh, vừa được sắc phong như Thần, vừa được coi như bà Chúa, cô Tiên... Sự tích và hình tượng bà Chúa Liễu đã đi vào tâm thức và trở nên bất tử trong lòng mọi người dân trong vùng.
Nếu chỉ gọi chợ Viềng là một phiên chợ thì cũng chưa thật đầy đủ nội hàm. Bởi lẽ, chợ Viềng được tổ chức trong một không gian dày đặc di tích lịch sử văn hóa với các quần thể kiến trúc văn hóa, tín ngưỡng cổ đã được Nhà nước công nhận xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Du khách đến với chợ Viềng cũng không quên ghé thăm, dâng lễ tại những nơi này. Theo truyền thuyết, vào quãng giờ Tý, Bà chúa Liễu Hạnh sẽ cưỡi ngựa bạch hiển linh về phủ, ban lộc cho thiên hạ, những ai có mặt trong chợ lúc đó sẽ “cầu được ước thành”, vậy nên, du khách thập phương ai cũng muốn có mặt tại chợ vào thời khắc đó. Ngoài hoạt động mua bán còn có các hoạt động văn hóa, du xuân và hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, thể hiện ý thức nhân sinh, cội nguồn dân tộc, đồng thời hướng tới lòng từ bi, bác ái.
Hình ảnh kẻ bán, người mua trong Hội chợ Viềng Nam Định. Ảnh: tác giả cung cấp
Đến với Chợ Viềng, ai ai cũng ngỡ ngàng trước khoảng không gian rộng lớn nơi diễn ra cảnh mua bán. Tiếng là hội chợ nhưng chợ Viềng không bán mua những sản phẩm ngoại lai cao cấp, hào nhoáng đắt tiền như ở các hội chợ tỉnh, thành phố lớn. Hàng hóa ở Chợ Viềng thật phong phú và đa dạng: Từ đồ thờ tự, đồ trang trí, đồ chơi, đồ dùng, đông tây, kim, cổ đủ loại... với hàng ngàn mặt hàng từ đồ đồng, đồ đá, sứ, đồ gỗ... không thiếu một thứ gì; rồi đến các loại cây trồng: Cây lấy gỗ, cây hoa, cây cảnh, cây ăn quả, thậm chí cả cây cà, cây chanh, cây ớt; và sau nữa là đến các vật dụng sản xuất của nhà nông: Cái cày, cái cuốc, các vật dụng nhỏ … với đủ chủng loại, chất lượng và giá thành. Du khách còn có cơ hội thưởng thức nhiều đặc sản “bánh Gôi, xôi Báng, rượu Hầu”, đặc biệt là món “bê thui” được bày bán thành từng dãy hoặc xen vào các hàng bán cây giống, cây cảnh. Ai đến chợ cũng mua thịt bò thui mang về để lấy may.
Có thể nói chợ Viềng như là cuộc triển lãm kinh tế xã hội của các địa phương trong và ngoài tỉnh Nam Định với sự hội tụ của hầu như tất cả những sản phẩm làng nghề có hàng trăm năm tuổi như: Làng hoa cây cảnh; các sản phẩm đồ đồng đến từ làng nghề đúc đồng nổi tiếng và cùng với sự góp mặt của nhiều gian hàng thủ công mỹ nghệ của hầu hết các làng nghề nổi tiếng đến từ các tỉnh trong nước. Ai ai muốn mua gì, dù quý hiếm đến đâu thì ở những không gian hàng đồ cổ chợ Viềng đều có. Bước vào những gian hàng này quý khách cũng không muốn rời chân.
Đến chợ Viềng, điều hết sức đặc biệt đó là, du khách không thể “tay không trở về”. Ai cũng mang theo một cây giống, cây cảnh hoặc cân thịt bò đem về nhà để có được may mắn về học hành, công tác, lao động sản xuất, kinh doanh … trong năm mới. Theo phong tục xưa, Tết nguyên đán thường kéo dài tới ngày mồng 7 mới kết thúc với lễ “hạ nêu”. Vì vậy, phiên chợ ngày mồng 8 là phiên chợ đầu tiên khởi đầu cho một năm mới. Quan niệm dân gian cho rằng, ngày bán mở hàng nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ thì sẽ mang lại may mắn cả năm. Cùng với không khí ấm áp đầu xuân, cách mua bán trong chợ Viềng làm cho người ta cảm thấy thật thoải mái. Cả người bán và người mua đều mang ý niệm, tâm thức “cầu may”, không có chuyện người bán nói thách, hay người đi mua “cò kè trả giá” vì sợ mất đi sự “linh thiêng” và bị “dông” cả năm.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, chợ Viềng Nam Định mang những sắc thái văn hóa độc đáo của đất và người Thành Nam đã trở thành địa chỉ du xuân hấp dẫn của người dân trấn Sơn Nam Hạ cũng như du khách khắp nơi trong cả nước mỗi khi Tết đến, xuân về; là nơi hội tụ những nét đặc trưng cấu trúc xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng, làng nghề truyền thống, ẩm thực, nghệ thuật truyền thống mang đậm nét văn hoá của nền văn minh lúa nước, là nét đẹp trong văn hóa Việt Nam.
Nguyệt Nguyễn