Giành được chính quyền rồi, việc tiếp theo là chuẩn bị Lễ độc lập, ra mắt Chính phủ lâm thời, công khai trước quốc dân và thế giới tính hợp pháp của Chính phủ cách mạng. Công việc nối tiếp công việc trong một không khí khẩn trương, chạy đua với thời gian, bởi ranh giới giữa thời cơ và thách thức luôn chỉ là gang tấc trong bối cảnh chính trị phức tạp lúc bấy giờ
Tại Hà Nội
Trong tình hình hết sức khẩn trương, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, Tổng bộ Việt Minh và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định sớm tổ chức lễ Tuyên bố độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời quyết định làm lễ ra mắt quốc dân đồng bào vào ngày 02/9/1945 và thành lập Ban Tổ chức “Ngày Độc lập” do Nguyễn Hữu Đang làm Trưởng ban. Chủ tịch Chính phủ lâm thời trực tiếp giao nhiệm vụ cho Nguyễn Hữu Đang.
Ngày 31/8/1945, Trưởng ban Tổ chức “Ngày Độc lập” gửi thư cho Thị trưởng Hà Nội, yêu cầu hạ lệnh cho các chùa chiền, nhà thờ cho mở cửa, quét tước sạch sẽ và đốt trầm hương để mừng Ngày Độc lập; cho treo cờ ở vườn hoa Ba Đình và hai bên những phố lân cận; chuẩn bị một chiếc cột cờ cao 12 mét cùng dây kéo và bánh xe (poulie); thông báo cho nhân dân đi dự lễ tập trung tại Hội quán Khai trí hồi 13 giờ ngày 02/9/1945, trước khi đi tới vườn hoa Ba Đình.
Nhiệm vụ thiết kế lễ đài được ông Nguyễn Hữu Đang giao cho hoạ sĩ Lê Văn Đệ và kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh. Nhiều thợ mộc được huy động vào việc thi công. Các ông đã hết sức khắc phục khó khăn, tìm kiếm vật liệu để xây dựng và trang trí một lễ đài bằng gỗ, bọc vải màu đỏ ở vị trí trang trọng tại vườn hoa Ba Đình.
Chính phủ lâm thời ra mắt ngày 28/8/1945 (Ảnh tư liệu)
Hệ thống máy và loa truyền thanh phục vụ buổi lễ do hướng đạo sinh Nguyễn Dực đảm nhiệm với sự trợ giúp của gia đình ông Nguyễn Văn Vĩnh, chủ một cửa hàng âm thanh ở phố Hàng Bài, Hà Nội. Ban Tổ chức lên kế hoạch phát trực tiếp lời Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập đến các địa phương trong cả nước, nhưng những kỹ thuật viên không thể nối micrô của khán đài với Đài Phát thanh Hà Nội, do Đài Phát thanh vẫn nằm trong quyền kiểm soát của quân Nhật. Một máy phát lưu động trước kia được dùng để liên lạc giữa các khu mỏ của Pháp, được trưng dụng. Tuy nhiên, sáng ngày 02/9/1945, những rào chắn của Nhật đã ngăn xe chở thiết bị máy phát tới Vườn Bách thảo. Vì lẽ đó, Ban Tổ chức không thể thực hiện phát sóng trực tiếp theo kế hoạch ban đầu trên phạm vi cả nước.
Một số chi đội Giải phóng quân Việt Nam được lệnh điều động gấp từ Thái Nguyên về Hà Nội, nhưng phải qua một cuộc dàn xếp khó khăn mới được sự đồng ý của quân Nhật để các đơn vị vào nội thành. Đội nhạc binh cử những khúc quân hành khi đoàn quân vượt cầu Long Biên. Các chiến sĩ đi thành hai hàng dọc hai bên đường, súng cầm tay, đạn lên nòng, trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Sự có mặt của lực lượng vũ trang cách mạng đã trải qua tôi luyện, thử thách càng làm tăng thêm niềm hân hoan, tin tưởng của đồng bào.
Các đơn vị Giải phóng quân và tự vệ cứu quốc Hoàng Diệu phối hợp với Sở Liêm phóng Bắc Bộ cùng đông đảo hướng đạo sinh làm nhiệm vụ bảo vệ Chính phủ lâm thời và quần chúng dự mittinh. Họ tích cực chuẩn bị trang phục, đội ngũ, tổ chức tập luyện, phân công nhiệm vụ canh gác và làm hàng rào danh dự…
Lực lượng Cảnh sát được trang bị súng ngắn, đi xe đạp hộ tống đoàn xe của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ tới Vườn hoa Ba Đình. Chu Đình Xương, Giám đốc Sở Liêm phóng Bắc Bộ được giao nhiệm vụ bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi lễ. Nhiệm vụ bảo vệ lễ đài do một tổ bảo vệ do Hoàng Mai và Chu Đức Minh phụ trách.
Một đơn vị giải phóng quân trước Lễ đài Độc lập (Ảnh tư liệu)
Do những khó khăn rất lớn về tài chính, Chính phủ lâm thời không có quỹ để chi phí, thành phố Hà Nội nhận đài thọ kinh phí để tổ chức buổi lễ, nhưng nhân dân đã tự đóng góp tiền của và công sức để sửa sang, làm sạch và trang trí cho thành phố. Chỉ cần đi thăm phố phường Hà Nội trong buổi sáng ngày 01/9/1945, L. A. Patti, người Mỹ trong phái đoàn đại diện Đồng Minh, nhận thấy khắp nơi tưng bừng không khí ngày hội. Ai cũng “bận rộn, hớn hở và vội vàng nhưng không ai tỏ ra hấp tấp. Trước cửa nhà, trên ban công, ngoài cổng ra vào đầy các loại cờ đỏ, hoa, đèn”. Nhiều toán người hăm hở giăng trên đường phố những khẩu hiệu hô hào “Độc lập và Tự do cho Việt Nam”, và hoan nghênh Đồng Minh, đặc biệt là Mỹ. Thỉnh thoảng họ lại phải dừng xe để nhường đường cho một toán hướng đạo sinh, một đội nữ du kích, hoặc một đơn vị bộ đội vượt qua. “Giữa một vườn hoa nhỏ, một đội quân nhạc đang biểu diễn”. Người Việt Nam làm nhiệm vụ hướng dẫn cho Patti giải thích một cách trịnh trọng rằng: “Ngày mai Chính phủ mới sẽ ra mắt dân chúng và người Pháp đã bị loại bỏ”.
L. A. Patti “nhận thấy ngay được rằng khi nói đến Hồ Chí Minh, giọng ông ta có vẻ tự hào, cứ như ông Hồ là người thân thuộc trong gia đình mình vậy”.
L. A. Patti cũng cảm nhận được ý chí độc lập dân tộc và thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam: “Người Việt Nam sẽ không thoả mãn chỉ với sự đánh bại chế độ phát xít của Vichy và Tokio. Họ không muốn quay trở lại tình trạng trước chiến tranh của họ. Họ muốn có thay đổi. Họ muốn đòi lại đất nước họ và làm cho nó tự do và độc lập đối với sự đô hộ từ bên ngoài”.
L. A. Patti “có ấn tượng mạnh mẽ đối với công tác chuẩn bị cho ngày lễ và sự cởi mở của dân chúng”. Ông “ca tụng tài tổ chức của những người điều khiển các hoạt động ngày hôm sau và sự hân hoan của quần chúng trong việc thực hiện các nhiệm vụ của họ” .
Từ 24 giờ ngày 01/9/1945, Hà Nội thực hiện thiết quân luật theo Sắc lệnh số 3 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời . Lực lượng bảo vệ được triển khai tại khu vực Vườn hoa Ba Đình và các điểm chốt dọc đường Phan Đình Phùng đến Bắc Bộ Phủ (nay là Nhà khách Chính phủ).
Tại Sài Gòn
Tại Nam Bộ, sau khi nhận được điện từ Trung ương về việc chuẩn bị tổ chức gấp Lễ Độc lập để cử hành vào ngày 02/9/1945, Uỷ ban hành chính lâm thời Nam Bộ quyết định tổ chức mít tinh nhằm mừng Ngày Độc lập và biểu dương lực lượng quần chúng.
Đây là lúc ý đồ của Pháp trở lại xâm lược Nam Bộ đã lộ rõ. Uỷ viên cộng hoà Pháp-Đại tá Cédile cùng hai cộng sự đã có mặt tại Sài Gòn với sự bảo vệ cẩn mật của quân Nhật. Họ yêu cầu nói chuyện với Ủy ban hành chính lâm thời. Để giải quyết vấn đề ngoại giao, nội trị phải an bài, dân tâm phải nhất trí, thực lực phải mạnh.
Ngày 30/8/1945, trong cuộc họp báo tại Trụ sở Hành chính, Trần Văn Giàu nêu rõ: “Chúng tôi sẵn sàng tiếp chuyện nếu đại biểu của De Gaulle chịu đặt sự bàn bạc lên lập trường Việt Nam hoàn toàn độc lập. Nhưng nếu đại biểu của De Gaulle muốn đặt sự bàn bạc lên lập trường khác thì chúng tôi xin nhường cho… súng đạn trả lời”. Trước nguy cơ xâm lược, ông kết luận: “Nếu một phần đất nào của Việt Nam bị mất thì chúng ta phải dùng máu của chúng ta mà đặt lại vấn đề Việt Nam trên tấm thảm xanh quốc tế” .
Cuộc mít tinh mừng Ngày Độc lập không chỉ biểu thị sự đoàn kết của dân chúng, mà còn phải biểu dương lực lượng của dân quân, nên cần kết hợp diễu hành của quân sự và lực lượng dân quân. Trong một cuộc họp tại dinh hành chính, có hai loại ý kiến khác nhau về việc có nên tổ chức lực lượng dân quân diễu hành hay không? Có ý kiến lo ngại, rằng dân chúng đang hăng hái đến cao độ, nên trong một cuộc biểu tình vũ trang họ sẽ không nhịn được một vài cử chỉ khiêu khích có thể Xảy ra và sẽ dẫn tới xung đột. Nhưng đa số đều tán thành với ý kiến của Uỷ trưởng quân sự về việc tổ chức diễu hành của dân quân.
Tại cuộc tiếp xúc với báo giới ngày 01/9/1945, Trần Văn Giàu thông báo: “Sẽ có bốn sư đoàn dân quân cách mạng biểu diễn… Lực lượng vô song của chúng ta chính là sự đoàn kết và tấm lòng hy sanh cho Tổ quốc” .
Mọi việc chuẩn bị cho Ngày Độc lập tại Sài Gòn được xúc tiến khẩn trương. Từ các công sở đến tư gia, tiệm buôn của người Việt và Hoa kiều đều treo cờ đỏ sao vàng và cờ của bốn nước Đồng Minh là Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc.
Như vậy, tại trung tâm chính trị ở hai đầu đất nước, việc chuẩn bị Lễ Độc lập diễn ra hối hả, khẩn trương, chạy đua với thời gian, nhưng trong một quyết tâm và khí thế cách mạng rất cao.
Đó là sự bảo đảm cho Lễ Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành công 79 năm trước.
Bình Nguyễn