Hội làng Khuê Trung là minh chứng cho sự đồng lòng, đoàn kết, giữ gìn và phát huy văn hóa được tích lũy và trao truyền qua nhiều thế hệ, in dấu trong các nghi lễ, nghi thức cúng, nghi thức chẩn tế, ẩm thực, trò chơi dân gian... Trong bối cảnh toàn cầu hóa với sự hội nhập nhanh chóng của nền kinh tế - xã hội và văn hóa của các quốc gia, việc giữ gìn và phát huy giá trị của lễ hội truyền thống như Hội làng Khuê Trung có vai trò quan trọng nhằm bảo lưu, tạo sức đề kháng vững chắc cho văn hóa địa phương, dân tộc.
Dâng hương tưởng nhớ các vị tướng quân và hơn 1.000 nghĩa sĩ vị quốc vong thân trong những năm kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha (1858 - 1860). Ảnh: baodanang
Văn hóa làng - văn hóa văn minh đô thị
Phường Khuê Trung ngày xưa thuộc xã Hóa Quê (hay Hóa Khê) huyện Hòa Vang. Từ xưa đến nay nhân dân địa phương sinh sống chủ yếu bằng nông nghiệp, các tộc họ đến đây sinh cơ lập nghiệp và làm ăn đã nhiều đời. Tháng 8/1975, được tách ra từ khối phố Khuê Trung – Hòa Cường trước đây, Khuê Trung là một phường thuộc quận Hải Châu (quận Nhất cũ). Đến năm 2005, thực hiện chủ trương của các cấp về việc thành lập quận Cẩm Lệ, phường Khuê Trung được sáp nhập về quận Cẩm Lệ là một đơn vị hành chính trực thuộc quận Cẩm Lệ cho đến nay.
Khi làng lên phố, người dân đô thị ở phường Khuê Trung vẫn giữ những nét đẹp của văn hóa làng quê, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt, tính cố kết cộng đồng được phát huy; các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư xây dựng… đồng thời khắc phục những thói quen xấu đã tồn tại bấy lâu ở làng quê. Đời sống tinh thần của Nhân dân được nâng cao chính là động lực thúc đẩy xây dựng đời sống văn hóa và văn minh đô thị. Điều đặc biệt ở Khuê Trung có quần thể khu di tích cấp quốc gia Nghĩa Trủng Hòa Vang được lập đầu tiên vào tháng 5 năm Tự Đức thứ 19 ở xứ Trủng Bò, làng Nghi An, xã Hòa Phát, huyện Hòa Vang. Sau 02 lần di dời, đến nay Nghĩa Trủng Hòa Vang tọa lạc tại tổ 39, phường Khuê Trung quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Vào ngày 01/4/1999 khu Di tích Nghĩa Trủng Hòa Vang được Bộ Văn hóa Thể thao công nhận Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia có diện tích khoảng 4.000 m2 là một quần thể di tích văn hóa gồm phế tích tháp Hóa Quê, Miếu Bà, giếng Cổ Chăm, Nhà thờ chư phái tộc gồm các vị Tiền hiền lập làng Hóa Quê thế kỷ XV và khu Nghĩa Trủng là nơi yên nghỉ của 3 vị tướng và hơn 1.000 nghĩa sĩ đã hi sinh trong buổi đầu chống thực dân Pháp xâm lược 1858 – 1860.
Hàng năm, vào các ngày 15,16 tháng 3 Âm lịch, cán bộ và nhân dân phường náo nức tham gia và tổ chức các hoạt động tưởng niệm Nghĩa sĩ, Lễ cúng Miếu Bà và giỗ các vị Tiền hiền làng Khuê Trung tại Nghĩa Trủng Hòa Vang, đồng thời tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thi các môn thể thao và các môn văn hóa dân gian truyền thống với sự tham gia của các cụm dân cư trên địa bàn phường. Đây là dịp tụ họp nhân dân trong toàn phường, con cháu làm ăn xa quê về dự, thắp nén hương tỏ lòng thành kính tổ tiên, ghi nhớ về cội nguồn quê cha đất tổ; tạo khối đoàn kết keo sơn trong toàn phường; cầu cho quốc thái dân an, một năm an lành thịnh vượng cho dân làng và quê hương; tiếp tục duy trì và phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông, giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc, tiếp tục gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử văn hóa để cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau học tập noi theo.
Từ khi được công nhận và xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia đến nay, Đảng bộ, chính quyền, các ban ngành các cấp và nhân dân phường Khuê Trung đã luôn quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, hiện nay vẫn giữ nguyên vẹn các giá trị văn hóa; hằng năm nhân dân phường nhà đều tham gia đóng góp để chăm sóc, bảo vệ di tích; tổ chức các lễ hội làng Khuê Trung và giỗ Tiền hiền, Cúng Miếu Bà, tưởng niệm các Nghĩa sĩ.
Người dân các khu dân cư ở Khuê Trung thi chưng quả, cắm hoa, têm trầu cánh phượng để dâng các nghĩa sĩ đã vị quốc vong thân và các vị Tiền hiền làng Khuê Trung. Ảnh: baodanang
Giữ gìn và phát huy lễ hội văn hóa
Cho đến tận bây giờ, mối quan hệ giữa “phố” và “làng”, “văn minh đô thị" và "văn hóa làng” vẫn song hành, hòa quyện với nhau, đan xen nhau trong kiến trúc, lối sống, hành vi ứng xử, lề thói của đất và người Khuê Trung. Tính cộng đồng trong phạm vi làng xã vẫn tồn tại hòa nguyện trong các khu dân cư, tổ dân phố, truyền thống “tương thân tương ái”, tình làng, nghĩa xóm, lối sống nhân ái “lá lành đùm lá rách”, “tắt lửa tối đèn có nhau”... vẫn được thể hiện mỗi khi có biến cố xảy ra... Đặc biệt, nền nếp, gia phong được rèn giũa qua biết bao thăng trầm ở nơi này nơi kia vẫn không bị cách sống nơi phồn hoa làm cho phai nhạt. Nó vẫn ôm trong mình những dấu tích để minh chứng cho một nền văn hóa bền vững đến lạ lùng.
Những năm gần đây, khi xã hội càng ngày càng phát triển, công nghệ số len lỏi vào từng ngóc ngách của đời sống thì văn hoá nói chung và văn hoá dân gian nói riêng ngày càng được nhìn nhận đúng giá trị. Nhìn lại “văn hóa làng trong phố” trong đời sống người dân Khuê Trung càng khẳng định rõ nét hơn việc thực hiện nghiêm cẩn các nghi thức truyền thống trong hội làng Khuê Trung sẽ góp phần quan trọng đối với công tác bảo tồn lễ hội. Theo Tiến sĩ Đinh Việt Hà, Viện Nghiên cứu văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam): “Lễ hội là “mái nhà” tâm linh, tạo nên niềm tin xã hội khi người ta hướng về sự thành kính, thiêng liêng. Việc kết nối vốn xã hội sẽ tạo ra nguồn vốn văn hóa. Các lễ hội sẽ kiến tạo nên vốn văn hóa và giá trị văn hóa cho địa phương”.
Tóm lại, lễ hội truyền thống có lịch sử lâu đời, đa dạng về sắc thái và độc đáo về giá trị, tạo nên bản sắc văn hóa riêng biệt cho mỗi địa phương. Việc giữ gìn và phát huy giá trị của lễ hội truyền thống như Hội làng Khuê Trung có vai trò quan trọng nhằm bảo lưu, tạo sức đề kháng vững chắc cho văn hóa xứ Quảng Đà, góp phần bảo tồn, làm giàu và phát huy giá trị văn hóa dân tộc như đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và mới đây, Hội nghị văn hóa toàn quốc thêm một lần xác định, nền văn hóa Việt Nam phải đứng vững trên “đôi chân” vừa tiên tiến-hiện đại, vừa đậm đà bản sắc, kế thừa truyền thống. Sự biến đổi văn hóa cổ truyền trong xã hội hiện đại với sự thay đổi sâu sắc các nền tảng là một tất yếu. Nhưng những giá trị di sản ông cha phải được con cháu trân trọng, gìn giữ, phát huy thành sức mạnh nội sinh.
Sông Yên